(HBĐT) -Từ đầu tháng 4 đến nay, ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra nắng nóng diện rộng, có những ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37-39oC, có nơi lên tới trên 410C. Do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn và nguy cơ cháy rừng tại các huyện, thành phố ở cấp nguy hiểm, có những địa phương nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm.
Hạt Kiểm lâm Cao Phong phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tổ chức diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 100.000 ha rừng tre nứa, hỗn giao nứa gỗ, rừng trên núi đá, rừng phục hồi, rừng trồng chưa khép tán, đây là các loại rừng dễ cháy, thường có nguy cơ cháy rừng cao. Mặt khác, những vùng này là nơi tập trung đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế phụ thuộc nhiều vào rừng và có truyền thống phát đốt nương làm rẫy, các hoạt động sản xuất nương rẫy, kết hợp nông, lâm nghiệp thường xuyên diễn ra nên rất dễ cháy lan vào rừng nếu để xảy ra sơ suất.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu mùa khô năm 2018 - 2019, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Kiện toàn BCĐ các cấp, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 206 phương án PCCCR cấp xã; 11 phương án cấp huyện, thành phố; 5 phương án Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 1 phương án cấp tỉnh; duy trì và củng cố 1.835 tổ đội quần chúng bảo vệ với 11.268 người tham gia.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR, do vậy, Chi cục Kiểm lâm tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, nhân dân và các chủ rừng những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, văn bản pháp luật mới được ban hành có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR. Đặc biệt là tuyên truyền giúp các chủ rừng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong bảo vệ tài sản cũng như hướng dẫn họ biện pháp phòng, chống cháy rừng đúng cách. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên vận hành, bảo dưỡng máy móc, phương tiện và các dụng cụ chữa cháy đảm bảo trang thiết bị luôn trong tình trạng tốt nhất để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Kiểm lâm địa bàn tăng cường bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và PCCCR, thường xuyên kiểm tra những điểm có nguy cơ cháy cao; nhắc nhở, hướng dẫn người dân dọn vệ sinh rừng sau khi khai thác và sử dụng lửa đúng quy trình kỹ thuật trong việc đốt dọn nương rẫy, xử lý thực bì. Các hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền cơ sở, chủ rừng tiếp tục duy trì, củng cố, tu sửa gần 94 km đường băng cản lửa, trong đó có 75,9 km đường băng trắng và 18 km đường băng xanh… Do làm tốt công tác PCCCR nên từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh không có cháy rừng xảy ra.
Mặc dù vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh dự báo, hiện tại, nguy cơ cháy rừng tại 2 huyện Mai Châu, Đà Bắc ở cấp báo động V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do thời tiết nắng nóng, khô, hạn kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng. Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT, BCĐ về Chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, huyện, xã, các chủ rừng tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC phối hợp với Kiểm lâm kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy, đảm bảo 24/24h, tích cực kiểm tra người và phương tiện vào rừng. Thông báo thường xuyên nội quy dùng lửa trong rừng và ven rừng. Khi xảy ra cháy phải huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, tiến hành điều tra, xác minh vụ cháy và truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm minh. Khi cần thiết đề nghị BCĐ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp trên tăng cường lực lượng, phương tiện chữa cháy.
Tại TP Hòa Bình, các huyện: Kỳ Sơn, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc dự báo cháy rừng đang ở cấp báo động nguy hiểm. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện, thành phố và BCĐ về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trực tiếp chỉ đạo PCCCR tại địa phương. Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24h, nhất là các giờ cao điểm. Phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay…
Bình Giang
Gần 800 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các hội thành viên của Hiệp đoàn Đo đạc quốc tế 2019 (FIG), các tổ chức khoa học - giáo dục của các quốc gia trên thế giới đã có mặt tại Hà Nội tham dự Hội nghị quốc tế về ngành Đo đạc "FIG Working week 2019”, được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam.
(HBĐT) - "Đầu vào" vật tư nông nghiệp (VTNN) là khâu quan trọng phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Trong thời gian qua, Sở NN & PTNT đã chỉ đạo thanh tra Sở và thanh tra các đơn vị chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát chất lượng "đầu vào" VTNN, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là nông dân.
Đây là khẳng định của bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê – đơn vị chủ chốt trong triển khai hoạt động Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
(HBĐT) - Mùa này, khu rừng rộng lớn cả nghìn ha được điểm tô bởi sắc vàng của hoa vàng anh. Con suối Khú chảy hiền hòa, luồn lách dưới tán rừng như mạch máu nuôi dưỡng cánh rừng xanh tốt. Mặc dù, hành trình khám phá chỉ trong một ngày nhưng phải thừa nhận, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, xã Thượng Tiến (Kim Bôi) như một "nàng tiên" chưa thức giấc.
(HBĐT) - Ngày 19/4, Bưu điện tỉnh tổ chức Lễ khai trương Bưu điện Khu công nghiệp Lương Sơn. Đến dự đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Lương Sơn.
(HBĐT) - Ngày 12/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2019.