(HBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng chặt chẽ. Nhiều chủ trương, chính sách về quản lý, sử dụng TNKS được ban hành, tổ chức thực hiện. Các biện pháp quản lý, sử dụng được siết chặt hơn với phương châm kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Đà thuộc địa phận tổ 17, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình). Ảnh chụp tháng 1/2021.
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất trong công tác quản lý
Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 94 doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS), tổng diện tích được cấp phép khai thác hơn 960 ha, trữ lượng khoảng hơn 357 triệu m3 đá vôi, đất, cát... và khoảng gần 49 triệu tấn sắt, đồng, kaolin... Chủ yếu là các DN có quy mô vừa và nhỏ hoạt động KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường và một số mỏ quặng.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về TNKS, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, khai thác TNKS, nhất là Chỉ thị số 52-CT/TU, ngày 12/4/ 2019 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT: Từ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, Bộ, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thống nhất trong công tác quản lý TNKS, UBND tỉnh, Sở TN&MT cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố trong việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã khoanh định, công bố các khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Căn cứ vào tình hình thực tế từ các địa bàn, UBND tỉnh đã có văn bản quy định về quản lý, cấp khép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh; về việc bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản; mức thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khoáng sản và ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh...
Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp các ban, ngành tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh công tác đấu giá quyền KTKS theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định báo cáo thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh... Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng đất ký cam kết chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về đất đai; ban hành quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương. Nhằm bảo vệ TNKS theo luật định, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, lập, trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành các quy định về phương án bảo vệ TNKS. Theo các quyết định phê duyệt, UBND tỉnh đã khoanh định 2.091 khu vực, điểm, tuyến cấm hoạt động khoáng sản với diện tích 237.369,10 ha; 152 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 270 ha. Khoanh định 177 khu vực không đấu giá quyền KTKS, gồm 164 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, 6 khu vực quặng vàng, 6 khu vực quặng than và 1 khu vực quặng sắt. Đối với 94 giấy phép KTKS còn hiệu lực, có 7 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT; 87 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Thực hiện việc thu hồi, chấm dứt hiệu lực, cho phép trả lại giấy phép KTKS đã cấp, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực đối với các đơn vị. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát, xem xét các dự án khai thác kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, nợ đọng thuế, phí; các dự án đã được cấp phép khai thác, nhưng không thực hiện các nghĩa vụ về đất đai, môi trường, tài chính… nhằm đưa mỏ vào hoạt động để tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép KTKS và thực hiện việc đóng cửa mỏ theo quy định.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, công tác quản lý TNKS đã đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế tình trạng KTKS trái phép, không phép vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, việc kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm chưa được kịp thời. Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm còn nhẹ, chưa đủ mức răn đe. Theo báo cáo của Sở TN&MT: Một số tổ chức, cá nhân hiện đang tiến hành hoạt động KTKS nhưng chưa chấp hành, tuân thủ đầy đủ các quy định về thiết kế cơ sở, thiết kế mỏ đã được phê duyệt, việc thực hiện các biện pháp BVMT trong hoạt động khai thác chưa nghiêm túc. Từ tháng 1/2019 - ngày 30/6/2021, UBND tỉnh đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản số tiền 2.741 triệu đồng. Ngoài ra, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính. Năm 2019, Cục Thuế tỉnh đã thanh, kiểm tra đối với 30/95 DN có KTKS, trong đó, 21/30 DN vi phạm; tổng số tiền truy thu và xử phạt 2.874 triệu đồng. Năm 2020, thanh tra, kiểm tra đối với 34/95 DN có KTKS, trong đó, 25/34 DN vi phạm; tổng số tiền truy thu và xử phạt 5.892 triệu đồng. Tính đến tháng 6/2021, nợ thuế, phí của một số DN khoảng hơn 9 tỷ đồng.
Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế, chạy theo lợi nhuận, chưa thật sự quan tâm về BVMT, bảo vệ nguồn TNKS, thậm chí có trường hợp vì lợi nhuận vẫn cố tình vi phạm... Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp thu nợ thuế chưa hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt. Việc kiểm soát kê khai sản lượng tài nguyên khai thác; xác định tỷ lệ quy đổi đối với khoáng sản thành phẩm ra số lượng nguyên khai; việc điều chỉnh tiền cấp quyền KTKS chưa kịp thời, dẫn đến khó khăn trong công tác thu thuế và chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT. Việc xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Việc giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là giám sát các hoạt động sau cấp phép và thực hiện các quy định về bảo vệ, phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai những biện pháp, giải pháp đột phá chiến lược trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác quy hoạch; nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch khoáng sản theo Luật Quy hoạch, phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản chung của cả nước, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở cho công tác quản lý Nhà nước. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT; trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các sở, ngành để xảy ra vi phạm thuộc địa bàn, địa phương, đơn vị, lĩnh vực quản lý...; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Tăng cường công tác thẩm định, rà soát các dự án, đề án khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo theo đúng quy hoạch, đúng quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt. Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền KTKS để tăng tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh trong hoạt động đầu tư KTKS. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản.
Phương Linh
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong quản lý,
bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Vũ Văn Toàn
Trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Thủy
Hiện nay, việc khai thác khoáng sản đáp ứng yêu cầu nguyên, vật liệu
phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa
phương. Để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, khai
thác tài nguyên khoáng sản, huyện đã đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.
Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ
của mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong quản lý, bảo vệ tài
nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, giữ vững ANTT. Đồng thời, nâng cao vai
trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức
chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý và bảo vệ tài
nguyên khoáng sản. Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám
sát hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên địa
bàn quản lý; ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi khai thác khoáng
sản trái phép.
Kiên quyết thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần
Bùi Văn Nam
UBND xã Thanh Cao (Lương Sơn)
Hiện nay, khai thác đá trên địa bàn xã Thanh Cao (Lương Sơn) đã được
các cơ quan chức năng quản lý nghiêm theo đúng quy định. Tuy vậy, thực tế vẫn
xảy ra tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật
trong quá trình khai thác như: Nổ mìn làm ảnh hưởng đến nhà dân, ô nhiễm bụi
và tiếng ồn, vi phạm các quy định về vận tải... Tuy nhiên, hiện nay, mức xử
phạt tương đối thấp, không có tính răn đe. Tôi đề nghị các cấp chính quyền
kiên quyết đình chỉ hoạt đông và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các
doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cá nhân có vi phạm, đặc biệt là vi phạm nhiều lần,
vi phạm đã bị xử lý mà không khắc phục.
Tăng cường kiểm tra các hoạt động lợi dụng việc san lấp tạo mặt bằng
để khai thác khoáng sản
Nguyễn Văn Tiến
Xã Mỵ Hòa (Kim Bôi)
Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý khai thác khoáng sản đã được
các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Nhiều vụ vi phạm pháp luật về
khai thác khoáng sản đã bị xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, tôi vẫn thấy có tình
trạng một số hộ dân khai thác nhỏ lẻ, đặc biệt là khai thác đất, cát, sỏi
trên các dòng sông, suối. Điều đáng nói là hoạt động này diễn ra lén lút, chỉ
đến khi Nhân dân báo chính quyền địa phương mới nắm được. Cùng với đó, có
tình trạng các hộ dân lợi dụng việc san gạt tạo mặt bằng để khai thác đất hiếm
và một số loại tài nguyên khác. Chính vì vậy, theo tôi, muốn nâng cao hiệu quả
công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản cần thực hiện triệt để từ cơ
sở. Cấp ủy Đảng, chính quyền xã và xóm tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm
soát, nắm bắt địa bàn để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm quy định về
khai thác tài nguyên khoáng sản.
|
(HBĐT) - 9 tháng năm 2021, LLVT tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ huấn luyện kết hợp với làm công tác dân vận, tham gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao.
(HBĐT) - Đây là mục tiêu được nêu tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
HBĐT) - Ngày 14/9, đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Hòa Bình tại Sở TN&MT. Tham gia đoàn có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh. Dự buổi giám sát có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện, toàn tỉnh có trên 100ha diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Đây là một loại bệnh mới, hiện chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ hiệu quả. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh đang tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên môn hướng dẫn nông dân tiêu hủy nguồn bệnh, ngăn chặn môi giới truyền bệnh để hạn chế lây lan.
(HBĐT) - Xã Ngọc Lương (Yên Thủy) được xác định là vùng rốn lũ, địa hình chiêm chũng nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ sau những trận mưa lớn kéo dài. Trước thực tế đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) xã đã quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân.
Đêm 13/9, Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc sét, gió giật mạnh.