Để có nước sạch sinh hoạt, hộ ông Bùi Văn Nhựn, xóm Chất, xã Phú Lương (Lạc Sơn) đã phải chi 1 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ đối với gia đình ông cũng như người dân trong xóm.
(HBĐT) - Công trình cấp nước sạch sinh hoạt xã Phú Lương (Lạc Sơn) được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2014 trong sự hồ hởi, phấn khởi của người dân. Tuy rất cần nước, mong nước sạch nhưng đến nay nhiều hộ vẫn ngậm ngùi nhìn ống nước chạy qua nhà vì chi phí lắp đặt quá cao so với thu nhập, mức sống của họ.
Công trình được khởi công xây dựng tháng 1/2013 với tổng mức đầu tư trên 14, 9 tỷ đồng, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia NS &VSMTNT, phục vụ cho 5.500 người dân của 20/25 xóm. Công trình đã hoàn thành và được bàn giao cho UBND xã Phú Lương quản lý và vận hành sử dụng từ tháng 12/2014.
Ban đầu, người dân nơi đây khá háo hức, hơn 900 hộ đã đăng ký lấy nước. Nhưng khi nước dẫn về các hộ, họ lại lắc đầu ngao ngán vì chi phí lắp đồng hồ quá cao so với thu nhập của mỗi gia đình.
Ở xóm Chất, một trong những xóm khó khăn nhất, trên 44% hộ thuộc diện nghèo, thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng /người/năm, có dự án nước sạch người dân rất phấn khởi, cả xóm đăng ký lấy nước. Nhưng khi xã thông báo lắp đồng hồ kéo nước về hộ dân với phí lắp đặt 850.000 đồng (gồm: 1 đồng hồ, 20 m đường ống, 1 van đồng) cộng 25.000 đồng mua van khóa nước bằng nhựa thì chỉ có gần một nửa số hộ đăng ký có đủ tiền để lắp đặt.
Để có nước sạch dùng, hộ gia đình ông Bùi Văn Nhựn phải nộp 875.000 đồng. Ngoài ra, gia đình còn phải mua thêm 5m đường ống nối từ ống ngầm vào đồng hồ và gần 30 m đường ống nước với giá 3.000 đồng /m, tổng chi phí ngót 1 triệu đồng. Ông cho biết, đó là mức quá cao, gia đình phải cố gắng lắm mới lắp được vì rất cần nguồn nước sạch để dùng. Ông Bùi Văn Huy, Trưởng xóm Chất chia sẻ, nhu cầu về nước sạch rất thiết thực và người dân hưởng ứng, trông chờ, vấn đề chỉ là chi phí lắp đặt quá cao so với thu nhập nên họ không đủ tiền mua.
Ông Bùi Văn Nhiến, Trưởng xóm Trám cho biết: “Hiện cả xóm mới có 22/66 hộ lắp đồng hồ nước, mặc dù trước đó, gần 100% hộ đăng ký”. Ở xóm Thếnh thì thực trạng này còn rõ hơn, xóm có 54 hộ nhưng không hộ nào lắp đồng hồ nước, trong khi đường ống ngầm đã đến khắp xóm.
Không chỉ phản ánh về vấn đề phí lắp đặt nước, các trưởng xóm còn cho biết một số bất cập trong quá trình thiết kế và thi công. Những đường ống ngầm nằm ngay rãnh thoát nước của các con đường. Trong khi đó, theo quy hoạch về xây dựng NTM, xã Phú Lương đã tiến hành cắm mốc mở rộng đường lên 9 m, do vậy, đường ống ngầm này trong tương lai sẽ nằm giữa lòng đường và việc sửa chữa (nếu có hỏng hóc) sẽ tiến hành ra sao?
Trao đổi về những vấn đề trên, đồng chí Bùi Văn Vót, Chủ tịch UBND xã Phú Lương xác nhận, nhu cầu nước sạch đặt ra là rất cần thiết đối với xã và những thắc mắc của người dân về chi phí lắp đặt là có. Tuy có cao so với thu nhập của người dân nhưng quan trọng là giá trị sử dụng lâu dài. Việc người dân so sánh giá với khu vực lân cận là không có cơ sở.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để giúp người dân có điều kiện dùng nước sạch, xã đã đưa ra biện pháp cho người dân trả trước 50%. Tuy nhiên ở 3 xóm mà chúng tôi tìm hiểu, các trưởng xóm đều khẳng định chưa có văn bản hay thông báo nào gửi về xóm. Một công trình được đầu tư gần 15 tỉ đồng, nước đã chảy đến các xóm, nhưng chỉ vì sự thiếu thống nhất về chi phí lắp đặp giữa chính quyền cơ sở và người dân mà hiệu quả của công trình đối với đời sống dân sinh chưa được phát huy. Từ thực trạng trên cho thấy, đã đến lúc cần có tiếng nói chung giữa chính quyền và người dân để công trình nước sạch được sử dụng, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho người dân.
Cao Viết Đào
(Lớp Báo in K31A1 - Học viện BC &TT)
(HBĐT) - Chiều 1/4, Sở NN&PTNT đã tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng dự án sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Mỹ (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Ngày 1/4, BCĐ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
(HBĐT) - Sáng 31/3, Sở NN&PTNT đã tiến hành nghiệm thu, bàn giao đưa công trình cấp nước sinh hoạt xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) vào sử dụng.
(HBĐT) - Ngày 31/3, Công ty Điện lực Hòa Bình tổ chức hội nghị riển khai chương trình hóa đơn điện tử với sự tham dự của trên 70 khách hàng tiêu biểu đại diện cho 200.000 khách hàng sử dụng điện toàn tỉnh.
(HBĐT) - Cây dổi phân bố khá phổ biến trong các khu rừng á nhiệt đới thường xanh ở độ cao 700 - 1.500 m. Chúng thường mọc trên các sườn phía đông và đông - nam của các đồi đất, trên các loại đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ, bazơ…. Lúc nhỏ, cây là loại cây trung tính, lớn lên là cây ưa sáng, thường vươn lên chiếm tầng cao nhất của rừng. Cây dổi đem lại giá trị kinh tế rất cao, hạt dổi được chế biến thành một loại gia vị và thuốc chữa bệnh đau họng, hạ sốt. Nhận thấy đây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao cộng với lợi thế và điều kiện tự nhiên phù hợp nên người dân ở xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đang triển khai mở rộng diện tích trồng dổi để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống.
(HBĐT) - “Đề án điều chỉnh diện tích Vườn quốc gia Ba Vì (VQG Ba Vì) tại tỉnh Hòa Bình” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2371/QĐ-TTg ngày 26/12/2014. Theo đó, tổng diện tích VQG Ba Vì được điều chỉnh về tỉnh ta quản lý là 1.114,46 ha, thuộc huyện Kỳ Sơn, bao gồm xã Yên Quang 781,56 ha và xã Phú Minh gần 333 ha.