Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp đã góp phần khôi phục cơ bản hoạt động du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn.
9 tháng năm 2024, khoảng 1 triệu du khách trong tổng số 2,7 triệu khách khách du lịch đến Cát Bà lựa chọn du lịch trên Vịnh Lan Hạ.
Đây là 2 trọng điểm du lịch của thành phố Hải Phòng, đóng góp lớn nhất trong phát triển du lịch của thành phố Cảng.
Khẩn trương tái thiết
Huyện Cát Hải (đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà) và quận Đồ Sơn là 2 địa phương sát đất liền của Hải Phòng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3 (Yagi). Gió bão đã quật gẫy hầu hết cây xanh tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng của nhiều thương hiệu du lịch lớn đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Việc khắc phục hậu quả của bão số 3 tại Cát Bà càng khó khăn hơn do giao thông cách trở, mất điện, mất nước, mất internet trên toàn huyện đảo thời gian đầu sau bão.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, dưới sự chỉ đạo của thành phố, sự chủ động của địa phương và sự đồng hành các sở ngành, việc đầu tiên được triển khai là phá thế bị cô lập của đảo Cát Bà. Một ngày sau bão, việc dọn dẹp rác ở các phà - điểm trung chuyển đưa người và phương tiện từ đất liền Hải Phòng ra đảo Cát Bà đã được tiến hành khẩn trương, đảm bảo bến bãi và điều kiện an toàn để tàu vận chuyển đưa lực lượng cứu hộ, lương thực, thực phẩm ra đảo cũng như hỗ trợ người dân di chuyển từ đảo về đất liền và ngược lại.
Tại đảo Cát Bà, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ cùng sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang giải tỏa giao thông nội bộ trên đảo, ưu tiên cho tuyến đường trục chính nối từ phà Cái Viềng vào thị trấn và các xã trên đảo. Điện, nước, internet dần khôi phục. Đến thời điểm này, các tuyến đường trên đảo đã cơ bản sạch sẽ và khoảng 30% nhà hàng, khách sạn hoạt động trở lại. Dự kiến đến ngày 1/10, khoảng 90% nhà hàng, khách sạn tại Cát Bà sẽ hoạt động bình thường.
Ông Phạm Trường, chủ đầu tư khách sạn M’ Gallery (khách sạn 5 sao đầu tiên tại Cát Bà) cho biết, sau bão, việc gọi người sửa chữa từ thành phố ra Cát Bà gần như bất khả thi do đường sá xa xôi. Do đó, toàn bộ lãnh đạo, người lao động của khách sạn đã chung tay khắc phục, dọn dẹp và đến thời điểm này, M’Gallery đã khắc phục gần như 100% thiệt hại sau bão. Khách sạn vẫn đón khách trong thời gian qua và cuối tuần này (28 - 29/9) sẽ đón khoảng 200 du khách đến từ châu Âu.
Phục hồi tích cực
Cát Bà là điểm du lịch được nhiều du khách châu Âu lựa chọn đến tham quan mùa Thu Đông. Anh Jordan Carr, du khách người Anh cho biết, anh đã du lịch qua 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi tới Việt Nam, anh sẽ đến các điểm du lịch như Hà Giang, Sơn Đoòng và Cát Bà.
Khi tìm hiểu về Cát Bà, anh Jordan Carr thấy đây là điểm du lịch độc đáo - nơi có cả biển và rừng cùng nhiều hoạt động trải nghiệm trên vịnh Lan Hạ. Điểm vượt trội của Cát Bà chính là sự yên bình của cảnh quan cũng như sự nồng hậu của người dân. Trong 2 ngày ở đảo Cát Bà, anh đã chứng kiến người dân cùng nhau dọn dẹp cảnh quan môi trường, sửa chữa lại nhà hàng, khách sạn với nỗ lực cao nhất, phục vụ du khách tốt nhất. Đây là ấn tượng đẹp anh không bao giờ quên.
Còn anh Đinh Văn Mạnh, chủ chuỗi khách sạn, nhà hàng Gia Cát Long, thị trấn Cát Bà cho biết, đã có những nhóm khách nước ngoài trở lại Cát Bà và ở lại trong khách sạn của gia đình anh. Chuỗi khách sạn này đã sẵn sàng đón các vận động viên tham gia Giải Marathon quốc tế VTV LP Bank - Sắc màu hoàng hôn Cát Bà 2024 dự kiến tổ chức ngày 19/10.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải Nguyễn Quang Vinh cho hay, đến thời điểm này có khoảng 3.000 vận động viên đăng ký tham gia Giải Marathon quốc tế VTV LP Bank - Sắc màu hoàng hôn Cát Bà 2024. Điều đặc biệt của các giải là sẽ có nhiều người thân đi cùng các vận động viên để trải nghiệm sản phẩm du lịch địa phương. Đây sẽ là dịp rất tốt để du lịch Cát Bà tái khởi động và phục hồi tích cực sau bão.
