Mưa to làm ngập úng trên đường Trần Quang Khải, TP Hòa Bình.
(HBĐT) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân khu vực trung tâm của Thành phố Hoà Bình, nơi có chợ Phương Lâm cũ và chợ rau quả Nghĩa Phương thuộc các trục đường Chu văn An, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Tô Hiến Thành, Tăng Bạt Hổ, Điện Biên Phủ… luôn trong trạng thái lo âu mỗi mùa mưa tới.
Tình trạng ngập úng diễn ra như “cơm bữa” mỗi khi có đợt mưa nặng hạt làm cho tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến kinh doanh buôn bán, cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây. Không những vậy, nhiều vật dụng trong nhà như: giường, tủ, bàn, nghế, tủ đựng giầy… đều do làm bằng chất liệu gỗ ép nên mục rỗng bên dưới. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một người dân sống trên đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết: mỗi khi mưa to một chút là nước từ đâu đổ về đây tràn hết vào nhà cả mấy dãy phố, thậm chí có nhà hàng xóm chị Nguyệt phải xây cả tường ngăn cao 30 cm bên trong nhà nhưng có đợt mưa to quá, nước ngoài đường dâng cao vẫn tràn đầy vào nhà. Cũng theo chị Nguyệt, mỗi đợt nước tràn vào nhà, nếu gia đình nào có người ở nhà còn đỡ, chứ đi làm không về kịp đến ngay cả tủ lạnh cũng bị ngâm dưới nước nà nước ở đây có sạch gì cho cam, toàn là từ những cống rãnh dâng lên, đùn mọi loại rác rưởi ngoài chợ vào thẳng trong nhà.
Tận mắt chứng kiến cơn mưa nặng hạt vào cuối tháng 7 vừa qua tại khu vực chợ Phương Lâm cũ và chợ rau quả Nghĩa Phương, phường Phương Lâm mới thấy hết nỗi khổ của người dân nơi đây. Mưa nặng hạt gần 1 tiếng đồng hồ nhưng đã khiến hàng trăm nhà dân bị ngập nước. Tiểu thương thì bê hàng chạy toán loạn, nhiều người sống trên khu vực này còn gọi điện cho anh em, bạn bè từ nơi khác đến “cứu hộ”. Người bê những chiếc tủ lạnh lên trên giường, người lấy gỗ, giẻ lau ngăn trước cửa khỏi nước tràn vào nhà. Mải mê đằng trước quá, thế nào nước lại phun từ ống thoát nước trong nhà tắm, nhà vệ sinh ngược lên tràn hết vào bên trong, thành ra công cốc. Mọi người chỉ còn cách lấy chổi quét rác ngăn không cho trôi vào nhà. Phố xóm hò nhau ra bì bõm mò mẫm khơi thông cống, rãnh trên các trục đường nhưng vẫn chẳng ăn thua.
Nhiều người dân nơi đây cho biết, trước đây khu vực này chưa làm cống thoát nước còn đỡ, từ ngày được Nhà nước đầu tư làm cống xong tình trạng ngập úng mỗi khi mưa to còn diễn ra thường xuyên và tiêu nước kém hơn trước đây rất nhiều. Có những thời điểm mưa ngớt gần nửa tiếng đồng hồ mà mực nước chỉ rút có trên 10 cm. Không những vậy, ngay tại khu vực này còn có trường mầm mon Phương Lâm (TP Hòa Bình) với hàng trăm trẻ nhỏ. Có những buổi chiều, nước mưa làm ngập úng đến gần ngang thân, đi xe vào thì chết máy, đành lội bì bõm khiến cho nhiều hôm phụ huynh rất khó khăn trong việc đón trẻ về. Tìm hiểu được biết, tình trạng mỗi khi mưa to là ngập lụt tại khu vực chợ Phương Lâm cũ và chợ rau Nghĩa Phương diễn ra từ rất nhiều năm nay. Nguyên do mỗi khi trời mưa, nước mưa chảy từ nhiều nơi, cách cả km đổ dồn về đây. Trong khi đó, hệ thống thoát nước được xây dựng theo thiết kế thoát nước của KDC chứ không phải là cống thoát nước chính của cả khu vực. Do đó, mỗi khi mưa to, nước đổ dồn về đây, tình trạng ứ đọng, không thoát nước kịp.
Được biết, người dân bức xúc quá đã nhiều lần kiến nghị với các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục, cải tạo. Cũng theo một số người dân, phương án nào cũng thế thôi, nếu không làm một tuyến cống với thiết kế rộng gấp 2 – 3 lần như trục chính trên các đường Trần Hưng Đạo hay như đường Chi Lăng đang triển khai hiện nay thì tình trạng ngập úng tại những khu vực này còn kéo dài. Người dân nơi đây đang hàng ngày hàng giờ đang ngóng chờ một động thái cụ thể có trách nhiệm của chính quyền Thành phố!
H.T
(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, từ ngày 9 - 31/7, tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng CSGT, CSTT, TTGT, công an 2 huyện Lương Sơn, Tân Lạc đã ra quân kiểm soát, xử lý ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng trên tuyến QL 6, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Do chịu ảnh hưởng liên tiếp của hoàn lưu bão số 5, số 6 gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, tính đến ngày 10/8, toàn tỉnh có trên 300 ha lúa và trên 200 ha cây màu bị ngập úng. Để giảm thiểu mức độ thiệt hại do mưa bão gây ra đối với sản xuất, các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp chăm sóc, tăng khả năng phục hồi cho các loại cây trồng, nhất là các diện tích bị ngập và nhiễm bệnh do ảnh hưởng của mưa, bão gây ra
(HBĐT) - Khoảng 6 giờ ngày 13/8, người dân xóm Vế, xã Piềng Vế (Mai Châu) đã phát hiện phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã bị cháy. Ngay khi nhận được tin báo, Công an huyện Mai Châu phối hợp với các lực lượng chức năng đến hiện trường tiến hành khám nghiệm, điều tra vụ việc.
(HBĐT) - 7 tháng qua, UBND tỉnh đã cấp 15 giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) cho 15 đơn vị. Trong đó, cấp mới 4 giấy phép, cấp điều chỉnh 4 giấy phép và cấp lại 7 giấy phép. Có 13 giấy phép sử dụng để khai thác khoáng sản, 2 giấy phép sử dụng để thi công các công trình.
(HBĐT) - Vừa qua, trên địa bàn 2 xã Phúc Sạn, Tân Mai (Mai Châu) xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bị chết hàng loạt do ngộ độc môi trường nước. Hàng chục ngư hộ nơi đây lâm vào tình cảnh khó khăn bởi gần như toàn bộ vốn liếng đều đã đầu tư đổ dồn vào lồng cá.
Vào biển Đông, siêu bão Utor tiếp tục mạnh lên, đạt gần 170 km/h (cấp 14). Cơn bão với vùng ảnh hưởng rộng hàng trăm km khiến vịnh Bắc Bộ hứng chịu cấp gió nguy hiểm từ ngày mai, 14/8.