(HBĐT) - Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy KT-XH phát triển.


Từ chương trình hỗ trợ chính sách dân tộc, huyện Tân Lạc triển khai cấp hỗ trợ muối ăn cho nhân dân xã Tân Lập. ảnh: B.M

 

Nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực

Tuân Lộ là xã còn nhiều khó khăn của huyện Tân Lạc, đồng bào DTTS chiếm hơn 80%. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện nay, xã Tuân Lộ đạt 10/19 tiêu chí. Theo lộ trình, năm 2018, Tuân Lộ tiếp tục thực hiện 3 tiêu chí là giao thông, thu nhập và môi trường, đây được xem là những tiêu chí khó trong bộ tiêu chí NTM. Từ thực tế đó, UBND huyện Tân Lạc đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để thực hiện tiêu chí, trong đó có chính sách dân tộc. Đồng chí Bùi Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Lộ cho biết: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS đã mang lại những hiệu quả thiết thực nhằm giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất, tăng thu nhập. Cụ thể là chương trình hỗ trợ lợn nái bản địa cho hộ nghèo và chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò cho hộ nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào DTTS, UBND huyện Tân Lạc đã lồng ghép các nguồn vốn Chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó, từng bước đưa xã Tuân Lộ hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn.

Tuân Lộ là một trong nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả nguồn hỗ trợ từ chính sách dân tộc để thúc đẩy KT-XH vùng đặc biệt khó khăn. Với các chính sách đa dạng như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng DTTS; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn đã giúp các hộ đồng bào DTTS ở các vùng khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập. Trong năm 2017, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 233 công trình cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư 129.000 triệu đồng. Thực hiện 200 mô hình và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Chính phủ hơn 13.646 triệu đồng…

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh luôn chú trọng công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, để chính sách dân tộc gắn liền và trở thành nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia lớn như xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững.

Cần có sự lồng ghép để phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ

Mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các cấp hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhưng quá trình triển khai thực hiện các chính sách vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Kết quả đạt được tuy đã có nhiều khả quan nhưng đằng sau đó, mỗi một chính sách đều chưa thực sự phát huy hết hiệu quả.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Phó Ban Dân tộc tỉnh thừa nhận: Có nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS mới chỉ mang tính chất hỗ trợ ban đầu, theo thời gian đã bộc lộ những hạn chế như: chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 102 về hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc. Với mức hỗ trợ 80.000 đồng/hộ, chính sách chủ yếu hỗ trợ muối, dầu cho các hộ. Tuy nhiên, hiện nay, bà con không có nhu cầu về muối. Ngành Dân tộc đã có ý kiến đề nghị Chính phủ tới đây có điều chỉnh về chính sách này.


 

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, Phòng Dân tộc huyện Tân Lạc hỗ trợ hộ dân xóm Bặm, xã Tuân Lộ giống cây dổi để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng triển khai vốn thực hiện các chương trình chậm từ Trung ương. Năm 2017, do nguồn phân bổ chậm nên chương trình hỗ trợ con giống cho bà con phải đến đầu năm 2018 mới có thể triển khai đến người dân. Theo đánh giá của Ban Dân tộc, năm 2017, toàn tỉnh được duyệt 129.000 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng đến hết năm, giá trí giải ngân mới đạt 72.646 triệu đồng, bằng 64%. Tương tự, nguồn vốn nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở đến cuối năm 2017 mới giải ngân được hơn 60%. Nghiêm trọng nhất là nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo thuộc vùng dân tộc, nguồn vốn năm 2017 nhưng đến quý I/2018 mới triển khai, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất của bà con. Đặc biệt là đối với các đối tượng được hỗ trợ cây, con giống và phân bón.

Bên cạnh đó, một số ít chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới dừng lại ở việc trợ giá, trợ cước vận chuyển… Các chính sách này rất quan trọng đối với vùng DTTS, vì tại đây, giao thông khó khăn, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các chính sách này chưa thực sự giải quyết vấn đề kết nối sản phẩm một cách cơ bản. Chưa giải quyết được những khó khăn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản. Đây là những "lỗ hổng” đáng lo ngại, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo của đồng bào DTTS.

Phát triển KT-XH miền núi là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển nền kinh tế quốc dân. Vì thế, việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc không những là động lực chủ yếu để phát triển KT-XH và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng mà còn là cơ sở để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn. Từ thực tế đó, Ban Dân tộc tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nắm địa bàn phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến đồng bào DTTS; huy động mọi nguồn lực, tăng cường công tác phối hợp lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, phát huy hiệu quả đầu tư đồng bộ từ các nguồn vốn; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, dự án trên dịa bàn; thực hiện tốt công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, đặc biệt là chú trọng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tận dụng và khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương.

Đinh Hòa

Nhóm ý kiến:

Vẫn còn tâm lý ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Là cán bộ trực tiếp đi cơ sở, tôi thấy Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn từ hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp và trợ cước, trợ giá, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân. Còn nghèo là còn được hỗ trợ, chính suy nghĩ này đã làm cho nhiều hộ dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách đặc thù không cần phải lao động mà hàng tháng vẫn có tiền trợ cấp. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống, trong khi cuộc sống của bà con cũng chẳng có nhu cầu gì lớn nên hình thành tâm lý an phận, ỷ lại, trông chờ vào chính sách.

Vì vậy, cần xây dựng chính sách hỗ trợ để làm sao bà con muốn thoát nghèo, nhưng vẫn khao khát vươn lên làm giầu bền vững. Đó là mục tiêu phát triển lâu dài nhằm ổn định kinh tế - chính trị - xã hội cho những vùng còn nhiều khó khăn.
Hoàng Văn Huấn
Phó Phòng Dân tộc huyện Lương Sơn

Chính sách dân tộc cần đầu tư trọng tâm hơn

Vầy Nưa là xã còn nhiều khó khăn của huyện Đà Bắc. ở đây hầu hết là đồng bào Mường và Dao sinh sống. Trong những năm qua, các chính sách về dân tộc đã đóng góp tích cực chuyển biến KT-XH trên địa bàn xã. Các chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định số 2085 của Thủ trướng Chính phủ đã giúp nhiều hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện an cư, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo tôi thấy, chính sách Dân tộc còn đầu tư dàn trải, rộng khắp nhưng manh mún, không ra tấm ra món nên chỉ có thể giúp người dân phần nào vơi bớt khó khăn chứ chưa thể tạo bước đột phá để phát triển kinh tế và làm giàu. Ví dụ như chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm nay chủ yếu đầu tư muối hoặc phân bón cho hộ dân. Có năm, ngành Dân tộc huyện đã chuyển sang đầu tư con giống nhưng mức hỗ trợ thấp, chỉ 100.000 đồng/khẩu/hộ, trong tình trạng giá vật tư, con giống cao như hiện nay thì mức hỗ trợ không đáng là bao.

Vì vậy, tôi mong Nhà nước có thể điều chỉnh cách thức hỗ trợ sao cho phù hợp hoặc có thể phối hợp với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ người dân một cách phù hợp. Tránh tình trạng đầu tư dàn trải mà không hiệu quả.

Bàn Thị Quý
Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc


Cần có chính sách phù hợp với thanh niên dân tộc thiểu số 

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, tôi thấy thanh niên dân tộc thiểu số phải đối mặt với nhiều vấn đề từ việc làm, thu nhập. Hầu như hộ gia đình thanh niên nào mới tách ra cũng thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn. Muốn phát triển kinh tế nhưng diện tích đất ít, nguồn vốn khó tiếp cận, chúng tôi hoặc là ra thành phố làm thuê hoặc loanh quanh với nghề nông, rất khó phát triển.

Chính vì vậy, chúng tôi mong Đảng, Nhà nước có những chính sách phù hợp với điều kiện vùng, miền dành riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số. Trong đó, bằng các kênh của chính sách dân tộc có thể quan tâm tới việc tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên dân tộc thiểu số. Hướng dẫn nghiệp vụ vay vốn, xây dựng các mô hình thanh niên phát triển kinh tế, thành lập hợp tác xã thanh niên…

Bùi Văn Lừng
Xã Yên Thượng, huyện Cao Phong

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục