Cảnh quan ruộng bậc thang vào mùa lúa chín ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn) cuốn hút du khách đến tham quan, khám phá.
Theo kết quả nghiên cứu của Dự án di sản "Ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hòa Bình” (năm 2021), các khu ruộng lúa của người Mường Hòa Bình phần lớn nằm trên địa bàn 3 huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn. Trong đó, quần thể ruộng bậc thang của huyện Lạc Sơn được xác định là vùng lõi với hàng trăm thửa ruộng lớn nhỏ, cảnh quan vô cùng ngoạn mục. Nơi đây, văn hóa trồng lúa trên khu vực ruộng bậc thang song hành với tập tục văn hóa tín ngưỡng trải qua hàng trăm thế hệ tiếp nối nhau tạo nên đời sống vật thể phong phú, hệ sinh thái bền vững.
So với các xã trong khu vực ruộng bậc thang được bảo tồn, xã vùng cao Miền Đồi có cảnh quan ruộng bậc thang đặc sắc hơn cả, với diện tích khoảng 800 ha thuộc địa bàn nhiều xóm như: Thây Voi, Róm Bái, Rểnh, Thăn Trên, Thăn Dưới, Vôi Thượng, Vôi Hạ… Tại đây, xen kẽ các khu ruộng bậc thang là những thác nước đẹp với độ cao hàng trăm mét đổ xuống, những cánh rừng nhỏ, bản làng cùng các nếp nhà sàn tạo nên khung cảnh giao hòa với thiên nhiên và con người. Có khu ruộng nằm ở địa hình nhiều đồi nhấp nhô, thay đổi chiều cao, độ rộng tạo cảnh quan muôn hình, muôn vẻ. Ở xóm Vôi Thượng và Vôi Hạ còn có khoảng 80 ha ruộng nằm trên độ cao từ 600 - 850m nên khí hậu mát mẻ về mùa hè và khá lạnh vào mùa đông. Đây cũng là vùng trồng các loại lúa bản địa, quê hương của đặc sản gạo nếp Trứng Khe.
Nhắc đến khu ruộng bậc thang đẹp không thể không kể đến khu ruộng của các xóm: Thêu, Vệ, Củ, Ngọc, Kẻm, Rọi, Đồi Thung thuộc xã Quý Hòa với diện tích khoảng 300 ha. Các khu ruộng có cốt cao độ từ 300 - 750m, địa hình càng lên cao rừng tự nhiên nguyên sinh càng lâu đời, các khu ruộng càng dốc và hòa với thiên nhiên. Tại xã Mỹ Thành có khoảng 320 ha chia làm 2 khu ruộng chính (khu Cỏ và các xóm: Pheo, Riệc, Bờ Cả, Xì). Một phần các khu ruộng chạy dọc theo tỉnh lộ đi Kim Bôi, phần còn lại xen giữa các bản làng và chân núi, các cánh rừng với cốt cao độ 200 - 400m, vẻ đẹp đặc trưng kết hợp bản làng, rừng cây, ruộng lúa tạo thành bức tranh tổng thể.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Sơn, nét đặc trưng nổi bật của thắng cảnh ruộng bậc thang ở vùng Mường Vang là hệ thống ruộng rộng và đẹp, các rừng cây xen kẽ, xóm làng của người Mường gần như chưa bị thay đổi bởi đô thị hóa. Nguồn nước dồi dào cung cấp cho ruộng lấy từ các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Vẻ đẹp quần thể ruộng bậc thang còn hòa vào thiên nhiên hoang sơ với nhiều khu núi karst độc đáo, hệ thống thác nước, hang động, thảo nguyên, suối nước nóng… Ngoài vị trí độc đáo, cảnh quan đẹp, nhiều khu ruộng bậc thang có sự kết nối giao thông liên huyện, tuyến đường giao thông khá thuận tiện cho du lịch liên vùng.
Ruộng bậc thang cũng được xác định là một hợp phần của cảnh quan văn hóa, kết hợp với phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, không gian cư trú của cộng đồng Mường nơi đây. Trên địa bàn có nhiều di tích khảo cổ có thể thành điểm tham quan du lịch như Hang xóm Trại - xã Tân Lập, hình vẽ ở bãi đá xóm Cỏ - xã Mỹ Thành… Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ thắng cảnh ruộng bậc thang; quan tâm phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống, nhất là các lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tập quán trồng lúa; quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của danh thắng ruộng bậc thang. Cùng với đó, chú trọng bảo tồn nhằm từng bước xây dựng sản phẩm du lịch, tham quan trải nghiệm.
Cũng với hệ thống ruộng bậc thang tạo điểm nhấn cho vẻ đẹp cảnh quan miền sơn cước, huyện Lạc Sơn đang thu hút du khách và một số doanh nghiệp, tập đoàn đến khảo sát, nghiên cứu, lựa chọn đầu tư loại hình du lịch sinh thái. Tiêu biểu là Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời - Sun Group đã lựa chọn đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Đồi Thung và Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng hồ Khả với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Bùi Minh