Với việc chú trọng đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp và tích cực triển khai các phiên giao dịch việc làm lưu động về cơ sở, huyện Kim Bôi đã giải quyết được nhiều việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ước trong năm 2024, huyện tạo việc làm mới cho 2.240 lao động, đạt 100% chỉ tiêu giao, trong đó có gần 100 lao động tham gia chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 250% kế hoạch.


Đoàn viên, thanh niên, học sinh tìm hiểu thông tin việc làm ngoài nước và du học Nhật Bản tại phiên giao dịch việc làm lưu động xã Kim Bôi (Kim Bôi).

Tập trung triển khai vào những tháng cuối năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã mở 30 lớp với gần 1.000 học viên theo học. Bên cạnh các lớp nghề về chăn nuôi, trồng trọt, trung tâm tổ chức đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp qua nắm bắt nhu cầu người học và yêu cầu của thị trường lao động, như: nghề mây giang đan, thêu ren, nấu ăn, du lịch, may công nghiệp. Kết quả khảo sát có trên 85% người lao động có việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sau đào tạo, hầu hết người tham gia các lớp học về nông nghiệp vận dụng được kiến thức vào công việc của gia đình. Không ít lao động trong số đó mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng đáng kể giá trị thu nhập.

Từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện triển khai 10 phiên giao dịch việc làm lưu động ở các xã. Thông qua tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa, đài phát thanh, xe lưu động, trang mạng xã hội đã thu hút đông đảo người lao động, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân. Huyện cũng phối hợp, tạo cầu nối để các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng việc làm trong nước, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tham gia các phiên giao dịch để trực tiếp thông tin thị trường, giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động. Đây còn là cơ hội để người lao động của địa phương, nhất là lao động sinh sống ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhà tuyển dụng, nắm bắt nguồn thông tin hữu ích về vị trí tuyển dụng, mức lương, môi trường làm việc, thu nhập… để cân nhắc, lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và điều kiện gia đình.

Đồng chí Quách Công Sơn, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi cho biết: Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức là kênh quan trọng, phát huy vai trò thúc đẩy giải quyết việc làm. Trong khuôn khổ các phiên giao dịch, nhiều lao động đã đăng ký tham gia thị trường việc làm trong nước và nước ngoài. Một số doanh nghiệp Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) cũng đến giới thiệu, tư vấn, tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền theo nhóm nhỏ, hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm ở các xóm, xã được triển khai, trọng tâm là tư vấn, giới thiệu việc làm XKLĐ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tính đến cuối tháng 11, toàn huyện đã có 81 lao động xuất cảnh trong năm, vượt chỉ tiêu giao. Mặt khác, hàng trăm lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số các xã: Kim Bôi, Kim Lập, Sào Báy,  Hợp Tiến… được Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, cấp bò giống, gà giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi… để cải thiện sinh kế bền vững. Nhiều người được tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn chính sách cho vay ưu đãi, giúp thuận lợi khi tham gia thị trường lao động. 

Những giải pháp đồng bộ, kịp thời tác động vào kết quả giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội     tại địa phương. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kim Bôi ước giảm còn 8,9%. Trên địa bàn có một số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về tích lũy vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh ngành nghề dịch vụ. Nhiều lao động đang làm việc ở các thị trường thu nhập hấp dẫn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… giúp thay đổi cuộc sống của gia đình và bản thân. Nhờ hướng đi đúng đắn, XKLĐ ngày càng có nhiều lao động tham gia, thúc đẩy giải quyết việc làm, mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.   

Bùi Minh

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động

Trong 10 tháng năm 2024, công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của thành phố Hòa Bình tiếp tục khởi sắc. Qua các kênh của doanh nghiệp có chức năng tư vấn, giới thiệu, tuyển dụng đã đưa 112 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điểm sáng xuất khẩu lao động ở xã Thanh Sơn

Xã Thanh Sơn (Lương Sơn) đang trên đà khởi sắc về diện mạo cơ sở hạ tầng nông thôn mới, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Theo đồng chí Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh sự quan tâm về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, người dân địa phương có ý thức chủ động vươn lên, nhanh nhạy lựa chọn phương cách làm giàu. Trong đó, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là mục tiêu được nhiều lao động xác định tạo ra những thay đổi cuộc sống mang tính bước ngoặt.

Công ty cổ phần quốc tế Việt Nam Hòa Bình tăng cường tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài

Với bề dày nhiền năm hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, Công ty CP quốc tế Việt Nam Hòa Bình (phường Thống Nhất, TP Hòa Bình) đã giới thiệu, hỗ trợ nhiều lao động của tỉnh, chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn tham gia thị trường xuất khẩu lao động với công việc ổn định, mức thu nhập hấp dẫn.

Thanh niên xã Tân Pheo tích cực tham gia thị trường việc làm ngoài nước

Nếu chỉ dựa vào điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương mà không tự tìm kiếm công việc bên ngoài, đời sống kinh tế, thu nhập gia đình sẽ mãi bấp bênh. Với suy nghĩ đó, nhiều lao động trẻ ở xã Tân Pheo (Đà Bắc) lựa chọn đi làm ăn xa tại các khu, cụm công nghiệp ngoại tỉnh. Trong vài năm gần đây, một số người quyết định tham gia thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) với chế độ đãi ngộ và thu nhập hấp dẫn.

Chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản thu hút lao động trẻ huyện Cao Phong

Năm 2023, anh Bùi Văn Dũng (SN 1990) ở xã Hợp Phong chọn hướng thoát nghèo bằng con đường XKLĐ tại Nhật Bản theo đơn hàng xây dựng. Điều kiện kinh tế khó khăn nên để dồn đủ tiền làm thủ tục xuất cảnh, anh Dũng phải vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sau thời gian ngắn nhận mức lương cơ bản 20 triệu đồng/tháng, anh Dũng được giao thêm việc, đồng thời đạt mức thu nhập bình quân đảm bảo từ 33 - 35 triệu đồng/tháng. Cùng năm, vợ anh Dũng cũng tham gia thị trường lao động Nhật Bản theo đơn hàng điện tử, mong muốn với 3 năm làm việc có thời hạn theo hợp đồng tích lũy được khoản tiền lo cho cuộc sống gia đình, tương lai con cái về sau.

Dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên ở cơ sở cai nghiện ma tuý

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cơ sở cai nghiện ma tuý công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gồm Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1 tại phường Dân Chủ (TP Hoà Bình) và Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2 tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho học viên, 2 cơ sở đặc biệt quan tâm đến công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho học viên tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục