Người dân thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) vận hành máy bơm dẫn nước vào mương phục vụ sản xuất.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ tháng 11/2020 - 4/2021, mực nước trên các sông có xu hướng giảm dần, nguy cơ thiếu nước cục bộ có thể xuất hiện ở một số sông, suối. Theo đánh giá của các huyện, thành phố, tình hình tích nước ở các hồ chứa trên địa bàn tỉnh sau mùa mưa năm 2020 xấp xỉ so với năm 2019. Đối với hệ thống hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, lượng nước tích đạt từ 80 - 90% dung tích thiết kế. Với các hồ nhỏ, mức tích nước đạt xấp xỉ vụ đông xuân 2019 - 2020 khoảng 70 - 75% dung tích thiết kế.
Đồng chí Bùi Văn Huân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn cho biết: Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện phấn đấu gieo trồng 7.489,8 ha, trong đó, lúa 3.759,8 ha, 3.570 ha rau, màu các loại. Diện tích có khả năng bị hạn khoảng 300 ha. Toàn huyện có 214 công trình thủy lợi (huyện quản lý 214 công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Lạc Sơn quản lý 62 công trình). Theo nhận định năm nay khó khăn về nguồn nước do ảnh hưởng của thời tiết, một số hồ chứa đang trong quá trình đầu tư nâng cấp như: Hồ Suối Chua (xã Mỹ Thành), hồ Tráng Đụm (xã Bình Cảng), hồ Mẹ Đảng (xã Chí Thiện)... Để đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất, từ đầu vụ, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp tiết kiệm nước, không tự ý đánh bắt cá, đảm bảo nước cho sản xuất. Phát động Nhân dân tham gia đào, đắp khơi thông dòng chảy, phát quang bờ mương, mái đập, sửa chữa, nâng cấp những công trình xung yếu, tưới tiết kiệm và sử dụng máy bơm khi cần thiết.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 64 nghìn ha cây hàng năm. Trong đó, cây lương thực có hạt 33 nghìn ha, gồm: Lúa 15,6 nghìn ha, ngô 17,6 nghìn ha, cây lấy củ chất bột 11 nghìn ha, cây công nghiệp 3,4 nghìn ha; mía 7,5 nghìn ha; rau, đậu các loại 5,7 nghìn ha... Theo thống kê, có 3.892 ha đất gieo trồng có khả năng bị hạn, trong đó: 2.139 ha lúa, 1.244 ha màu, 509 ha cây ăn quả, cây lâu năm. Để chủ động chống hạn, các địa phương đã linh hoạt chuyển đổi hơn 1.000 ha lúa sang trồng cây màu khác.
Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh tập trung vào trà muộn (chiếm 90%) trong khoảng từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2. Thời điểm này, dòng chảy tại các suối cạn kiệt, việc cung cấp nước từ hệ thống bai, mương sẽ không chủ động được nguồn nước. Lượng nước tại các hồ chứa bị tổn thất lớn do thấm và bốc hơi nên giảm đáng kể. Đối với các hồ chứa dù cơ bản tích nước đạt ở mức cao, nhưng lòng hồ bị bồi lắng nên dung tích chứa không đạt như thiết kế. Các công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng gây rò rỉ, thẩm thấu lớn. Vì vậy, dự kiến nguồn nước chỉ đảm bảo phục vụ làm đất gieo cấy vụ xuân. Nếu không có lượng mưa bổ sung sớm sau khi cấy lúa, khả năng thiếu nước chăm sóc lúa và hoa màu sẽ xảy ra.
Đồng chí Hoàng Lan Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) cho biết: Toàn tỉnh có 1.808 công trình thủy lợi đã được kiên cố để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Vụ đông xuân, diện tích lúa được cấp nước tưới từ công trình thủy lợi đáp ứng gần 88,5% yêu cầu tưới; màu và cây trồng cạn khoảng 14%. Để đối phó với nguy cơ hạn hán vụ đông xuân 2020 - 2021, các địa phương phải thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong các công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp. Bố trí cây trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển số lượng sang chất lượng. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt, vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; triển khai sâu rộng, có hiệu quả các chiến dịch toàn dân làm thủy lợi đợt 1 và đợt 2...
Thu Thủy