Tuyến đường tỉnh 438B từ xã Khoan Dụ - An Bình (Lạc Thủy) xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên ngập úng vào mùa mưa. Ảnh: Khu vực Chợ Đập, xã An Bình bị ngập nặng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 (từ ngày 3 - 5/8), khiến người dân đi lại khó khăn.
Chuyện như đùa: "câu cá” giữa tỉnh lộ
Đó là câu chuyện mà người dân dọc tuyến đường 438B từ xã Khoan Dụ - An Bình thường dùng để ví von cho sự ngổn ngang của công trình giao thông dở dang này, nhất là vào những ngày mưa. Trong đó, xã An Bình là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất. Không khó để bắt gặp những ổ voi, ổ gà, vết rách dọc suốt tuyến. Nhiều "hố tử thần” nối tiếp nhau, ứ đọng nước những ngày mưa tạo thành các vũng nước lớn giữa lòng đường. Người dân sống dọc tuyến đường thường nói rằng: "mang cần ra ao mà câu cá”. Tại một số vị trí rãnh thoát nước và cống ngang đường không tiêu thoát được nước mưa nên thường xảy ra ngập úng, nặng nhất tại xã An Bình như km 17+00 thôn Rộc In; km 18+900 thôn Thắng Lợi; km 20+200, 21+100 khu vực Chợ Đập; km 22+00 thôn An Sơn 2 có độ ngập từ 0,8 – 1 m.
Đồng chí Quách Công Mười, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình chia sẻ: "Do ngập nặng vào mùa mưa, đường trơn trượt, nhiều vũng lầy nên học sinh tiểu học không tự đi xe đến trường được mà phải có bố mẹ đưa đi vì lo không đảm bảo an toàn. Đã có nhiều trường hợp người tham gia giao thông tại cung đường này trượt ngã. Thậm chí, có 2 trường hợp thương nặng do ngã xe là Bùi Văn Trọng, thôn Rộc In bị chấn thương sọ não và Bùi Văn Huy, thôn Rộc Dong bị gãy 2 tay. Ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân”.
Các vị trí cống ngang đường được đặt cao hơn so với mặt đường cũ từ 50 cm trở lên gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông, nhất là đối với xe máy, các loại xe ô tô 4 chỗ gầm thấp khó di chuyển. Ông Bùi Xuân Trường, thôn Vỏ, xã Liên Hoà cho biết: "Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đường 438B để nhân dân đi lại thuận tiện nhưng tuyến đường dang dở 2 năm nay gây ra nhiều bất cập”.
Cần cấp thiết đẩy nhanh tiến độ dự án
Giao thông đi lại khó khăn dẫn đến hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá của người dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử như việc người dân thuê xe chở gỗ keo đến điểm bán bình thường chỉ mất từ 700 nghìn - 1 triệu đồng/lần thuê, nhưng do đường xấu nên cước xe tăng lên từ 1,5 - 2 triệu đồng/lần thuê. Liên Hoà là xã trồng nhiều cam Lạc Thuỷ, bán với giá trung bình 25.000 đồng/kg nhưng tư thương ép giá do chi phí vận chuyển cao nên chỉ mua với giá 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, các gia đình kinh doanh dịch vụ vận tải cũng có nhiều trăn trở. Anh Quách Văn Long, thôn Đồng Huống, xã Liên Hoà chia sẻ: "Gia đình tôi kinh doanh dịch vụ vận tải dưới hình thức xe đưa đón học sinh trên địa bàn xã từ năm 2018. Do đường sá đi lại khó khăn, nên xe thường xuyên phải sửa chữa, bảo dưỡng tốn kém chi phí. Hiện, tiền cước xe mỗi cháu 250.000 đồng/tháng đủ chi phí duy trì hoạt động. Nếu có con đường bằng phẳng hơn để đi lại, xe đỡ hao mòn nhiều thì chi phí giảm bớt, tôi có thể giảm tiền cước xuống còn 200.000 đồng/tháng, bớt đi một phần chi phí cho các bậc phụ huynh”.
Trước tình trạng trên, UBND xã An Bình đã 2 lần gửi công văn (Công văn số 130, ngày 6/6/2018 và Công văn số 190, ngày 18/7/2019) đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục tỉnh lộ 438B trên địa bàn xã đến Sở GTVT và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Tháng 8/2019, đơn vị thầu đã tiến hành thi công tiếp 1,5 km đoạn đi qua trung tâm xã, từ km 19+500 – km 21, dự kiến tháng 11 hoàn thành. Lãnh đạo xã An Bình cũng đề nghị đơn vị thi công khẩn trương khắc phục tình trạng hiện tại để nhân dân yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.
Đề xuất với UBND tỉnh, đồng chí Vũ Hùng Mẫn, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Lạc Thuỷ cho biết: "Mong muốn UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn đảm bảo hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 438B từ xã Khoan Dụ - An Bình kịp tiến độ đến năm 2020, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân 4 xã bị ảnh hưởng dọc tuyến đường này”.
Thanh Sơn