Cán bộ Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh thực hiện ghép gen cây dổi trên cơ sở các cây trội đã được công nhận để trồng thâm canh.
Hiện nay hạt dổi tươi có giá từ 650.000-700.000 đồng/kg, hạt khô dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/kg. Ngoài ra gỗ dổi còn được dùng đóng đồ mộc, đồ mỹ nghệ cao cấp, dao động từ 25 – 30 triệu đồng/m3. Như vậy, giổi ăn hạt là loài cây có giá trị kinh tế và bảo tồn cao. Ngoài ra, về mặt môi trường giổi ăn hạt còn phát huy tốt khả năng phòng hộ chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất.
Đề tài "Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dổi ăn hạt” được thực hiện tại 5 tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ, Lào Cai, Lai Châu. Thời gian thực hiện từ năm 2017-2021 với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng. Nhiệm vụ của đề tài là xác định các cây trội và giá trị nguồn gen dổi ăn hạt, đây là cơ sở để bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen dổi ăn hạt. Đồng thời, xây dựng được vườn giống vô tính và mô hình thâm canh cây ghép dổi ăn hạt. Đề tài có quy mô 9 ha mô hình trồng thâm canh dổi ăn hạt bằng cây ghép và xây dựng 3 ha vườn tập hợp giống kết hợp khảo nghiệm xuất xứ bằng cây ghép từ các cây trội đã được công nhận tại 3 tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ. Đối với 2 tỉnh Lào Cai, Lai Châu không xây dựng mô hình mà chỉ xác định lựa chọn cây trội. Theo đó sẽ thực hiện tập huấn kỹ thuật tuyển chọn cây trội và nhân giống dổi ăn hạt, kỹ thuật trồng rừng thâm canh dổi ăn hạt, kỹ thuật thu hái, sơ chế và bảo quản hạt dổi cho khoảng 20 lượt người/lớp/tỉnh. Đối tượng được tập huấn chủ yếu là nông dân, đây là đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình: chọn cây trội, nhân giống; trồng rừng, chăm sóc rừng; thu hái, sơ chế và bảo quản hạt của các hộ gia đình. Ngoài ra, còn có cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật làm công tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Đề tài tiếp cận nhân giống cây dổi ăn hạt bằng phương pháp ghép từ 50 cây trội, sinh trưởng tốt, không sâu bệnh; thử nghiệm các phương pháp ghép khác nhau (ghép nêm, ghép áp) và lựa chọn phương pháp ghép thích hợp nhất, sau đó xây dựng vườn tập hợp giống kết hợp khảo nghiệm xuất xứ từ các cây ghép. Đây là nguồn vật liệu giống tốt để nhân giống phát triển vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người trồng rừng, giúp cải thiện đời sống người dân.
Tại tỉnh Hòa Bình, các cây trội được công nhận và 1 ha vườn tập hợp giống sẽ được bàn giao cho Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản quản lý, khai thác. Đây là nguồn cung cấp vật liệu nhân giống có chất lượng cung cấp cho tỉnh cũng như các tỉnh lân cận; 3 ha mô hình trồng thâm canh dổi ăn hạt bằng cây ghép sẽ được bàn giao cho tổ chức, cá nhân tham gia nhằm trình diễn, tuyên truyền, mở rộng sản xuất góp phần phát triển loài cây bản địa đa tác dụng đáp ứng được hiệu quả trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Tại các tỉnh khác, các cây trội và vườn tập hợp giống, mô hình trồng thâm canh cây dổi ăn hạt sẽ được bàn giao cho các đơn vị trong tỉnh quản lý khai thác để nhân giống, trình diễn nhằm cung cấp giống cho sản xuất cũng như tuyên truyền, mở rộng diện tích thâm canh trong phạm vi tỉnh và khu vực.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi & thủy sản cho biết: Đơn vị và Trạm thực nghiệm Tân Lạc – Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Lâm sinh là các đơn vị trực tiếp tiếp nhận và chuyển giao các kết quả của đề tài vào thực tiễn sản xuất tại các địa phương trong tỉnh. Các cán bộ tham gia thực hiện đề tài được trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm trong khai thác và phát triển nguồn gen. Tiếp cận một số doanh nghiệp liên quan đến gây trồng và chế biến hạt dổi ăn hạt để định hướng phát triển trên diện rộng khi mô hình có hiệu quả. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu định hướng giúp địa phương, doanh nghiệp đăng ký được chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm dổi ăn hạt. Kết quả nghiên cứu của đề tài đưa ra luận cứ khoa học là cơ sở định hướng để phát triển tiềm năng loài cây bản địa đa tác dụng có giá trị ở Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Đinh Thắng