Thành viên Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) chăm sóc cây ăn quả có múi.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh (TT&BVTV) trên các diện tích trồng cây ăn quả có múi (CAQCM) toàn tỉnh, sâu vẽ bùa tiếp tục gây hại mạnh trên diện tích kiến thiết cơ bản, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 2% lá, cao từ 5 - 10% lá làm cây quang hợp kém, gây vết thương cơ giới, tạo điều kiện cho vi sinh vật khác xâm nhiễm gây hại. Bệnh sẹo, loét tiếp tục gây hại trên các giống cam V2, Marrs..., ở các vườn trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, chúng gây hại mạnh vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh thối, nứt quả và rụng quả; ruồi đục quả; bệnh thán thư, chảy gôm, bệnh đốm đen, nhện đỏ, rệp... tiếp tục phát sinh gây hại mạnh trên các vườn cây CAQCM giai đoạn quả xanh vàng.
Hơn 2 tuần nay, trong vườn của gia đình bà Đinh Thị Út, xóm Tân Phú, xã Phong Phú (Tân Lạc), một số quả non xuất hiện những đốm nhỏ, tròn, vàng nhạt, có quả đốm lớn, màu nâu đậm. Vết bệnh hơi lõm vào, có thể khiến quả có vết nứt. Theo kinh nghiệm của bà Út, vườn bưởi đang bị bệnh thán thư gây hại. Do đó, để bảo vệ cây trồng, bà tiến hành ngay việc cắt bỏ các cành lá và quả bị bệnh, tập trung tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh tồn tại lan truyền. Tăng cường chăm bón giúp cây sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, tăng sức chống chịu bệnh; chuẩn bị thuốc để phun cho cây khi bệnh nặng hơn. Mùa mưa có phương án thoát nước nhanh khi mưa lớn, không để vườn quá ẩm thấp.
Ngoài CAQCM, hiện các đối tượng sâu bệnh hại tiếp tục phát sinh và gây bệnh trên các diện tích cây trồng vụ mùa, hè thu như: Sâu xanh bướm trắng, bệnh sương mai, thán thư, thối nhũn, rệp, chuột… tiếp tục gây hại nhẹ rải rác trên các vùng trồng rau với mật độ và tỷ lệ thấp. Sâu keo mùa thu gây hại trên 16 ha ngô tại huyện Lạc Thủy. Bệnh khảm lá sắn gây hại tại vùng ổ bệnh cũ, tổng diện tích nhiễm 75 ha.
Để bảo vệ năng suất cây trồng và quản lý tốt tình hình dịch hại vụ mùa, hè thu năm 2022, Chi cục TT&BVTV tỉnh yêu cầu các phòng, ban chuyên môn tại các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện triệt để theo chỉ đạo tại Văn bản số 2370/UBND-KTN, ngày 9/12/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn; Văn bản số 913/SNN-TTBVTV, ngày 15/4/2022 của Sở NN&PTNT về việc quyết liệt ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn; Văn bản số 1688/SNN-TTBVTV, ngày 24/6/2022 của Sở NN&PTNT về tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ hè thu năm 2022...
Theo đó, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo việc chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa đã cấy và các cây trồng cạn. Khuyến cáo nông dân phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc "4 đúng" tránh lây lan nguồn bệnh; hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ để bảo vệ thiên địch, hạn chế bùng phát sâu bệnh hại cuối vụ. Bón cân đối giữa đạm, lân, kali và bổ sung thêm phân bón lá, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng vàng lá, hạn chế sâu bệnh phát triển.
Hệ thống cung ứng thuốc BVTV theo dõi sát thông báo diễn biến tình hình sâu bệnh từ cơ quan chuyên ngành, chủ động cung cấp đầy đủ lượng thuốc đặc hiệu phù hợp với chủng loại dịch bệnh của từng địa phương.
Đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV cho biết: Cùng với việc khuyến cáo nông dân chú ý phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các địa phương chủ động kiểm tra đồng ruộng, lấy mẫu rầy lưng trắng gửi phân tích để kịp thời quản lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa. Trong các đợt nắng nóng kéo dài, cần giữ ổn định mực nước cho diện tích lúa mới cấy. Đối với những ruộng lúa bị nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ cần tháo cạn nước, làm cỏ sục bùn, bổ sung lân, vôi, phân chuồng hoai mục, cho nước vào khi lúa ra lá mới bón đạm để cây phát triển. Đặc biệt, yêu cầu đội ngũ cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát đồng ruộng, đảm bảo chất lượng công tác dự tính dự báo; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân...
Thu Hằng