(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.


Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các Hội đồng tư vấn, lãnh đạo huyện Lạc Thủy, một số Ủy ban MTTQ các huyện trao đổi giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Chọn vấn đề thiết thực, Nhân dân quan tâm để giám sát

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm, trên cơ sở hiệp thương với các tổ chức CT-XH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng, thống nhất kế hoạch, nội dung giám sát chuyên đề trình Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến. Trong đó, nội dung bám sát những vấn đề trọng tâm, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm, liên quan mật thiết đến Nhân dân. 

Năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì giám sát 6 nội dung, từ giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, đến các vấn đề "nóng” như: Giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài ở địa phương, cơ sở; công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời, giám sát các vấn đề thiết thực: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; việc sử dụng nguồn vận động và sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, thành lập 1 đoàn kiểm tra, xác minh theo đơn thư về thu, chi các loại quỹ ủng hộ tại huyện Lương Sơn. Các tổ chức CT-XH chủ trì giám sát 8 nội dung, tập trung vào các vấn đề đoàn viên, hội viên quan tâm.

Năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh trình Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó là 3 nội dung về: Việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; việc thực hiện các nội dung tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. 

6 tổ chức CT-XH đề xuất giám sát các nội dung: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh, người lao động tại doanh nghiệp, đối tượng bảo trợ xã hội; việc quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản; quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm tổng phụ trách đội trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Xa Đức Thọ cho biết: Trong các nội dung giám sát, chỉ rõ đối tượng, hình thức, phương pháp tiến hành. Phương pháp chủ yếu là giám sát trực tiếp, đi thực tế và giám sát gián tiếp qua báo cáo. Tùy tính chất, nội dung từng cuộc giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh quyết định thành lập đoàn với các thành viên như lãnh đạo các tổ chức CT-XH, hội đồng tư vấn, các ngành chuyên môn liên quan để nắm bắt sâu về lĩnh vực. Để tránh trùng lặp, chồng chéo, đơn vị phối hợp, trao đổi với các cơ quan có chức năng giám sát để thống nhất. 

Bên cạnh giám sát chuyên đề, MTTQ và các đoàn thể CT-XH tham gia giám sát với Thường trực HĐND, các ban của HĐND và các ngành liên quan; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Về phản biện, năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phản biện bằng văn bản đối với 2 dự thảo luật; góp ý vào 53 văn bản trước khi ban hành. Năm 2023, hoạt động phản biện rõ nét nhất là góp ý và tổ chức vận động Nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bằng nhiều hình thức: Hội thảo, phiếu xin ý kiến, hội nghị, qua văn bản, trên trang thông tin điện tử và fanpage với 20.144 lượt ý kiến. 

 Giám sát mang tính xã hội, tính Nhân dân

Theo  Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, hoạt động GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH có đặc thù riêng, mang tính xã hội, tính Nhân dân rất cao và dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, khi thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, mang tính xây dựng, không gây khó khăn đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, hướng đến sứ mệnh cao cả là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Song cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân thông qua MTTQ, các tổ chức CT-XH và giám sát trực tiếp. Có chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động GS,PBXH hoặc lợi dụng quyền này để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. 



Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 Quán triệt tinh thần đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức các cuộc giám sát đúng theo kế hoạch, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Kết thúc mỗi đợt giám sát, các đoàn báo cáo kết quả, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt hơn các vấn đề được giám sát. 

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bùi Tiến Lực đánh giá: Qua giám sát đã kịp thời nắm bắt, phát hiện những khó khăn, hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp, kiến nghị sửa đổi những quy định không phù hợp, nội dung chưa sát với thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng và củng cố niềm tin của Nhân dân. 

Đơn cử, qua giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại huyện Yên Thủy đã nắm bắt 2 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai tại thị trấn Hàng Trạm và xã Lạc Thịnh. Đoàn giám sát đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết dứt điểm như: UBND huyện quan tâm giải quyết từng nhóm nhu cầu các hộ; tỉnh có văn bản hướng dẫn quy trình, hình thức hoàn trả tiền sử dụng đất, vừa đảm bảo lợi ích của dân, vừa đúng quy định của pháp luật.

