Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong cả nước đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống, góp phần quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Tác phẩm Giao thoa hạnh phúc của chị Trần Thị Hiền, Lào Cai đạt giải nhất Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2024.
Nhiều sản phẩm độc đáo
"Giao thoa hạnh phúc” là tác phẩm thủ công truyền thống của tác giả Trần Thị Hiền, tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ thổ cẩm Việt Nam, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vừa được giải Nhất tại Hội thi "Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam” năm 2024 gắn với Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Bức tranh được lấy cảm hứng từ khăn đội đầu cũ của một cô dâu người dân tộc Dao và chiếc cổ áo của một nam người dân tộc H'Mông. Sự kết hợp trên bức tranh này gợi nhớ đến những ngày còn phòng tục chỉ lấy người dân tộc mình mà không được lấy vợ hoặc chồng là dân tộc khác của cả người H'mông và người Dao. Đến hôm nay đã có sự giao thoa hạnh phúc được kết lên từ những đám cưới giữa người trong tộc này có thể làm vợ/chồng với người trong tộc khác. Ngoài tượng trưng cho sự giao thoa văn hoá giữa hai dân tộc của nước Việt Nam, sản phẩm còn là nét văn hoá độc đáo về trang phục vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
Chị Trần Thị Hiền cho biết: "Sản phẩm được sáng tạo chất liệu thuần tự nhiên từ vải lanh dệt tay của người H’Mông cũng như vải bông của người Dao được nhuộm chàm và thêu những hoa văn truyền thống bằng tay. Điều mới mẻ là chúng tôi làm thành tranh trang trí để phù hợp với làm quà tặng. Tranh có thể dựng thành khung hoặc làm móc cuộn lại nếu mang đi xa. Ngay sau khi ra mắt, sản phẩm này được nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích thú”.
Mây tre đan như một thế giới mà Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội cần "chinh phục”. Bởi thế, sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề, ông vẫn không ngừng sáng tạo, học hỏi. Ngoài đan bằng mây, tre đơn thuần, gia đình ông còn đưa gốm, sơn mài… vào sản phẩm, tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ mới và được nhiều khách hàng, nhiều khách sạn lớn đặt hàng làm đồ trang trí.
Một trong những sáng tạo điển hình của ông là "Bộ bình gốm đan mây”. Nhận thấy trước đây bình mây tre đan chỉ sử dụng cho cắm hoa khô, hoa giả nay để tăng tính ứng dụng cho sản phẩm ông đã kết hợp giữa gốm và mây tre đan để có thể cắm được hoa tươi. Đây là một kỹ thuật đan rất khó, áp dụng hoa văn từ hội họa như chiều ngang, chiều dọc và chéo, đòi hỏi người thợ rất công phu. Sản phẩm này vừa mang lại cho nghệ nhân Nguyễn Phương Quang giải Nhì Hội thi "Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam” năm 2024.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang cho biết: "Với mong muốn đưa sản phẩm thủ công truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, đặc biệt là phục vụ khách du lịch, chúng tôi không ngừng sáng tạo nên nhiều sản phẩm mới với tiêu chí ứng dụng, nhỏ gọn, tinh xảo, bắt mắt nhằm lan tỏa nghề địa phương”.
Đây chỉ là 2 trong 61 giải của 61 tác giả, nhóm tác giả được Ban tổ chức trao giải, vinh danh. Một trong những điểm độc đáo của các sản phẩm dự thi và đạt giải năm nay là các sản phẩm có sự đa dạng chất liệu, mẫu mã, chủng loại, đầu tư kỹ lưỡng nên chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nghệ thuật, kiểu dáng thay đổi sáng tạo, làm theo thị hiếu thị trường, sản phẩm quà tặng, có tính ứng dụng cao.
Giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực sáng tạo và gìn giữ bản sắc truyền thống, mà còn là động lực để các nghệ nhân tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam
Nhiều gian hàng thủ công truyền thống góp phần quảng bá du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam
Nhằm thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các hoạt động quảng bá, trưng bày và kết nối du lịch nông thôn, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp - nông thôn nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu trong cả nước.
Đây là cơ hội cho các địa phương quảng bá về mô hình du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tới du khách trong nước và ngoài nước.
Đến với không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, khách tham quan được thưởng lãm những sản phẩm tinh xảo, được chế tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các làng nghề. Mỗi sản phẩm không chỉ là minh chứng cho tài năng, sức sáng tạo mà còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
"Không gian trưng bày được thiết kế ấn tượng bằng cách sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, gần gũi với người dân Việt Nam như mây, tre, nứa…, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, tiểu cảnh trang trí đã vẽ nên không gian ấn tượng, đặc sắc, phù hợp với chủ để của cuộc triển lãm, tạo cảm hứng cho du khách như chúng tôi đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm”, chị Phan Lan Hương, du khách đến từ Quảng Ninh hào hứng nói.
Trong không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam còn có khu trình diễn ẩm thực, thao diễn nghề của nghệ nhân, thợ thủ công. Chương trình livestream quảng bá về du lịch nông thôn, kết nối tiêu thụ sản phẩm làm quà tặng du lịch tiêu biểu tại các địa phương cũng được diễn ra.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Việc quảng bá những giá trị đặc sắc về di sản văn hóa tiêu biểu, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái bền vững, ẩm thực và sản vật địa phương của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tại sự kiện sẽ góp phần quan trọng khai phá tiềm năng to lớn của Việt Nam trong phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn. Triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Theo TTXVN
Sáng 18/11, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 tổ chức Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch với sự tham dự của 13 thí sinh đến từ 7 huyện, thành phố.
Bình Thuận đang bước vào mùa cao điểm đón khách quốc tế.
Ngày 17/11, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 đã đưa đoàn khách các tỉnh, thành phố đi tham quan, khảo sát một số điểm đến trên khu du lịch hồ Hòa Bình.
Du lịch Hà Nội đang tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng ấn tượng. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 5,1 triệu lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
National Geographic vừa công bố danh sách 25 điểm du lịch thú vị nhất năm 2025. Danh sách được lựa chọn có tính tới cả yếu tố văn hóa, sự kết nối và giá trị bền vững.
Nhờ sự phát triển của mạng xã hội, thác Thung dần được biết tới là điểm đến mới, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh nhờ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ. Đây là tín hiệu tích cực mở ra cơ hội phát triển du lịch ở xã vùng cao Quyết Chiến, huyện Tân Lạc.