Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6 trước đại dịch Covid-19
Thứ ba, 28/4/2020 | 10:07:46 Sáng
(HBĐT) - Từ ngày 25/2 - 9/3/2020, dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 3 hộ thuộc xã Liên Sơn (Lương Sơn) với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 10.400 con, trong đó, gà 4.450 con; vịt, ngan 5.950 con. Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, tỉnh quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Hiện, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện thêm ổ dịch. Các địa phương đã công bố hết dịch.
Để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của dịch cúm A/H5N6, người tiêu dùng nên lựa chọn mua thịt gia cầm ở những địa chỉ đã qua kiểm dịch. Ảnh chụp tại siêu thị Vinmart (TP Hòa Bình).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp bán rong gia cầm trên đường phố; tình trạng giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh môi trường tại nhiều chợ dân sinh chưa được khắc phục; việc thu mua, vận chuyển gia cầm của tư thương với một số tỉnh giáp ranh chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đó là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Từ đầu tháng 4 đến nay, người tham gia giao thông thường xuyên bắt gặp hình ảnh xe máy chở gà, vịt bán rong trên địa bàn TP Hòa Bình, huyện Cao Phong, Tân Lạc... Qua tìm hiểu, nguồn gốc của vịt, gà bán rong từ tỉnh Phú Thọ vận chuyển sang. Dịch Covid-19 tác động làm gia cầm không bán được, nên người chăn nuôi Phú Thọ phải tự mang đi bán ở một số tỉnh lân cận. Giá bán rất rẻ, vịt chỉ 25.000 đồng/kg, gà 60.000 - 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, cùng thời điểm giá bán vịt tại chợ dân sinh dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg; gà từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Người dân ham rẻ nên mua nhiều, một số tiểu thương cũng mua, xong mang ra chợ bán. Điều đáng lo ngại là số gia cầm này không biết đã qua kiểm dịch hay chưa. Lông gà, lông vịt bay tứ tung, mùi hôi bốc ra gây ô nhiễm môi trường có thể là nguồn lây lan dịch bệnh.
Không chỉ có vậy, tại một số khu chợ dân sinh, tình trạng mua bán, giết mổ gia cầm sống vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Gia cầm được giết mổ ngay tại chợ, trong gian hàng chật hẹp, đông đúc người qua lại, thậm chí cạnh những quán bán rau, đồ ăn chín. Tất cả gia cầm đều được nhúng chung 1 nồi nước to. Một số tiểu thương thiếu ý thức còn thản nhiên đổ chất thải sau khi giết mổ trực tiếp xuống cống thoát nước. Nước giết mổ gia cầm hôi tanh tràn trên vỉa hè, chảy xuống lòng đường, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ phán tán mầm bệnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Thú y (Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh) cho biết: Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh, thường xuyên kiểm tra nguồn hàng tại chợ truyền thống, định kỳ khử trùng, tiêu độc tại các điểm bán gia cầm có chứng nhận đã qua kiểm dịch. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát việc thu mua, vận chuyển gia cầm của tư thương từ tỉnh giáp ranh. Để kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ bùng phát lại dịch cúm gia cầm A/H5N6, người dân cần hạn chế mua gia cầm không rõ nguồn gốc; không nên mua gia cầm giết mổ tại những nơi không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến để tiểu thương có ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh, đồng thời, cần quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra, xử lý hộ kinh doanh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để dịch cúm gia cầm A/H5N6 không bùng phát trở lại, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong đó, tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động tiêm phòng vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Các hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi với tần suất 1 lần/tuần; khi tái đàn cần mua giống ở những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ...
(HBĐT) - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND, ngày 26/4/2020 về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá.
(HBĐT) - Trong đợt mưa dông kéo dài ở khu vực tỉnh Hòa Bình vừa qua, nhiều xã, thị trấn của huyện Đà Bắc có mưa lớn, như: thị trấn Đà Bắc có thời điểm lượng mưa đạt 90,6 mm; Mường Chiềng 43,8 mm; Cao Sơn 90,8 mm; Đồng Chum 74 mm... Đặc biệt, trong đêm 22, rạng sáng ngày 23/4, trên địa bàn huyện đã xảy ra dông lốc, gió giật mạnh kèm theo mưa đá cục bộ tại một số địa phương, gây thiệt hại lớn về nhà ở, tài sản, hoa màu của Nhân dân.
(HBĐT) - Trong 5 năm qua, thực hiện phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, công nhân, viên chức, lao động ngành Y tế đã có 355 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành được Hội đồng khoa học cấp sơ sở nghiệm thu, 5 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu và đưa vào áp dụng thực tiễn tại các đơn vị trong ngành, hơn 500 ứng dụng kỹ thuật mới được triển khai trong các đơn vị điều trị, hơn 200 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp cơ sở.
(HBĐT)-Đó là khuyến cáo của Sở NN&PTNT sau khi kiểm tra đồng ruộng trên diện tích trà chính vụ, trà muộn tại các huyện, thành phố. Kết quả cho thấy, nhiều ruộng lúa đang có hiện tượng vàng lá. Chi cục TT&BVTV đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân tăng cường bám sát đồng ruộng, kiểm tra thường xuyên diện tích lúa để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng, dịch bệnh.
(HBĐT) - Từ đêm 22 đến sáng 25/4, trên địa bàn xã Đoàn Kết (Đà Bắc) đã có mưa vừa, mưa to, có những lúc mưa rất to. Đặc biệt, trong đêm 22, rạng sáng ngày 23/4, giông lốc, mưa đá bất ngờ đổ xuống xã trong khoảng 20 - 30 phút. Tuy thời gian diễn ra ngắn nhưng thiên tai đã gây thiệt hại rất nặng nề cho cuộc sống, sản xuất của người dân, nhất là tại các xóm: Thẩm Luông, Lăm, Kẹ... Thống kê đến sáng 25/4, toàn xã đã có 436 hộ thiệt hại về nhà ở do bị tốc mái, đổ vỡ tấm lợp. Hàng chục gia đình phải sơ tán, đến ở tạm tại nhà văn hóa, trường học, trạm y tế xã.