(HBĐT) - Đại hội lần thứ VI của Đảng diễn ra từ ngày 15 - 18/12/1986 tại Thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Có 32 đoàn đại biểu quốc tế dự.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh chung: Hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng, khó khăn nghiêm trọng. Phong trào độc lập dân tộc phát triển mạnh; phong trào không liên kết trở thành lực lượng chính trị rộng lớn, có vai trò ngày càng quan trọng.
Hố ngăn cách giữa các nước tư bản phát triển và các nước đang phát triển ngày càng sâu rộng. Sự bóc lột ngày càng nặng nề của các nước đế quốc chủ nghĩa khiến nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latinh ngày càng bần cùng và nợ nần chồng chất. Phong trào công nhân của các nước tư bản có bước phát triển mới.
Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn ra mạnh mẽ, tạo thành bước phát triển nhảy vọt của lực lượng sản xuất và đẩy nhanh quá trình quốc tế hoá các lực lượng sản xuất.
Trong nước tiếp tục xây dựng CNXH, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới XHCN gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, 10 năm đầu tiên của thời kỳ quá độ, nền sản xuất cũ, hậu quả của các cuộc chiến tranh, tàn dư của chế độ cũ đã cản trở sự phát triển của đất nước. Chúng ta chưa tiến xa được mấy so với điểm xuất phát quá thấp. Những sai lầm và khuyết điểm đã mắc phải càng làm cho tình hình thêm khó khăn.
Quyết tâm đổi mới: Ðại hội lần thứ VI đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức. Với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", đại hội khẳng định những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, đồng thời chỉ rõ: Tình hình KT-XH có những khó khăn gay gắt: sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; tài nguyên của đất nước chưa được khai thác tốt; lưu thông không thông suốt, phân phối rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất XHCN chậm được củng cố; đời sống Nhân dân, nhất là công nhân, viên chức còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển.
Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Ðại hội lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình KT-XH, ổn định đời sống Nhân dân.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn tình hình của đất nước, đại hội nghiêm khắc tự phê bình về những sai lầm, khuyết điểm. Ðổi mới tư duy, nhận thức rõ hơn về những quy luật khách quan của thời kỳ quá độ, kế thừa những thành tựu và kinh nghiệm xây dựng CNXH ở miền Bắc và những năm đầu khi nước nhà thống nhất, trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, đại hội đề ra đường lối đổi mới.
Ðại hội xác định: Ðảng phải trưởng thành về lãnh đạo chính trị, phát triển và cụ thể hóa đường lối, đề ra những giải pháp đúng đắn đối với những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Ðể tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức thực tiễn của mình, Ðảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác.
Ðại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Ðiều lệ Ðảng cho phù hợp tình hình mới.
Ðổi mới toàn diện thật sự là ý Ðảng, lòng dân. Nghị quyết Ðại hội VI vào cuộc sống là quá trình thể nghiệm, tìm tòi, từng bước cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện những định hướng lớn. Ðảng và Nhà nước vừa tập trung giải quyết những vấn đề KT-XH cấp bách, giữ vững ổn định chính trị, vừa thực hiện đổi mới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tình hình kinh tế và đời sống Nhân dân dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của Nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên.
Ðại hội bầu BCH T.Ư gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Ðảng. Các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Lê Ðức Thọ được giao trách nhiệm là cố vấn BCH T.Ư Ðảng.
(Còn nữa)
P.V (TH)
Sáng 6/1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XIII của Đảng đã họp phiên thứ sáu. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng tiểu ban, chủ trì Phiên họp.
(HBĐT) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 - 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt hơn 760 nghìn đảng viên.
(HBĐT) - LTS: Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 6/1 - 7/2/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
(HBĐT) - Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Là năm mà cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân phải gồng mình vượt khó do dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với phát triển kinh tế.
Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) năm 2021. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Bàn thảo, quyết định để bầu ra cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự) luôn là nội dung đặc biệt quan trọng của mỗi kỳ đại hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.