(HBĐT) - Khiếu nại, tố cáo (KN-TC) là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phát sinh KN-TC của công dân trên địa bàn tỉnh. Giải quyết công khai, minh bạch, tận gốc các vụ việc KN-TC là việc mà cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả chưa có nhiều chuyển biến.



Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến chuyên đề "Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn - thư, giải quyết vụ việc KN-TC đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh” tổ chức vào tháng 5/2017.

 

KN-TC vẫn ở mức cao và diễn biến phức tạp

Trong những năm qua, tình hình KN-TC trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. ở một số địa phương tiếp tục có các đoàn công dân tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh, lên trung ương Đó là nhận định của đồng chí Bùi Quang Toàn, Trưởng Ban Tiếp công dân (TCD) tỉnh.

Cụ thể, trong 2 năm 2015 - 2016, Ban TCD các cấp đã tiếp thường xuyên 1.677 đoàn công dân với 2.745 người. Tại các sở, ban, ngành đã tiếp thường xuyên 1.484 đoàn với 1.537 lượt công dân. Riêng Ban TCD tỉnh đã tiếp 2.423 đoàn với 4.213 lượt công dân. Trong đó, tiếp thường xuyên tại trụ sở TCD tỉnh 1.875 đoàn với 2.525 lượt công dân; TCD định kỳ vào ngày 15 hàng tháng có 548 đoàn với 1.688 lượt người đến nộp đơn và KN-TC.

Cũng trong 2 năm 2015 - 2016, Ban TCD các huyện, thành phố đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.953 đơn các loại, trong đó có 666 đơn khiếu nại, 173 đơn tố cáo, 1.114 đơn kiến nghị, phản ánh. Các sở, ban, ngành tiếp nhận, phân loại, xử lý 982 đơn các loại, trong đó có 70 đơn khiếu nại, 45 đơn tố cáo; 867 đơn kiến nghị, phản ánh. Ban TCD tỉnh đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 1.994 đơn các loại, trong đó có 493 đơn khiếu nại, 220 đơn tố cáo và 1.281 đơn kiến nghị, phản ánh.

Trên 90% đơn thư KN-TC thuộc lĩnh đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo tổng hợp chung của Ban TCD tỉnh, có trên 90% vụ việc KN-TC của công dân liên quan đến đất đai. Trong số 1.994 đơn, thư gửi đến Ban TCD tỉnh, có 1.228 đơn có nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, tập trung chủ yếu ở một số nội dung như: tranh chấp đất đai, khiếu kiện trong đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) khi thu hồi đất phục vụ cho các công trình, dự án… Trong đó nổi lên một số vụ việc lớn mà Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp bàn để giải quyết như: vụ việc của ông Nguyễn Văn Thức, trú tại tổ 14, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) đề nghị giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình ông khi Nhà nước thu hồi dự án đường Hữu Nghị -TP Hòa Bình; Khiếu nại của 6 hộ dân trú tại phố Bưởi, xã Hạ Bì (Kim Bôi) liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án nâng cấp, cải tạo đường 12B, đoạn qua huyện Kim Bôi. 3 cuộc họp bàn giải quyết khiếu nại của một số hộ dân ở thôn Gò Mu, xã Thanh Lương (Lương Sơn) liên quan đến quy hoạch đất 5% của xã Thanh Lương, đất thu hồi xây dựng Nhà máy gạch Hùng Dũng, Mai Thái, Hạnh Đạt. Khiếu nại của công dân xóm Hồng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy về tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính 2 huyện Yên Thủy và Lạc Thủy. Khiếu nại của công dân xóm Miều, xã Trung Minh – TP Hòa Bình liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, quy hoạch khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình…

Hiện, toàn tỉnh còn gần 20 vụ việc tồn đọng kéo dài cũng chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó, TP Hòa Bình còn 8 vụ; huyện Lạc Thủy và Lương Sơn mỗi huyện 3 vụ; huyện Yên Thủy 4 vụ... Giải quyết KN-TC luôn luôn là việc khó, đặc biệt, giải quyết KN-TC về đất đai lại càng khó khăn, phức tạp.

Nguyên nhân phát sinh khiếu kiện ở lĩnh vực đất đai, theo đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc ôSở Tài nguyên và Môi trường là do công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Nguyên nhân khách quan là hệ thống hồ sơ đất đai không rõ nét. Quy định của Luật Đất đai hiện hành có một số điểm không rõ ràng ; cơ sự chuyển tiếp trong quy định của pháp luật dẫn đến khó thực hiện…

Cần có giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Giải quyết KN-TC phải "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ - Đây là thông điệp được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp chuyên đề bàn về công tác TCD, giải quyết KN-TC trên địa bàn. Những việc cần làm để kéo giảm tình hình KN-TC trong thời gian tới (theo sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh) đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD, giải quyết đơn, thư KN-TC. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TCD, theo dõi chặt chẽ tình hình KN-TC trên địa bàn tỉnh, phát hiện những nơi tiềm ẩn xảy ra khiếu kiện đông người để kiến nghị biện pháp giải quyết kịp thời, không để phát sinh "điểm nóng”. Tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong TCD, giải quyết KN-TC. Các cấp chính quyền cần có kế hoạch rà soát vụ việc khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin với các sở, ngành của tỉnh để bàn bạc, thống nhất biện pháp giải quyết. Chú trọng việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến với người dân. Chấn chỉnh những tồn tại để nâng có hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thu hồi đất, bồi thường GPMB… có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của công dân. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng chính sách, trình tự pháp luật, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư. Tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia giám sát hoạt động quản lý Nhà nước và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân. Tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác TCD, giải quyết đơn thư KN-TC. Cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân địa bàn, lĩnh vực phát sinh KN-TC đông người để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Tại hội nghị bàn về việc nâng cao chất lượng công tác TCD, xử lý đơn thư, giải quyết KN-TC ( trực tuyến toàn tỉnh) được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, đông chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương người đứng đầu UBND huyện Yên Thủy đã đưa ra hình thức triển khai, thực hiện và mốc thời gian để xử lý dứt điểm đơn thư KN-TC tồn đọng, kéo dài trên địa bàn. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải phát huy cho được việc tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sẽ góp phần giảm thiểu đơn thư khiếu kiện giữ gìn ANTT- ATXH trên địa bàn.

 

                                                                      Thúy Hằng

 


 

* Cần phối hợp chặt chẽ trong giải quyết KN-TC

Thực hiện Quyết định số 03, ngày 12/1/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN-TC) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã cùng chung tay, góp sức, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong giải quyết KN-TC.

Theo thông báo mới nhất của Thanh tra Chính phủ, hiện tỉnh Hòa Bình không còn vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp lên trung ương - đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn lại công tác xử lý đơn thư, giải quyết KN-TC còn nhiều điểm đáng bàn. Nguyên do là trình độ, năng lực của một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu (vì chưa được đào tạo công tác tiếp công dân). Có huyện chưa có sự phối hợp giữa Ban tiếp công dân và cơ quan Thanh tra trong giải quyết KN-TC dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ việc thấp. Vẫn còn tình trạng xử lý vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm, gây bức xúc trong dân dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài…

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn gần 20 vụ việc khiếu nại, tố cao tồn đọng, kéo dài. Vì vậy, các huyện, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các ngành để vận dụng hài hòa các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý đơn, thư, giải quyết KN-TC trên địa bàn.

 

                                                                        Lê Trọng Long

                                                               Phó Chánh thanh tra tỉnh


* Giải quyết các vụ việc từ cơ sở sẽ góp phần giảm khiếu kiện

Thời gian qua, công tác tiếp dân và giải quyết KN-TC trên địa bàn huyện Kỳ Sơn luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo xuyên suốt. Qua công tác tiếp công dân đã giải thích, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những đề nghị, thắc mắc và tiếp thu những phản ánh của công dân, góp phần hạn chế đơn, thư phát sinh, kịp thời chỉ đạo giải quyết những nổi cộm, bức xúc trong đời sống xã hội ở địa phương. Một mặt, xử lý kiên quyết đối với các trường hợp lợi dụng quyền KN-TC để kích động, gây rối ANCT- TTATXH. Nhờ đó, nhận thức của công dân về KN-TC đã có chuyển biến.

Do vậy, mặc dù 3 năm trở lại đây, huyện thu hút nhiều chương trình, dự án liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… nhưng tình hình khiếu kiện trên địa bàn huyện không quá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, huyện Kỳ Sơn có 4 lượt công dân đến trụ sở tiếp dân của huyện để kiến nghị, phản ảnh. Tiếp nhận 19 đơn, giảm 50% đơn thư so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, không có vụ việc khiếu kiện đông người, điểm nóng.

Ở cấp xã, trong quý I/2017, các xã, thị trấn tiếp 20 lượt công dân đến trụ sở để KN-TC, chủ yếu về tranh chấp đất đai. UBND xã, thị trấn đã tiến hành hòa giải, giải quyết xong 14 đơn khiếu nại, còn 5 đơn đang xem xét giải quyết, 1 đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Bài học kinh nghiệm trong giải quyết KN-TC được huyện Kỳ Sơn rút ra là: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết KN-TC; giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người.

 

 


                                                   Trần Hải Lâm

                                    Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn

 

* Xử lý khiếu kiện cần cầu thị, trách nhiệm cao

 

Là những công dân bình thường, không am hiểu nhiều về pháp luật, chúng tôi thực sự sợ phải đi kiện. Tuy nhiên, có những việc do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ đã gây hậu quả khá nặng nề, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng, tài sản và thậm chí là danh dự của công dân, khiến họ phải khiếu kiện.

 

Khi lá đơn được gửi đi, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ (theo thẩm quyền). Xác minh thực tế sự việc, đối thoại trực tiếp với công dân để từ đó đề xuất, kiến nghị hoặc ra quyết định xử lý vụ việc một cách thấu đáo. Thực tế, trong thời gian qua, việc làm này chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Có những vụ việc cán bộ được giao nhiệm vụ không trực tiếp đến với người dân mà chỉ dựa trên hồ sơ, tài liệu (văn bản) đã có để đề xuất phương án giải quyết. Vì vậy, kết quả giải quyết không thỏa đáng khiến công dân tiếp tục khiếu kiện, gây ảnh hưởng đến ANTT- ATXH, điều không ai mong muốn.

Xem xét, xử lý khiếu kiện của công dân một cách cầu thị, có trách nhiệm. Đó là mong mỏi của người dân đối với những cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC ở các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

 

                                                                     Hoàng Thị Hằng

                                                           Phường Thái Bình - TP Hòa Bình


 

 

 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục