Cao Phong là địa phương có quy mô sản xuất nông nghiệp (SXNN) chuyên canh lớn với các loại cây trồng đòi hỏi sự chăm sóc bằng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo môi trường trong SXNN ở địa phương.
Nâng cao ý thức người dân
Ngay sau khi hoàn thành việc pha thuốc và phun thuốc BVTV phòng, chống nấm cho vườn mía, anh Đinh Đức Lại, xóm Chẹo, xã Hợp Phong cùng vợ thu gom toàn bộ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV vừa sử dụng và các loại bao bì do người dân sử dụng trước đó đưa về bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, phân bón để đảm bảo môi trường. Anh Lại cho biết: Những năm trước, người dân sử dụng thuốc BVTV hầu như không có sự kiểm soát. Sau khi sử dụng xong, do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, một phần do không có nơi tập kết, thu gom tiêu hủy nên vỏ bao thuốc BVTV vứt bỏ bừa bãi ngoài môi trường hoặc được chôn lấp qua loa ngay tại bờ mương, chân ruộng, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống...
Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, hiện tại ở Cao Phong hầu như không còn tình trạng người dân vứt vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng ra ngoài môi trường. Với những cố gắng, nỗ lực của địa phương, nhất là từ việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về đảm bảo môi trường trong SXNN. Ngoài việc hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng thuốc BVTV trong SXNN thì các loại bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng xong được người dân tự giác thu gom về nơi tập kết để tiêu hủy.
Anh Cao Quân Xuân, xóm Nam Thành, xã Nam Phong chia sẻ: Được các cơ quan chức năng của xã, huyện tuyên truyền, phổ biến quy định về đảm bảo môi trường nông thôn, nhất là đảm bảo an toàn môi trường trong SXNN, người dân trong xóm đã đồng tình ủng hộ. Trong đó, đưa việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV vào nơi thu gom, tập kết trở thành quy định bắt buộc đối với các hộ dân. Đồng thời, bằng sự ủng hộ, đóng góp của các hộ dân, mỗi khu sản xuất của xóm được xây dựng ít nhất 1 bể chứa, khu tập kết rác thải nguy hại là vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong quá trình sản xuất.
Theo đồng chí Bùi Quang Bệ, Chủ tịch UBND xã Hợp Phong, toàn xã có 16 xóm, 100% xóm có hoạt động SXNN. Đến nay, 100% hộ đã được tuyên truyền đầy đủ các quy định về đảm bảo môi trường trong SXNN và chăn nuôi. Từ việc được tuyên truyền, nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của người dân được nâng lên. Trong quá trình sản xuất, người dân quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải nhựa, vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV. Ở các khu vực sản xuất của 16/16 xóm đều có bể chứa, khu tập kết rác thải nguy hại. Nhờ vậy, trong một vài năm trở lại đây, tại các khu vực sản xuất của xã đã chấm dứt tình trạng vỏ bao nilon, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng bị người dân vứt bỏ ra môi trường.
Nỗ lực hơn nữa trong bảo vệ môi trường
Theo đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, một trong những điểm nhấn trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác BVMT nói chung, môi trường trong SXNN trên địa bàn huyện nói riêng là công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức, hành động toàn diện của người dân trong việc tham gia BVMT thời gian qua.
Theo đó, huyện đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động trong công tác BVMT, phân loại, xử lý rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, tái chế, tái sử dụng rác thải. Bên cạnh đó, hàng tuần phát động phong trào "Toàn dân tham gia BVMT”, 100% xã, thị trấn, tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh tại các tuyến đường; thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng...
Hàng năm, UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện; công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh. Qua đó phát hiện, xử lý 1 hộ vi phạm quy định về BVMT ở xóm Nam Thành, xã Nam Phong trong quá trình chăn nuôi lợn đã xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra suối Nam Thành làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới huyện nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước cũng như truyền thông nâng cao hiệu quả công tác BVMT nói chung, BVMT trong sản xuất, chăn nuôi nói riêng. Bởi việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng xả rác không đúng quy định ra môi trường, sông, suối gây ô nhiễm và mất mỹ quan công cộng. Vấn đề ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi còn diễn ra ở hầu khắp các xã, thị trấn. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi và hộ có hoạt động chăn nuôi xây dựng hầm biogas rất thấp, chỉ gần 8%, còn lại xả thẳng nước thải ra môi trường không qua xử lý.
Mạnh Hùng