Cả nước có trên 42.000 trạm BTS, nhưng chỉ gần 26.000 trạm đã được kiểm định, chiếm hơn 60%, đó là con số được Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT, Bộ TT-TT đưa ra tại Hội nghị Quản lý và Phát triển các Trạm thu phát thông tin di động (BTS) do Bộ TT-TT tổ chức ngày 14-1.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng và Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã lắng nghe ý kiến của các Sở TT-TT, các doanh nghiệp về khó khăn trong phát triển các trạm BTS để chỉ đạo phương hướng giải quyết.

40% trạm BTS chưa được kiểm định

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT, Bộ TT-TT cho biết, còn 40% số trạm BTS chưa được kiểm định. Doanh nghiệp thực hiện việc kiểm định nghiêm chỉnh nhất lại là những nhà mạng nhỏ: tất cả 921 trạm BTS của S-Fone đều được kiểm định, EVN Telecom cũng có tới 98%. Trong ba nhà mạng lớn, Viettel có số trạm kiểm định cao nhất với gần 88%, MobiFone có 56% số trạm được kiểm định. Chỉ có 1.700 trong số gần 11.000 trạm BTS được kiểm định, VinaPhone là nhà mạng còn nhiều trạm BTS chưa được kiểm định nhất (84% chưa kiểm định).

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT-TT Hà Nội, tính đến tháng 11-2009, Hà Nội có 3.700 trạm BTS đang hoạt động, trong đó có 2.020 trạm đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Còn tại Thái Bình, ông Hoàng Minh Chính, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết tỉnh này có 573 trạm, nhưng chỉ có 77 trạm có giấy chứng nhận kiểm định.

Theo quy định, trong vòng 30 ngày, doanh nghiệp phải công bố sự phù hợp đối với trạm BTS. Tuy nhiên, theo ông Trung, trong thực tế số trạm BTS được kiểm định đăng ký công bố rất thấp, chỉ có 790 trạm BTS được công bố trong tổng số gần 26.000 trạm được kiểm định.

Trong khi Bộ khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp kiểm định trạm BTS lắp đặt tại cùng một vị trí thì theo các doanh nghiệp, chính đây là điểm khiến việc kiểm định trạm BTS trở nên chậm hơn. Thí dụ trên cùng một trạm BTS có ăng ten phát sóng của ba nhà mạng, nhưng chỉ có hai trong ba nhà mạng đăng ký kiểm định thì trạm BTS đó cũng chưa được cấp giấy chứng nhận. “Vì chúng tôi phải tổng hợp mức độ phát sóng của cả ba doanh nghiệp mới đưa ra được kết quả kiểm định. Trong khi đó, các nhà mạng lại muốn che giấu nhau các thông số của mình”, ông Trung giải thích. Vì thế, việc kiểm định cứ quẩn quanh mãi không thực hiện được.

Khiếu kiện kinh tế “nấp bóng” lý do sức khỏe

Mặc dù có nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế về vấn đề ảnh hưởng của các trạm BTS với sức khỏe con người như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban phòng chống bức xạ phi ion hóa – ICNIRP, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)… được công bố, nhưng đến nay Việt Nam chưa có một tài liệu chính thống nào về vấn đề này.

Kết quả nghiên cứu do WHO công bố tháng 5-2006 cho thấy: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”.

Giám đốc Sở TT-TT Nghệ An đã bày tỏ bức xúc của mình về vấn đề này: “Bản thân sóng điện từ có ảnh hưởng sức khỏe, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong bán kính thế nào là an toàn thì chưa được nói rõ, vì thế việc tuyên truyền tới người dân chưa đầy đủ, thiếu thuyết phục. Đề nghị Bộ cần xây dựng một bộ tài liệu đầy đủ về vấn đề này”.

Ông đã phải nghĩ ra một cách tuyên truyền bất đắc dĩ: đưa ra một “bằng chứng sống” cho dân, đó là một cán bộ bưu điện làm việc lâu năm dưới chân cột trạm thu phát sóng, nhưng ông vẫn có con cái, sức khỏe vẫn bình thường!

Theo một số đại diện sở TT-TT, vì chưa hiểu hết về trạm BTS nên nhiều người dân còn có ý kiến về sóng di động ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh, dẫn đến hành vi cản trở không cho xây dựng trạm BTS. Theo đại diện Sở TT-TT Hà Nội, qua kiểm tra cho thấy một số doanh nghiệp cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm định. Vì thế, nhiều công trình đã đi vào hoạt động khá lâu nhưng chưa được kiểm định, dẫn đến hiểu nhầm trong nhân dân, gây khiếu kiện, cản trở việc xây dựng trạm BTS.

Trong năm 2009, Sở TT-TT Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 12 đơn thư khiếu kiện về BTS, nhưng đây đều là những khiếu kiện kinh tế như: giá thuê đặt trạm của doanh nghiệp này 3 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp kia 3,5 triệu. Tuy nhiên, hầu như trong những khiếu kiện kinh tế này đều “lồng” lý do tác động của sóng di động đến sức khỏe để gây sức ép cho các doanh nghiệp.

Phát triển trạm BTS “vướng” nhiều chỗ

Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, dịch vụ viễn thông đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Đặc biệt trong năm 2010, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đi vào thực thi, công nghệ di động 3G được các nhà mạng triển khai, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia thị trường, dự báo số lượng trạm BTS sẽ tăng. Điều đó càng đặt ra vấn đề cấp thiết về quản lý và phát triển trạm BTS, làm sao vừa tạo điều kiện để thị trường viễn thông phát triển, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, theo phản ánh của các sở TT-TT và doanh nghiệp thì việc phát triển trạm BTS còn vướng rất nhiều.

Ông Tống Viết Trung, Giám đốc Công ty Viettel Mobile phàn nàn thủ tục xin cấp phép xây dựng trạm BTS còn rườm rà, phức tạp. Ông đưa ra thí dụ UBND quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai ở Hà Nội đều yêu cầu hồ sơ xin phép xây dựng trạm BTS phải có văn bản thỏa thuận của doanh nghiệp với UBND phường, xã sở tại về vị trí lắp đặt. Thời gian xử lý hồ sơ xin cấp phép xây dựng trạm BTS thường kéo dài, mỗi trạm lại phải xin một giấy phép nên số lượng trạm cần xin phép xây dựng là rất lớn. Năm 2009 vừa qua, Viettel chỉ được cấp phép 26 trạm trong số 89 hồ sơ xin xây dựng.

Tại Hội nghị, đề xuất của Giám đốc sở TT-TT Thái Bình Hoàng Minh Chính được rất nhiều đại diện sở TT-TT đồng tình. Đó là đề nghị Bộ TT-TT phối hợp Bộ Xây dựng sửa Thông tư 12/2007/BXD-BTTTT, trong đso xác định trạm BTS chỉ là công trình tạm, không phải là công trình kiên cố, nên dùng khái niệm “cấp phép lắp đặt” thay khái niệm “cấp phép xây dựng”. Nhờ thế, đối với đất công sẽ không phải có quyết định thu hồi đất để xây dựng trạm BTS.

Việc thuê đất tư để xây dựng BTS loại 1 lại cũng gặp khó khăn do đa số các hộ dân chưa có đầy đủ giấy tờ về quyền sử dụng đất do đó không đáp ứng được quy định của nhà nước về hồ sơ xin cấp phép xây dựng trạm BTS loại 1. Ông Minh cũng đề nghị nên dùng khái niện “thửa đất hợp pháp” thay thế “quyền sử dụng đất”.

Đại diện Sở TT-TT Lâm Đồng cho rằng, không phải chỉ thành thị mà nông thôn cũng phải xây dựng trạm BTS, trong khi đó Thông tư 12 chỉ điều chỉnh trong phạm vi đô thị. Nếu không quy định lại thì các trạm BTS ở nông thôn là không được xây dựng.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các sở TT-TT. Thứ trưởng cũng chỉ ra những bất cập trong việc quản lý và phát triển các trạm BTS như: Bất cập trong quy phạm pháp luật; các cơ quan chức năng còn chưa đồng thuận; tính tuân thủ của doanh nghiệp chưa cao; chưa làm tốt việc tuyên truyền tới người dân về sóng điện từ…

Để khắc phục những bất cập này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo, trong thời gian tới, các Sở TT-TT phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cần nghiêm túc chấp hành pháp luật của Nhà nước đã ban hành, đặc biệt tiếp tục tuyên truyền về vấn đề sóng điện từ của các trạm BTS không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…

Thứ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nên sử dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường trong việc xây dựng trạm BTS để giảm nhiễu sóng. Mặc dù điều đó sẽ làm các doanh nghiệp tăng chi phí đầu tư, nhưng đây là điều tất yếu trong kinh doanh. Ông cho biết, năm 2010, Bộ sẽ khen thưởng các doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai công nghệ thân thiện với môi trường.

                                                            Theo Báo Nhandan


Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Toàn tỉnh có 114.785 thuê bao điện thoại

(HBĐT) - Năm 2009, hệ thống bưu chính viễn thông của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển mạnh, số lượng thuê bao điện thoại tăng thêm 53.277 máy, bằng 129% so với cùng kỳ năm 2008; nâng tổng số điện thoại trên toàn mạng là 114.785 máy, đạt tỷ lệ bình quân trên 14,6 máy/100 dân.

GS Tạ Quang Bửu, vị 'trưởng lão' Khoa học VN

Bộ KH&CN đang kỷ niệm 50 thành lập, giới khoa học Việt Nam lại nhớ đến Giáo sư Tạ Quang Bửu, một nhà lãnh đạo chủ chốt từ thưở mới thành lập với tên gọi Ủy ban Khoa học Nhà nước. Và đặc biệt tưởng nhớ, kính trọng vị "trưởng lão" có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ trí thức nước ta.

VN đứng thứ 2 khu vực về tên miền quốc gia

Trung tâm Interner Việt Nam (VNNIC) hôm nay đã công bố Việt Nam đạt 100.000 tên miền quốc gia .vn, vươn lên vị trí thứ 2 (sau Singapore) trong khu vực ASEAN về số lượng tài nguyên tên miền.

Thị trường thông tin di động: Người cười, kẻ khóc

Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 8 mạng di động/khoảng 86 triệu dân, trong đó có một mạng di động ảo của Cty CP Đông Dương chưa đi vào hoạt động. Những năm qua, các mạng đã “đốt” hơn 170 triệu số thuê bao di động, nhưng số lượng thuê bao thực chỉ hơn 50 triệu.

Ba giải pháp sáng tạo được nhận giải thưởng WIPO

Theo đề nghị của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) nhân kỷ niệm 20 năm Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 1989-2009, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) đã quyết định trao ba giải thưởng cho Nhà sáng tạo xuất sắc nhất, Nhà sáng tạo nữ xuất sắc nhất và Nhà sáng tạo trẻ xuất sắc nhất.

Tập trung sức chống hạn vụ đông xuân

(HBĐT) - Vụ đông xuân 2009 - 2010, tỉnh ta có kế hoạch gieo trồng khoảng 16.000 ha. Tuy nhiên, điến thời điểm này, diện tích bị hạn đã lên đến 4.000 ha, trong đó có 500 ha lúa phải chuyển sang trồng màu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục