(HBĐT) - Theo thông báo của Cục Thú y, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đến nay đã xuất hiện tại 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và có khả năng lây lan rộng. Qua trao đổi với đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh động vật không lây sang người nhưng là bệnh mới, hiện không có thuốc chữa nếu gia súc mắc bệnh, tỷ lệ chết là 100% ở tất cả các loại lợn.


 

Cơ quan chuyên môn chăn nuôi và thú y tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi xã Cư Yên (Lương Sơn) thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

 

Người chăn nuôi lợn tỉnh ta vừa trải qua giai đoạn khó khăn khi gặp phải diễn biến phức tạp của dịch bệnh lở mồm long móng dịp trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Ở hầu hết các huyện, thành phố đã xuất hiện dịch với số con mắc gần 3.000 con, trong đó bao gồm trên 2.300 con ốm và hơn 600 con thiệt hại. Tình hình dịch LMLM và các dịch bệnh khác trên đàn lợn thời điểm trong và sau Tết đã đi vào ổn định. Theo thống kê tổng đàn lợn của tỉnh hiện có trên 414.000 con. Các địa phương đang tích cực tái đàn nhằm tiếp tục duy trì sản xuất chăn nuôi lợn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ưu tiên cho công tác tiêm phòng các loại vắc xin tả, tai xanh, phó thương hàn, tụ huyết trùng, LMLM trên đàn lợn nuôi.

Cũng theo đồng chí Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, người chăn nuôi cần quan tâm đến những thông tin và tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi: bệnh xảy ra quanh năm, thời gian ủ bệnh 5 - 10 ngày, có biểu hiện đặc trưng như thâm tím da phần lớn cơ thể, viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba và thận. Khi bệnh xảy ra sẽ trở thành dịch và lưu cữu nhiều năm. Vi rút có sức sống rất tốt trong máu 6 năm (bảo quản lạnh), lách 2 - 2,5 năm, phân ẩm 122 ngày, nước tiểu 45 ngày. Bệnh nhạy cảm với các chất sát trùng, biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhất là: lợn sốt cao 410C - 420C liên tục 4 ngày với thể trạng bình thường, sau đó ủ rũ, lờ đờ, suy nhược, ho, thở khó, run, đi dáng loạng choạng, nằm chồng lên nhau, nái sảy thai, xuất huyết thâm tím ở tai, bẹn, bụng và mặt đùi sau, chân rồi hoại tử, máu chảy ra từ mũi, miệng, hậu môn, lách...

Để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan nhằm hạn chế thấp nhất sự gây hại, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, các địa phương trong tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng, chống cụ thể: Thông tin, tuyên truyền liên tục đến người chăn nuôi biết, chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh. Phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch, nêu rõ quyền lợi và cá nhân có liên quan trong việc phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan; Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; Phê duyệt kế hoạch phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt là các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp, các khu vực mua gom, chợ đầu mối, cửa hàng buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn; Tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời của tỉnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Luật Thú y; Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh; chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh, tuân thủ việc lấy mẫu để xác định chính xác định bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để tổ chức chống dịch có hiệu quả; Bố trí kinh phí kịp thời để triển khai ngay các biện pháp bao vây, khoanh vùng, dập dịch cho đàn gia súc và động vật cảm nhiễm với mầm bệnh theo đề xuất của cơ quan chuyên môn; Riêng cơ quan chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các phòng ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh, hướng dẫn, cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhân lực để thực hiện chống dịch đảm bảo hiệu quả, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất, chăn nuôi của địa phương.

Khuyến cáo người chăn nuôi của tỉnh để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cần chú ý khâu sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài, lối đi vào trại, hạn chế tối đa người vào khu vực chăn nuôi, nhất là tại các trại nuôi. Tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vắc xin đối với các bệnh do vi rút như dịch tả, tai xanh, LMLM, Circovirus... Tăng cường sức đề kháng cho lợn bằng bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan... Nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng, có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập đàn. Giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này.

 

Bùi Minh

 

 

Các tin khác


Tiêm phòng – “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi. Khi được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin giúp vật nuôi tạo miễn dịch, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Thời tiết ngày 15/3: Bắc Bộ có mưa phùn, trời nồm ẩm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/3, Bắc Bộ tiếp diễn mưa phùn nồm ẩm, Tây Bắc Bộ trưa chiều giảm mây trời nắng. Miền Đông Nam Bộ nắng nóng.

Thời tiết ngày 14/3: Bắc Bộ có mưa rải rác, trời lạnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/3, Bắc Bộ có mưa vài nơi, vùng núi xuất hiện mưa rào, trời lạnh về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19 - 22 độ C.

Thời tiết ngày 13/3: Bắc Bộ nhiệt độ tăng, Nam Bộ có nơi nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 13/3, khu vực Bắc Bộ có mưa vài nơi, trong đó tại thủ đô Hà Nội xuất hiện sương mù và sương mù nhẹ rải rác vào sáng sớm, đêm và sáng trời rét.

Cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 7/3/2024 về cấp nước an toàn (CNAT) và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2024-2025 tỉnh Hòa Bình.

Hơn 5,1 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do thiên tai

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, toàn tỉnh đã thu được hơn 3,8 tỷ đồng xây dựng quỹ phòng chống thiên tai theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP, ngày 1/8/2021 của Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục