(HBĐT) - Những ngày đầu tháng 2 - đỉnh điểm mùa cạn ở xã, 9/9 xóm của xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) thiếu nước sinh hoạt. Dọc các tuyến đường tại xóm Đanh, Đào, Lâm, Quàn... những ống nước tự kéo của người dân từ các mó nước trên núi về chằng chịt như dây diện. Theo người dân nơi đây, năm nào cũng vậy, trời mưa các khe suối, mó nước chảy mạnh còn có nước dùng, còn mùa cạn thì suối trơ sỏi đá, nước từ mó dẫn về ống chảy như sợi chỉ, hứng cả ngày cũng chỉ được 2-3 xô nước, các hộ đều chật vật vì "khát" nước sinh hoạt.



Những đường ống nước tự kéo của người dân xóm Lâm, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) từ các mó nước trên núi về sử dụng.

Hàng năm, thời điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, hầu hết các hộ dân ở xóm Lâm đều chật vật tìm nguồn nước sinh hoạt. Cả xóm đều dùng nước tự nhiên lấy từ mó nước, khe suối trên núi để dùng. Để có nước phục vụ sinh hoạt, các hộ dân phải đặt ống dẫn nước cách rất xa nhà, thậm chí có những hộ tại xóm Lâm, Quàn... đặt ống dẫn nước từ mó nước cách nhà 2 km. Ấy vậy mà nước chảy lay lắt, chỉ đủ để nấu nướng, sinh hoạt, còn giặt quần áo phải đợi đầy bể hoặc chở ra suối để giặt. Có hộ hàng ngày phải mang can ra những xã lân cận xin nước về dùng. Nước sinh hoạt đã vậy, việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi lại càng thêm khó khăn.

Anh Bùi Văn Mìn, xóm Lâm cho biết: "Quanh năm gia đình tôi luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Gia đình đã đặt ống dẫn nước cách nhà 1,5 km từ trên núi về dùng. Mùa cạn từ tháng 12-3 nước chảy yếu, hứng cả tiếng đồng hồ mới được 1 chậu nước, mùa mưa từ tháng 4-5 và tháng 8-9 thì nước chảy mạnh hơn nhưng đục ngầu, cứ trời mưa là phải chạy thật nhanh đến bể nước để bỏ ống ra ngoài nếu không thì đục hết bể".

Gia đình anh Mìn có 4 người, thường xuyên bị ngứa, đau mắt, dù chưa đến bệnh viện chẩn đoán nhưng ai cũng đều cho là do nguồn nước, bởi hầu như trong xóm nhà nào cũng có người mắc bệnh như vậy. "Dù biết nguồn nước mó không đảm bảo nhưng vẫn phải dùng vì không còn nguồn nào thay thế. Trước đây, từng có đoàn cán bộ đến khảo sát nguồn nước, xây dựng bể cấp nước sinh hoạt cho bà con nhưng không thấy quay lại" - anh Mìn chia sẻ.

Nhiều hộ đã thử khoan giếng nhưng do địa hình cao ít nước hoặc không có nước nên đành bỏ không. Tình trạng thiếu nước còn xảy ra tại cơ sở y tế, trường học, gây nhiều bất tiện trong học tập, khám và chữa bệnh. Trong các cuộc họp thôn, xóm, vấn đề thiếu nước luôn được bàn luận sôi nổi, đề xuất, kiến nghị lên các cấp. Chỉ vài tháng nữa là bước vào hè, thiếu nước sạch còn kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.

Đồng chí Bùi Văn Bèo, Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo cho biết: Công trình nước sạch của xã được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng nặng, không còn khả năng cấp nước sinh hoạt. Tuyến đường dẫn nước từ mó nước trên núi về các hộ thường xảy ra tình trạng sạt lở khi có mưa lớn, hư hỏng, đứt đường ống, gây thiệt hại cho bà con. Xã đã tiếp thu ý kiến của người dân, trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nếu được đầu tư xây dựng, công trình nước sạch sẽ chủ động được nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, chất lượng nước đạt chuẩn, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Vào mùa cạn, thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn tác động tới sản xuất. Hiện tại, toàn xã có 18 bai, đập, 35,6 km kênh mương, tuy nhiên mới chỉ cứng hóa được 25%, nhiều tuyến bị hỏng, xuống cấp, không đủ phục vụ tưới tiêu cho bà con, chủ yếu phụ thuộc vào nước "trời". Do đó, việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập hạn chế. Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 23,5 triệu đồng/người/năm, một phần thu từ lao động đi làm ăn xa, không xuất phát từ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,4%.

Trước những khó khăn về nguồn nước, nhân dân mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng công trình nước sạch, sửa chữa hệ thống công trình thủy lợi giúp ổn định sinh hoạt, chủ động nguồn nước tưới tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.


Hoàng Anh


Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục