(HBĐT) - Gần 5 năm tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi bò sữa, gia đình ông Chu Văn Sâm ở thôn Đồng Danh, xã Phú Thành (Lạc Thủy) đã trở thành hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) với mức thu trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm.
Lãnh đạo huyện Lạc Thủy và đoàn công tác thăm cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tiến Thủy tại xã Hưng Thi.
Ông Chu Văn Sâm cho biết, năm 2019, gia đình được Hội Nông dân huyện giới thiệu tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nên mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi bò sinh sản sang nuôi bò sữa với quy mô 20 con. Thời điểm đầu cũng băn khoăn, lo lắng nhưng với những kiến thức và kỹ năng được truyền dạy, kết hợp kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi bò sinh sản, vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm, gia đình đã từng bước duy trì ổn định đàn vật nuôi. Đến nay, tổng đàn bò sữa tăng lên gần gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu. Từ ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài với Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), gia đình càng yên tâm sản xuất. Không riêng nhà ông, đến nay, toàn xã có 4 trang trại chăn nuôi bò sữa hoạt động hiệu quả. Các trang trại đều ký kết hợp đồng tiêu thụ lâu dài với Vinamilk, từ đó đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Tại huyện Lạc Thủy, phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được triển khai rộng khắp đã tạo động lực cho phát triển KT-XH, góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong 5 năm (2018 - 2023), toàn huyện có 30.378 lượt hộ nông dân đăng ký SXKDG, trong đó 17.284 lượt hộ được công nhận danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Đáng ghi nhận là từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng. Trên thực tế, việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đã góp phần đắc lực giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao mức thu nhập cho người dân, tạo động lực để huyện hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Theo UBND huyện Lạc Thủy, tính đến thời điểm cuối năm 2022, 8/8 xã của huyện đã đạt tiêu chí số 10 với thu nhập bình quân đầu người đạt 72,43 triệu đồng/năm, khu vực nông thôn đạt 60,11 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 3/8 xã đạt tiêu chí nghèo đa chiều (tiêu chí số 11); 5 xã còn lại tỷ lệ nghèo đa chiều trên 13% đang tiếp tục phấn đấu đạt tiêu chí quan trọng này.
Riêng tiêu chí về lao động, đến nay, 8/8 xã đã đạt với kết quả: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt 100%; thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực nông thôn đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy nhấn mạnh: Có được kết quả này là do huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, ưu tiên việc nâng cao trình độ sản xuất của người dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn... Đến nay, toàn huyện có 4/8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện phấn đấu đến cuối năm 2023, số tiêu chí trung bình mỗi xã đạt từ 17,88 tiêu chí/xã trở lên; số tiêu chí NTM nâng cao trung bình đạt 11,33 tiêu chí/xã. Cùng với quyết tâm nâng cao chất lượng và duy trì sự bền vững của các tiêu chí NTM, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được huyện xác định là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân, hướng tới mục tiêu cuối cùng và cao nhất là nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Thu Trang