Tại Đồ Sơn, quận tái khởi động du lịch với hoạt động mở đầu là Lễ hội chọi trâu. Sau 35 năm khôi phục lễ hội, đây là năm đầu tiên lễ hội lùi từ ngày truyền thống 9/8 âm lịch hằng năm sang ngày 19/8 âm lịch (21/9 dương lịch) để quận và các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả của bão số 3.
Cùng ngày 21/9, tại Đồ Sơn diễn ra đêm chung kết Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2024. Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, đây là những hoạt động góp phần quan trọng tạo ra chuỗi sản phẩm trong dịp Thu Đông thu hút du khách, đưa Đồ Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn 4 mùa.
Ông Phạm Duy Khánh, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2024 chia sẻ, Đồ Sơn đã là một thương hiệu du lịch nổi tiếng của thành phố Cảng. Năm nay, Ban Tổ chức quyết định chọn Đồ Sơn là địa điểm tổ chức đêm chung kết để góp phần lan tỏa thương hiệu du lịch lâu đời của thành phố Cảng đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Ghi nhận nhanh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, tại Đồ Sơn, bên cạnh khách du lịch đến xem Lễ hội chọi trâu và đêm Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu năm 2024, Đồ Sơn còn thu hút rất nhiều khách du lịch là người chơi goft đến giao hữu tại 2 sân goft trên địa bàn quận.
Theo báo cáo của quận, 9 tháng qua, Đồ Sơn đón khoảng 3,5 triệu lượt khách. Năm 2024, Đồ Sơn phấn đấu đón 3,8 triệu lượt khách.
Số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cho thấy, 9 tháng qua có gần 3 triệu khách đến Cát Bà, trong đó có khoảng 810 nghìn lượt khách quốc tế. Đáng chú ý, có khoảng 900 nghìn lượt khách thăm quan, nghỉ đêm trên vịnh Lan Hạ. Đây là nhóm khách có khả năng chi trả cao, đóng góp quan trọng trong tăng thu ngân sách địa phương. Hiện, du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 75% tỷ trọng kinh tế của huyện Cát Hải.
Về điều kiện phục vụ khách du lịch, huyện có 313 cơ sở lưu trú với 6.566 phòng. Trong đó, có 2 cơ sở lưu trú du lịch đã được Tổng Cục du lịch Việt Nam quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao với trên 1.000 phòng và nhiều dịch vụ đa dạng phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng trên đảo. Cùng với đó là hệ thống du thuyền hiện đại hoạt động trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Các du thuyền này đã và đang dần đáp ứng tốt nhu cầu của dòng khách có khả năng chi trả cao, đặc biệt là du khách quốc tế. Hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn cũng được đầu tư, nâng cấp về quy mô và chất lượng, với 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch khi đến Cát Bà.
Theo Baotintuc.vn
Theo các chuyên gia du lịch, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam cần hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững để tồn tại và phát triển.
Tối 4/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ trao giải thưởng du lịch MICE thế giới (World MICE Awards) đã được tổ chức.
Những ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, tại nhiều khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đã đón lượng khách tham quan khá đông, trong đó có cả du khách quốc tế.
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Hoà Bình đạt 110.000 lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng du khách nội địa chiếm thị phần lớn, khách quốc tế đón 6.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 90 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không quá sôi động như các địa phương miền biển xanh, cát trắng, du lịch Hoà Bình vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 có sức hút riêng đối với những khách du lịch yêu thích khám phá vẻ đẹp núi, sông kỳ vĩ, văn hoá dân tộc độc đáo và xu hướng tìm đến không gian xanh để thư giãn, tận hưởng nhịp sống thanh lành.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, khí hậu mát mẻ, môi trường sống trong lành cùng bản sắc văn hoá độc đáo, Hoà Bình là điểm đến được nhiều du khách trong nước, quốc tế yêu thích trải nghiệm, khám phá. Trong tương lai không xa, khi một số tổ hợp nghỉ dưỡng kết hợp với vui chơi, giải trí trên địa bàn đi vào khai thác sẽ tạo điểm nhấn, đưa Hoà Bình trở thành một trong những "thiên đường nghỉ dưỡng” miền Tây Bắc.