Hòa Bình có sức hút lạ kỳ đối với du khách không chỉ bởi cảnh quan, khí hậu cùng hệ thống di sản độc đáo, mà còn bởi cuộc sống mộc mạc, giản dị của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều đó lý giải tại sao du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm nơi đây có sức hút lạ kỳ.
Legacy Hill Resort (xã Cư Yên, Lương Sơn) tái hiện Lễ hội chợ Noel phương Tây đầu tiên, thu hút đông đảo du khách.
Nhiều tiềm năng, nhu cầu lớn
Từ Thủ đô Hà Nội, chỉ mất hơn một giờ xe chạy, du khách đã có mặt tại thành phố Hòa Bình. Được ví như bông hoa của núi rừng Tây Bắc, Hòa Bình có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.
Hòa Bình - vùng đất giàu di tích lịch sử, văn hóa cùng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, dòng sông Đà thơ mộng đã đi vào những tác phẩm văn học, thơ ca nổi tiếng. Nơi đây có Đền Bờ linh thiêng, động Tiên Phi, hang Rết... mang vẻ đẹp hoang sơ đầy cuốn hút tựa "viên ngọc quý”, được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Vân Sơn (Tân Lạc) sương phủ trắng bản làng Mường lưng chừng núi, quanh năm mát mẻ. Mùa lúa vàng ở Mai Châu, suối khoáng nóng Kim Bôi... níu chân du khách.
Đặc biệt, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia, có diện tích 52 nghìn ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 8 nghìn ha với hàng chục đảo, bán đảo, tạo nên phong cảnh non nước hữu tình, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí.
Ngoài ra, nền Văn hóa Hòa Bình có từ thời tiền sử, vùng đất nổi tiếng với bốn Mường: Bi, Vang, Thàng, Động. Các dân tộc sống trên vùng đất này có những nét văn hóa riêng biệt tạo nên các sắc thái đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc với những lễ hội dân gian gắn với nông nghiệp nổi tiếng như: Lễ hội Chiêng Mường, Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường người Thái...
Theo đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Hòa Bình là nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 nghìn chiếc chiêng quý, cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng Mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước” của người Mường. Mỗi dân tộc ở Hòa Bình có bản sắc văn hóa riêng thể hiện trong phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống… đặc sắc. Hòa Bình có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Mo Mường, Nghệ thuật Chiêng Mường, Lễ hội Khai hạ, Tri thức dân gian lịch Tre của dân tộc Mường, Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu, đây là những lợi thế để du lịch Hòa Bình phát triển.
Xã hội hiện đại, nhu cầu hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao. Chính vì vậy, thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch. Ngày càng nhiều du khách lựa chọn các địa điểm nghỉ dưỡng biệt lập nhằm du lịch an toàn với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều du khách cũng ưu tiên lựa chọn các chuyến du lịch ngắn ngày.
Bắt kịp xu hướng, hiện Hòa Bình có nhiều khu resort được xây dựng trong những không gian yên bình mà du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên. Những khu nghỉ dưỡng cao cấp này nằm tách biệt với xung quanh, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, không bị cuộc sống xô bồ thường nhật phá đi những giây phút nghỉ ngơi.
Hòa Bình hiện có 563 cơ sở lưu trú với 5.411 phòng. Tuy nhiên nếu không đặt trước, du khách sẽ khó có thể tìm được nơi lưu trú tại các resort của Hòa Bình vào ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ.
Vayang Retreat (Đà Bắc) có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, không gian hòa mình với thiên nhiên,
tạo ấn tượng với du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Tận dụng lợi thế để hút khách
Với tiềm năng sẵn có, Hòa Bình đã chọn cho mình hướng đi là phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm. Với mục tiêu xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, nhiều loại hình khác nhau. Tuy nhiên, điểm nhấn vẫn là loại hình du lịch nghỉ dưỡng với các resort phức hợp cao cấp như Avana Retreat xóm Pạnh, xã Bao La (Mai Châu); Serena Resort Kim Bôi nằm ở xóm Khai Đồi, xã Sào Báy (Kim Bôi); Xoan Retreat, Mơ Village ở Đà Bắc... Đến với các khu nghỉ dưỡng ở Hòa Bình, du khách sẽ được thưởng thức bữa ăn sang trọng ngay trong không gian resort; được chăm sóc sức khỏe và thư giãn với các liệu pháp điều trị cơ thể giúp bạn tan biến sự mệt mỏi và phục hồi năng lượng sau khoảng thời gian làm việc căng thẳng.
Bên cạnh đó, Hòa Bình đã triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố. Các loại hình du lịch được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách đến như: Camping, tắm thác, suối…; trải nghiệm làm các sản phẩm truyền thống giấy dó, dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong... Các hoạt động này đã góp phần thu hút khách du lịch, mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch chung của tỉnh Hòa Bình với phương châm: "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Năm 2024, toàn tỉnh Hoà Bình đón trên 4,3 triệu lượt khách du lịch, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,9%, đạt 103,5% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 510 nghìn lượt; khách nội địa trên 3,8 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 4.738 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,9%, đạt 103% kế hoạch năm.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, năm 2024, tỉnh đã ban hành một số kế hoạch chỉ đạo các ngành thành viên và các địa phương triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 14/KH-UBND, ngày 24/01/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; Kế hoạch số 43/KH-BCĐDL, ngày 21/2/2024 của Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh về việc phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông nhằm đưa Hòa Bình trở thành điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Trường cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch; hình thành nhiều phong trào văn hóa để thu hút quần chúng tham gia; giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Giao Linh
Những ngày gần đây, khách quốc tế nhộn nhịp đến TP Hồ Chí Minh trải nghiệm sản phẩm du lịch nội đô, tour liên tuyến từ Thành phố đi các địa phương khác. Theo nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành, việc đa dạng loại hình sản phẩm tham quan, văn hóa, lịch sử, nhất là sản phẩm tour "Tây ăn Tết ta” nhận được sự phản hồi tích cực của du khách.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thị trường du lịch khá sôi động, trong đó tour ngoại áp đảo tour nội.
Ẩm thực Việt Nam từng được nhiều chuyên trang du lịch và cẩm nang ẩm thực nổi tiếng vinh danh, như kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn ẩm thực Việt Nam là một trong 10 nền ẩm thực tuyệt nhất thế giới; Giải thưởng Ẩm thực Thế giới (thuộc hệ thống World Travel Awards) vinh danh Việt Nam là "Điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2022”... Mới đây, Michelin Guide - cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới - đã xếp Đà Nẵng của Việt Nam vào danh sách 10 điểm đến ẩm thực đáng chú ý nhất năm 2025.
Được tổ chức vào khoảng 30/11 âm lịch ngay sau khi công việc mùa màng kết thúc, Tết cổ truyền dân tộc Mông còn kéo dài cho đến ngày cuối cùng của tháng Chạp. Dịp này, điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) thu hút đông du khách đến trải nghiệm, khám phá phong tục đón Tết độc đáo.
Năm 2024, du lịch tỉnh Hòa Bình phục hồi mạnh mẽ và trên đà phát triển tăng tốc. Hoạt động kinh doanh du lịch thực hiện vượt mục tiêu về thu hút du khách trong nước, quốc tế và tổng thu về du lịch.
Năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch 50.000 tỷ đồng.