Xác cá nhà táng trôi dạt vào bãi biển thuộc điểm đến du lịch Porto Cervo nổi tiếng của Italy. (Ảnh: CNN)
Ông Luca Bittau, Chủ tịch Tổ chức SeaMe, cho biết với kênh CNN, xác của loài động vật có vú này chứa "nhiều túi rác… lưới đánh cá, dây, ống, túi đựng nước giặt còn nguyên nhãn mác và mã vạch… và nhiều đồ vật khác không thể nhận dạng”.
Theo ông Bittau, con cá nhà táng dài tám mét này "gần như chắc chắn” đã sảy thai trước khi trôi dạt vào bờ biển và bào thai đã trong tình trạng phân hủy.
Ông Bittau thông báo, nguyên nhân cá nhà táng chết sẽ được biết sau khi các bác sĩ thú y tại TP Padua, miền bắc Italy, tiến hành các cuộc giám định về mô học và chất độc hại.
Liên quan đến thông tin nêu trên, Bộ trưởng Môi trường Italy Sergio Costa chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng: "Vẫn còn nhiều người nói rằng những việc này không phải vấn đề quan trọng sao? Đối với tôi thì đây là vấn đề quan trọng và sẽ là điều được xem xét trước tiên”.
"Chúng ta đã "thoải mái” sử dụng các đồ dùng một lần một cách vui vẻ trong những năm qua và bây giờ chúng ta phải trả giá. Trước hết, chính các loài động vật đang phải trả giá cho hậu quả chúng ta gây ra”, ông Costa nhấn mạnh.
Bộ trưởng Sergio Costa cũng đã đề cập đến việc gần đây Nghị viện châu Âu đã thông qua luật cấm một loạt các vật dụng làm từ nhựa dùng một lần như ống hút, tăm bông và dao kéo, từ nay đến năm 2021.
"Italy sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên thực thi luật này” và "Cuộc chiến với đồ nhựa một lần dùng đã bắt đầu. Và chúng ta sẽ không dừng lại ở đây”, Bộ trưởng tuyên bố.
Tháng trước, một con cá voi cũng trôi dạt vào bờ biển Philippines với 40 kg túi nhựa trong dạ dày. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, các đại dương trên hành tinh của chúng ta đang chứa tới 150 triệu tấn rác thải nhựa. Một nghiên cứu được công bố năm 2015 trên Tạp chí Khoa học của Mỹ ước tính, có khoảng 5-13 triệu tấn rác thải nhựa trôi vào các đại dương mỗi năm. Theo dự báo của các nhà khoa học, đến năm 2050, trong lòng các đại dương, khối lượng rác nhựa sẽ nhiều hơn khối lượng cá.
Dự báo này khiến các nhà hoạch định chính sách, các cá nhân và tổ chức phải khẩn cấp hành động để "giải cứu” đại dương. Nhiều quốc gia châu Âu đã từng bước ngừng sử dụng túi nhựa từ hơn 15 năm trước. Hàng chục thành phố và quốc gia khác trên thế giới cũng đã ra lệnh cấm hoặc hạn chế những mặt hàng làm từ nhựa, trong đó có hạt vi nhựa và ống hút nhựa...
TheoNhanDan