Xuất khẩu lao động trở về, anh Quách Đức Toàn ở thôn Cáp, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) xây dựng nhà cửa khang trang và có vốn đầu tư kinh doanh sân bóng nhân tạo.
Ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, sân vườn rộng rãi nằm trên trục đường cái là một phần thành quả mà anh Quách Đức Toàn (SN 1994) ở thôn Cáp có được trong 6 năm đi XKLĐ. Anh Toàn chia sẻ: "Bên thị trường Đài Loan, tôi đi theo đơn hàng điều khiển máy tiện, máy phay ở một cơ sở sản xuất. Nhờ chịu khó và sớm bắt nhịp với công việc nên tay nghề ngày càng vững, thu nhập của tôi duy trì từ 30 - 35 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ mọi chi phí. Về nước từ đầu năm 2024, tôi dùng số vốn tích lũy để phát triển kinh tế. Cụ thể là đầu tư sân bóng nhân tạo trên lô đất tiếp giáp nhà để kinh doanh lâu dài, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của giới trẻ. Dự kiến ít ngày nữa sân bóng sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động”. Hiện nay, vợ anh Toàn là Nguyễn Thị Mai Chi (SN 1996) cũng đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài với đơn hàng chăm sóc sắc đẹp tại Singapore. Gia đình anh bàn tính sau khi kết thúc hợp đồng, vợ anh sẽ về mở cơ sở làm đẹp tại địa phương để tiện chăm sóc con nhỏ, quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình.
Nhiều người lao động ở các thôn: Cát, Thăng, An Thịnh, Thanh Hà… sau khi hết hợp đồng làm việc ở nước ngoài đã dùng số tiền tích lũy được để cải thiện cuộc sống gia đình, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Điển hình như ở thôn Cáp có 1 trường hợp là 2 anh em trong gia đình, 2 cặp vợ chồng cùng đi XKLĐ tại thị trường Đài Loan, khi trở về mở rộng xưởng sản xuất đồ gỗ, dịch vụ cho thuê xe du lịch…
Trong vài năm gần đây, chương trình đi làm việc ngoài nước phát triển thành phong trào khá sôi nổi tại địa phương. Theo đồng chí Bùi Thu Hiền, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã, có những thôn như Cáp, An Thịnh thu hút khá đông lao động đi XKLĐ. Hiệu quả kinh tế từ chương trình thấy rõ khi nhiều lao động làm việc ở nước ngoài gửi ngoại tệ về cho gia đình xây nhà cửa khang trang; lao động về nước đều có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; không ít lao động có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã trang trải hết món vay đi XKLĐ và có sự tích lũy ngay ở năm đầu nhờ mức thu nhập tốt ở thị trường nước ngoài.
Qua rà soát, thống kê từ các thôn, toàn xã Thành Sơn có 32 lao động tham gia chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đông nhất là các thôn Cáp, An Thịnh. Ngoài thị trường làm việc chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản thì gần đây có một số lao động xuất cảnh sang Austraylia, Singapore, tuy chi phí xuất cảnh cao hơn nhưng đổi lại thu nhập của người lao động có thể cao gấp 2 - 3 lần thị trường các nước trong khu vực. Các trường hợp mới xuất cảnh năm 2024, như: Hà Công Tuấn Anh, Bùi Văn Quảng, Bùi Ngọc Anh, Quách Thúy Hằng, Hoàng Hải Linh ở thôn Cáp; Nguyễn Thị Thùy Linh ở thôn An Thịnh…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Công tác XKLĐ trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững ở địa phương. Toàn xã có 9 thôn, trong đó 2 thôn Thanh Hà và Dẻ Cau không còn hộ nghèo. Năm 2024, xã đạt bình quân thu nhập đầu người 52 triệu đồng.
Bùi Minh