Ba xã vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn, huyện Tân Lạc có độ cao từ 800 - 1.000m so với mực nước biển. Là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, hệ thống rừng tự nhiên với các loài động, thực vật phong phú, khí hậu mát mẻ, ôn hòa về mùa hè; nhiều danh lam thắng cảnh, hang động đẹp được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hiện nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Đồng thời, có hàng hóa nông sản khá phong phú với đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà lợn giống bản địa Ngổ Luông, rượu Hượp Lũng Vân... tạo sức hút riêng đối với du khách.
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, lưu giữ được nét văn hóa truyền thống dân tộc Mường, xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Xác định tiềm năng của mảnh đất, con người nơi đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13/NQ-BTV, ngày 17/10/2022 về "xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (NQ13). Đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh, UBND huyện, các sở, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hàng năm để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của NQ13. Đến nay, việc triển khai NQ13 bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Nhân dân dần nhận thức được hiệu quả của phát triển du lịch.
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Huyện đã tập trung xây dựng 3 điểm du lịch cộng đồng mẫu ở các xóm: Hày Dưới - xã Vân Sơn, Bắc Thung - xã Quyết Chiến, Luông Cá - xã Ngổ Luông. Phối hợp tổ chức 2 cuộc khảo sát tại cơ sở để thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, đề án của UBND tỉnh về phát triển du lịch tại 3 xã; mở 3 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cho 287 hộ dân tại 3 xóm được lựa chọn làm điểm du lịch cộng đồng mẫu. Từ đó, nhân dân bước đầu nhận thức được hiệu quả của phát triển du lịch; ý thức được việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch.
Đến cuối tháng 8/2024, điểm văn hoá du lịch cộng đồng xóm Hày Dưới, xã Vân Sơn có 3 hộ dân sửa chữa, nâng cấp nhà ở chuẩn bị phục vụ dịch vụ lưu trú. Điểm văn hoá du lịch cộng đồng xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến có 2/3 hộ dân đã hoàn thiện việc nâng cấp, sửa sang nhà ở và đã đưa vào phục vụ khách lưu trú, đáp ứng được 35 lượt khách/ngày; hình thành 1 điểm camping mới tại bãi Pặng thu hút khoảng 300 - 500 lượt khách/ngày đến thăm quan, trải nghiệm vào dịp cuối tuần. Điểm văn hoá du lịch cộng đồng xóm Luông Cá, xã Ngổ Luông đã hình thành các tổ nhóm dịch vụ, hiện có 5 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Các cơ chế, chính sách thực hiện NQ13 được quan tâm thực hiện. Các ngành chức năng đã hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) duy trì chứng nhận VietGAP tại HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC (xóm Thung Mu, xã Quyết Chiến), tổ hợp tác quýt Nam Sơn (xóm Xôm, xã Vân Sơn); cấp 1 mã số vùng trồng với diện tích 10ha tại xóm Biệng, xã Quyết Chiến cho HTX rau an toàn Quyết Chiến. Huyện tập trung xây dựng dự án triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại xã Vân Sơn, do Bộ NN&PTNT phê duyệt danh mục; đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã bố trí các dự án hạ tầng giao thông phục vụ cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, phát triển du lịch, y tế, giáo dục… trên địa bàn huyện Tân Lạc. Điều chỉnh bổ sung danh mục dự án dự kiến khởi công mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 huyện Tân Lạc tại 3 xã vùng cao với kinh phí 17.000 triệu đồng...
Tỉnh quan tâm tích hợp các tuyến đường kết nối phát triển KT-XH, thu hút đầu tư. Huyện lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh tại các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai cải tạo, nâng cấp 15 tuyến đường liên xã, liên thôn, đường kết nối đến các điểm du lịch trên địa bàn các xã vùng cao với tổng nguồn vốn đầu tư trên 79 tỷ đồng. Đến ngày 30/8/2024 đã giải ngân gần 50 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, đạt trên 51% kế hoạch... Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống lưới điện, phát triển sản phẩm, thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch, bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo QP-AN được chú trọng thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện NQ13 ở các xã vùng cao Tân Lạc gặp một số khó khăn như: Chất lượng hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, mặt đường kém, lòng đường hẹp, nhiều đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, chưa có bãi đỗ xe cho du khách. Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu, yếu về điện lưới, cấp thoát nước, môi trường, viễn thông, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, điểm dừng nghỉ; bộ phận cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch; bộ phận cứu nạn, cứu hộ; phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải tập trung, nước thải; chưa có hệ thống cung cấp nước sạch đạt chuẩn...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, huy động sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, nhân dân tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030.
Hương Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.
Dựa vào cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương vùng nông thôn tỉnh Hoà Bình đã xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn (DLNT).
Theo các chuyên gia du lịch, xu hướng du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu tất yếu của ngành du lịch để hướng đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, Việt Nam cần hướng đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững để tồn tại và phát triển.
Tối 4/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ trao giải thưởng du lịch MICE thế giới (World MICE Awards) đã được tổ chức.
Những ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, tại nhiều khu di tích, điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đã đón lượng khách tham quan khá đông, trong đó có cả du khách quốc tế.
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Hoà Bình đạt 110.000 lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng du khách nội địa chiếm thị phần lớn, khách quốc tế đón 6.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 90 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.