Hay khi giám sát cán bộ, đảng viên tại Sở Y tế đã nắm bắt một số cấp ủy, đơn vị còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; ngành gặp khó khăn trong thực hiện tự chủ bệnh viện; một số nhân viên y tế, có cả cán bộ xin thôi việc lại là những người làm được việc. Từ đó, đoàn đề xuất, kiến nghị các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương; xây dựng các quy định, quy chế làm việc rõ ràng, cụ thể…
  
Cùng với chủ trì các cuộc giám sát, Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ cấp huyện, xã phát huy vai trò giám sát, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực phù hợp với địa phương. Với phương châm hướng về cơ sở, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng (TTND,GSĐTCĐ) cấp xã. Đây là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp tại cơ sở như "tai, mắt” của dân. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thu Phong (Cao Phong) Phạm Thị Thủy chia sẻ: Ban TTND,GSĐTCĐ xã có 11 thành viên, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, gần dân. Ban đã tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, người dân quan tâm, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Qua hoạt động, Ban từng phát hiện vi phạm quy cách khi trộn bê tông, đầm nền mố cầu chưa đúng quy định, lấn chiếm hành lang giao thông so với thỏa thuận giải phóng mặt bằng khi giám sát công trình đường giao thông liên xóm Nam Sơn 2 đi xóm Mới. Ban đã báo cáo với Ủy ban MTTQ, UBND xã và cơ quan liên quan để giải quyết. Nhà thầu sau đó đã khắc phục và thi công theo đúng quy định. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát 

Mặc dù công tác GS,PBXH cho thấy những hiệu quả tích cực, nhưng thực tế còn khó khăn, hạn chế, chưa thực sự đạt được như mong muốn. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bùi Tiến Lực cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận trình độ, năng lực của một số cán bộ khi giám sát còn hạn chế, nhất là am hiểu sâu về lĩnh vực giám sát liên quan. 

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát chủ yếu dựa vào báo cáo của chủ thể được giám sát. Trong khi đó, báo cáo có nơi chuẩn bị sơ sài, chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu. Thành phần mời tham gia làm việc với đoàn giám sát một số đơn vị chưa đảm bảo, thiếu các thành viên liên quan đến nội dung giám sát, khó khăn trong  giải trình các ý kiến. Một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát, thậm chí không phản hồi lại mà chưa có chế tài xử lý. Hậu kiểm sau giám sát chưa được thực hiện và còn nể nang. 

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS,PBXH trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Để làm được điều đó, cần nắm chắc tình hình Nhân dân và các vấn đề lớn, trọng tâm của tỉnh để đề xuất nội dung giám sát. Phương châm chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng giám sát theo chuyên đề, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, liên quan trực tiếp đến Nhân dân. Trước khi giám sát, thu nhập, nắm chắc vấn đề, chủ thể được giám sát. Trong giám sát tiến hành sâu sát, kỹ lưỡng, kết hợp đi cơ sở, gần dân, sát thực tiễn. Đặc biệt là bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp giám sát cho đội ngũ cán bộ thực hiện. Huy động sự tham gia của các chuyên gia, hội đồng tư vấn, người có kinh nghiệm và phát huy vai trò của Nhân dân. Sau giám sát thể hiện rõ kết luận, đề xuất, kiến nghị và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Đối với những chủ thể được giám sát không xem xét, giải quyết và trả lời các kiến nghị, cần báo cáo, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định. 

Cẩm Lệ

Thống nhất nhận thức về giám sát, phản biện xã hội

Quyền GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH được cụ thể hóa bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Nổi bật là các Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư; gần đây là Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS,PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH. Đây là cơ sở chính trị vững chắc để MTTQ và các tổ chức CT-XH thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các văn bản để thực hiện các quyết định, chỉ thị, quy định của Trung ương về công tác này: Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 4/9/2018 về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 9/10/2020 về giám sát đối với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên… Cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, quán triệt các văn bản của Đảng để thống nhất nhận thức trong các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, hoạt động GS,PBXH mới đạt hiệu quả cao. 

Hoàng Thị Duyên
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Phát huy hơn nữa vai trò của Nhân dân

Qua tìm hiểu được biết, hoạt động GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH chủ yếu dựa trên 3 hình thức: Chủ trì giám sát, tham gia giám sát với cơ quan quyền lực Nhà nước, vận động Nhân dân giám sát. Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, góp ý của Nhân dân, lắng nghe dân. Có hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh, góp ý của người dân phù hợp; cơ chế để khuyến khích, bảo vệ người phản ánh. Thực hiện tốt việc này cũng là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong kiểm soát, giám sát quyền lực Nhà nước, cán bộ, đảng viên, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố niềm tin của Nhân dân với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mong MTTQ  và các tổ chức CT-XH làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Nguyễn Văn Liên
Tổ 9, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” - điểm tựa của trẻ mồ côi

(HBĐT) - Chương trình "Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện được phát triển toàn diện. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người"Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục