Ban Chấp hành Công đoàn Công ty CP CoAsia CM VINA (Khu công nghiệp Lương Sơn) nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động tại khu trọ thôn Năm Lu, xã Hòa Sơn (Lương Sơn).
Những trăn trở của nữ công nhân lao động
Trong con hẻm tại khu Năm Lu, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) là những dãy nhà trọ ẩm thấp, tối tăm…, đó là nơi ở của các CNLĐ làm việc tại khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn. Trong năm 2024, tại xóm trọ này NLĐ phải di chuyển đồ đạc 2 lần tránh ngập úng. Căn phòng trọ khép kín chừng khoảng 10m2 của chị Bùi Thị Oanh, công nhân Công ty CP CoAsia CM VINA chỉ có những vật dụng sinh hoạt cơ bản như bếp ga, nồi cơm điện, bình nóng lạnh… Qua tìm hiểu, giá phòng trọ tại khu vực Năm Lu dao động từ 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/tháng. Mặc dù nhiều dãy nhà trọ đã xuống cấp nhưng vẫn có đông CNLĐ thuê trọ, bởi vị trí thuận tiện gần chợ và nơi làm việc.
Chị Oanh cho biết: "Quê ở xã Bình Sơn (Kim Bôi), mỗi tuần tôi về thăm gia đình 1 lần. Hiện mức thu nhập của tôi từ 7 - 8 triệu đồng/tháng kể cả tăng ca. Sau khi trừ chi phí thuê nhà, sinh hoạt cá nhân có thể gửi về khoảng 4 triệu đồng cho gia đình. Tuy nhiên, nếu tháng nào phát sinh các khoản chi phí khác thì rất "bí” tiền. Với mức lương hiện tại chúng tôi phải chi tiêu tằn tiện mới đủ để trang trải cuộc sống”.
KCN Lương Sơn hiện thu hút trên 17.000 CNLĐ, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 70%. Hiện nay KCN chưa đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn như: nhà ở cho công nhân, sân chơi thể thao, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế… nên thực tế nữ CNLĐ chưa được thụ hưởng các chế độ tốt nhất trong quá trình làm việc tại KCN.
Một trong những vấn đề trăn trở nhất của nữ CNLĐ hiện nay là về môi trường làm việc tại DN. Phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh thu hút đông nữ CNLĐ là các DN FDI, hoạt động ở các lĩnh vực may mặc, lắp ráp điện tử… Trong quá trình làm việc, NLĐ phải tiếp xúc với hóa chất, sóng điện từ… tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cùng với đó, một bộ phận nữ CNLĐ làm việc tại các DN sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Tìm hiểu thực tế cho thấy, nữ CNLĐ làm việc tại các DN cũng chịu tác động nặng nề của suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nữ CNLĐ mất việc do đơn hàng bị cắt giảm. Một số nữ CNLĐ sau khi nghỉ chế độ thai sản cũng không trở lại DN làm việc do thời gian bó buộc, không có người chăm sóc con nhỏ. Còn có DN chậm thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chế độ, chính sách đối với NLĐ nói chung, nữ CNLĐ nói riêng. Hàng năm, nữ CNLĐ được DN hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, đa phần là các chương trình tư vấn sức khỏe, khám sàng lọc nên hiệu quả đem lại chưa cao.
Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp
Sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, tình hình sản xuất tại các DN trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Lực lượng CNLĐ quay trở lại với công việc, trong đó, nhiều nữ lao động buộc phải nghỉ việc vì đơn hàng cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại các DN, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ được bảo đảm. Mối quan hệ lao động được duy trì hài hòa, ổn định khi các DN thực hiện đúng quy định trong chi trả tiền lương, tiền thưởng cho NLĐ.
Theo rà soát, toàn tỉnh hiện có trên 4.000 DN với khoảng 34.000 CNLĐ, tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 60%. Phần lớn lao động nữ làm việc tại các DN lĩnh vực may mặc, lắp ráp điện tử… Với vai trò, trách nhiệm của mình, các cấp Công đoàn (CCCĐ) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhằm bảo đảm tốt nhất việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ CNLĐ. CCCĐ có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Chú trọng triển khai, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, NLĐ. Tăng cường công tác đối thoại, thương lượng bảo đảm tiền lương, phúc lợi, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn, các chương trình, hoạt động góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chăm lo tốt hơn đời sống đoàn viên, NLĐ.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn Công đoàn cơ sở phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật. Kết quả, năm 2024 có 175/241 DN tổ chức đối thoại định kỳ (đạt 72,6%); 190 DN tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và ban hành thỏa ước lao động tập thể (đạt 79,5% số DN có tổ chức Công đoàn), trong đó có 13 DN ký mới thỏa ước lao động tập thể (vượt chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao); có 12 DN tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca.
Thực hiện nhiệm vụ thành lập Ban Nữ công quần chúng trong các DN khu vực ngoài nhà nước theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, trong năm 2024, các CĐCS đã thành lập mới 7 Ban Nữ công quần chúng tại LĐLĐ các huyện, thành phố và công đoàn ngành. Theo đó, Ban Nữ công Công đoàn các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, việc chi trả tiền lương, tiền thưởng, các chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Tập huấn, bồi dưỡng cho 10.000 lượt nữ đoàn viên, NLĐ nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức 12 lớp nghiệp vụ công tác nữ công cho 1.762 cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công; cung cấp 785 cuốn sổ tay công tác nữ công làm tài liệu sinh hoạt cho các CĐCS. Cùng với đó, CCCĐ tổ chức trên 500 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ.
Ngoài ra, CCCĐ đã phối hợp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 20.000 lượt nữ CNLĐ. Tuyên truyền trên 400 cuộc về giới, bình đẳng giới, gia đình, dân số, sức khỏe sinh sản cho lao động nữ...
Không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, bảo đảm các chế độ, chính sách, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho lao động nữ được đặc biệt chú trọng. Năm 2024, CCCĐ đã tổ chức tặng quà cho gần 11.800 lượt CNLĐ với tổng số tiền 5,2 tỷ đồng. Huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm thu hút sự tham gia của nữ đoàn viên, NLĐ. Từ đó tạo nhiều sân chơi bổ ích để lao động nữ được giao lưu, gặp gỡ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Những hoạt động thường niên được CCCĐ duy trì tổ chức hàng năm như: nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thi, tham quan dã ngoại, thi nấu ăn, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao…
Ngay từ đầu năm, CCCĐ phát động phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nữ công nhân, viên chức, lao động. Vận động nữ đoàn viên, NLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua do CCCĐ và địa phương phát động. Hướng dẫn CCCĐ trong tỉnh tổ chức đa dạng hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3...
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: "Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo cho nữ đoàn viên, NLĐ, thời gian tới, CCCĐ trong tỉnh tiếp tục phối hợp các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự đoàn kết, gắn bó, không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong nữ CNLĐ tại các DN. Đổi mới hoạt động chăm lo cho nữ đoàn viên, NLĐ theo hướng mở rộng hình thức, mở rộng đối tượng, chăm lo thường xuyên, kịp thời. Đồng thời, tiếp tục thể hiện vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nữ đoàn viên, NLĐ thông qua việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đoàn viên, NLĐ. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội đối với nữ CNLĐ. Qua đó đồng hành, cải thiện môi trường làm việc, tạo điều kiện cho nữ CNLĐ không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó giúp nữ đoàn viên, NLĐ thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn, nỗ lực thi đua lao động sản xuất hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu của DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Đức Anh
Nhóm ý kiến:
Cần đẩy nhanh xây dựng các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp
Theo rà soát, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh việc đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn cho công nhân lao động còn thiếu và yếu. Nhà ở công nhân, sân chơi, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế… chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, từ đó dẫn đến việc người lao động chưa được thụ hưởng văn hóa lành mạnh sau những giờ làm việc căng thẳng.
Thực tế đó cho thấy, các ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, quy hoạch bổ sung để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết chế công đoàn đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động. Đối với các khu công nghiệp đang trong quá trình lập dự án cần quy hoạch các khu thiết chế công đoàn, đáp ứng mong mỏi của công nhân lao động.
Lê Diệu Hoàn
Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh
Đề cao vai trò, vị thế của lao động nữ tại doanh nghiệp
Hoạt động trên lĩnh vực may mặc, Công ty TNHH GGS Việt Nam, Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) có gần 800 nhân viên, công nhân lao động, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 80%. Đây là lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời gian qua.
Nhằm phát huy vai trò của lao động nữ trong thi đua lao động sản xuất, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp Ban lãnh đạo doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy năng lực, sở trường của nữ công nhân lao động. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nữ. Khuyến khích đội ngũ nữ công nhân lao động tích cực tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng nhiều sáng kiến trong quá trình sản xuất. Từ đó khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nữ công nhân lao động trong việc hoàn thành xuất sắc các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
Bùi Văn Lê
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GGS Việt Nam
Trang bị kiến thức pháp luật đối với nữ công nhân lao động
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Chú trọng tuyên truyền các văn bản luật liên quan trực tiếp đến người lao động như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn…, nhất là những luật có nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với lao động nữ, lao động nữ mang thai và sinh con, thời gian làm việc, nghỉ ngơi sau khi sinh, điều kiện khi lao động nữ làm việc trong môi trường độc hại…
Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động là việc làm quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp. Tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng, công bằng cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
Bùi Thị Lan
Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Dệt Kim Supertex - Tân Lạc