Theo tin của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10 km, khoảng chiều ngày 1/8 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Cảnh báo mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, đặc biệt là Hòa Bình.
Thực hiện Công điện số 08/CĐ-TW hồi 14h ngày 31/7/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; để chủ động ứng phó với bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai nghiêm túc các nội dung của Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 30/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh; thường xuyên cập nhật tin bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan cấp trên (qua mail, trang web của các cơ quan thời tiết, phòng chống thiên tai).
Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản; các địa điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở, hệ thống hồ đập, nhất là các hồ đập đang thi công, đã gặp sự cố, đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
Đối với các địa phương có đê, yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đã được xác định qua đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ; đồng thời kiểm tra việc triển khai phương án trên thực tế và chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện thiết bị để sẵn sàng xử lý khi có yêu cầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống đê điều, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời giờ đầu các sự cố.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh theo số điện thoại 02183.852.309, email: thuyloihb@gmail.com.
Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra trong công tác ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, đặc biệt chú ý công tác chỉ đạo trong bảo vệ công trình đê điều, hồ đập, hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công xây dựng…
P.V(TH)
(HBĐT) - Ngày 30/7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh có công điện về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, nội dung chính như sau: