Luật Khoáng sản quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường sau khi giấy phép khai thác hết hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp khai thác mỏ tại tỉnh Ninh Bình vẫn phớt lờ trách nhiệm đóng cửa mỏ, cải tạo đất đai, gây bức xúc dư luận.


Mỏ Bồ Ðề, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan (Ninh Bình) hết hạn khai thác đã lâu nhưng doanh nghiệp không làm thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Mỏ đồi Bồ Ðề ở thôn Hưng Long, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan được giao cho doanh nghiệp tư nhân Hòa Mỹ Hương (nay đổi tên là Công ty TNHH Việt Phát) khai thác đất, đá hỗn hợp, có diện tích 2,97 ha; công suất khai thác 30 nghìn m3/năm. Theo Quyết định số 2047/QÐ-UBND ngày 7-11-2008 của UBND tỉnh Ninh Bình, thời hạn khai thác mỏ đồi Bồ Ðề của doanh nghiệp Hòa Mỹ Hương trong ba năm, bắt đầu từ ngày 7-11-2008, kết thúc vào tháng 11-2011. Trong quyết định cũng nêu rõ: Sau khi khai thác, doanh nghiệp tư nhân Hòa Mỹ Hương phải có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng, môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã gần tám năm trôi qua (kể từ khi hết hạn khai thác mỏ Bồ Ðề), doanh nghiệp tư nhân Hòa Mỹ Hương vẫn "phớt lờ" trách nhiệm đóng cửa mỏ. Quan sát bên vạt đồi Bồ Ðề bị doanh nghiệp này đào bới nham nhở, chúng tôi thấy nhiều bãi đất, đá thải các loại lô xô chất thành từng đống chưa được san gạt để phục hồi môi trường, cải tạo đất đai. Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc Bùi Văn Thái cho biết: "Ngoài mỏ Bồ Ðề, doanh nghiệp tư nhân Hòa Mỹ Hương còn khai thác đất, đá ở mỏ núi Hạm có diện tích 2,18 ha. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hoàng Linh cũng tiến hành khai thác đất, đá ở mỏ núi Nước Mọc của xã. Hai mỏ này đều hết hạn khai thác từ lâu, song cả hai doanh nghiệp đều chưa hoàn thành trách nhiệm đóng cửa mỏ. Do vậy, nhiều diện tích đất đồi rừng ở các mỏ nêu trên trở nên hoang hóa nhiều năm không có ai quản lý, hết sức lãng phí". Ðược biết trước đó, việc khai thác mỏ và vận chuyển đất đá, khoáng sản của các doanh nghiệp hoạt động tại xã Quảng Lạc gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân vì ô nhiễm môi trường, đường giao thông của xã bị tàn phá. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp này cũng không quan tâm tới việc hỗ trợ xã cải tạo môi trường, sửa chữa nâng cấp đường giao thông, mà chỉ chăm chăm khai thác khoáng sản bán kiếm lời.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, không riêng hai doanh nghiệp nêu trên, nhiều mỏ đất, đá, khoáng sản do các doanh nghiệp khác ở tỉnh Ninh Bình khai thác cũng có tình trạng khi giấy phép hết hạn, nhiều đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đóng cửa mỏ. Ðó là mỏ núi Giếng Hang, xã Yên Thành, huyện Yên Mô của Tổ hợp khai thác đá Thanh Bình; mỏ đồi Ðêm, đồi Chùa, đồi Cạc, đồi Khoai ở các xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan của doanh nghiệp Xuân Trường. Nhiều cử tri ở xã Quỳnh Lưu bức xúc: Mỏ đất đồi Chùa, đồi Khoai ở xã, sau khi doanh nghiệp múc đất đem đi san lấp các công trình, trở thành những hố sâu hoắm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão năm 2019. Sự thiếu trách nhiệm phục hồi môi trường, cải tạo đất đai còn tạo ra kẽ hở cho một số người lợi dụng đất mỏ không ai quản lý để lấn chiếm, trồng cây xanh, canh tác. Ðiều này gây ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đất đai của tỉnh Ninh Bình.

Bất cập khác là tại bốn mỏ đất đá mà tỉnh Ninh Bình giao cho một số đơn vị khai thác từ nhiều năm trước, trong khi vẫn còn tồn tại việc chưa hoàn thành tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thì đến nay lại nổi lên những vi phạm mới. Ðó là tình trạng chây ỳ lập hồ sơ trả lại giấy phép khai thác, lập hồ sơ đóng cửa mỏ theo quy định như mỏ đá núi Hang Hốc của Trại giam Ninh Khánh. Hay việc thiếu trách nhiệm lập hồ sơ trả lại một phần diện tích khai thác mỏ đất sét của Công ty cổ phần Gốm xây dựng, ở xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Hoặc vi phạm không làm hồ sơ chuyển nhượng khai thác mỏ đất phía tây đồi Ba Mào của Công ty TNHH Vận tải và thương mại Ðại Ðoàn Kết, thuộc xã Yên Sơn, TP Tam Ðiệp; vi phạm không làm hồ sơ đánh giá, xác định lại trữ lượng và hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ đến độ sâu 150 m ở mỏ Ðầm Ðùn, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan của Công ty cổ phần Sinh Phát Lộc. Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình) Ðỗ Văn Hân cho biết: Nhiều năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành nhiều công văn nhắc nhở, thông báo cho các doanh nghiệp nêu trên về những khiếm khuyết, vi phạm và sự thiếu trách nhiệm đóng cửa mỏ, sau khi giấy phép khai thác hết hạn. Ngay như với Công ty Việt Phát, Sở đã thành lập đoàn công tác, phối hợp UBND xã Quảng Lạc, UBND huyện Nho Quan và Công ty Việt Phát kiểm tra thực địa tại mỏ Bồ Ðề, mỏ núi Hạm; đồng thời hướng dẫn công ty này thực hiện đóng cửa mỏ, song họ vẫn phớt lờ. Ðiều đó không chỉ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, mà còn tạo nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, khoáng sản quốc gia.

Được biết, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề giải quyết các việc tồn đọng, trong đó có việc thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường và tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ nêu trên. Song trước sự chây ỳ của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn thì tình trạng vi phạm Luật Khoáng sản sẽ còn tái diễn. Chúng tôi kiến nghị, đối với những doanh nghiệp này, các cơ quan quản lý tỉnh Ninh Bình cần có biện pháp kiên quyết không tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép thăm dò, khai thác, tận thu khoáng sản; không cho thuê đất hoạt động khoáng sản, hoặc sử dụng hạ tầng và các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản tại địa phương. Ðồng thời, không xem xét việc chuyển nhượng quyền khai thác mỏ; bắt buộc các doanh nghiệp phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian quá hạn lập hồ sơ đóng cửa mỏ,…

TheoNhanDan

 

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục