Phụ nữ Mường Vang bên khung cửi.
(HBĐT) - Bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng. Cái lạnh đầu đông đã kéo cả gia đình tôi xum họp quanh bếp lửa. Tôi lại có dịp được nghe bà kể chuyện cổ Mường Vang, Mường Vó; chuyện ngày xưa bà và mẹ ngồi dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, những mền chăn ấm áp.
Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ, đã là con gái Mường, ai cũng biết dệt, nếu không biết dệt thì không thể lấy chồng. Trước khi về nhà chồng, người con gái Mường Vang - Mường Vó phải tự tay mình dệt từ 10 - 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng để thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ. Vì thế ở nơi đây, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, con gái 13, 14 tuổi đã thành thạo nghề.
Trước kia, nghề dệt thổ cẩm được người phụ nữ Mường làm trong lúc nông nhàn và dệt chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình là chính nên thổ cẩm Mường rất khó lọt ra bên ngoài. Để dệt nên một cạp váy, một vỏ chăn, các mế phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bắt đầu từ trồng dâu, nuôi tằm rồi trồng bông, “ít vải” rất vất vả. Dậy từ tinh mơ gà gáy để đi hái dâu, khi tằm vào “kén” làm tổ thì mang kéo tơ “triết thằm”. Tôi đã đôi lần có dịp được nhìn các mế kéo tơ, ngồi bên bếp lửa nhà sàn, mế đã bảo chúng tôi: Làm con gái Mường thì phải học dệt vải “chuông bải” nếu không sau này chỉ có ế chồng. Tôi bảo với mế rằng, mế không phải lo, sau này, chúng con đi ra chợ mua. Mế buồn lắm, mế lo sau này không còn ai biết đến cái quay sợi, khung cửi.
Tằm ăn lá dâu cho sợi vàng óng, tằm ăn lá sắn cho sợi trắng ngà. Khi kéo tơ xong, các mế phải rà lại chỉ “khách chỉ” để cho chỉ thật đều sợi, sau đó đem đồ rồi ngâm vào nước lá “có” cho mềm chỉ. Muốn có tấm thổ cẩm đẹp, hoa văn rực rỡ mang chỉ đi nhuộm màu, người ta thường sử dụng nguyên liệu là các loại cây trong rừng. Màu đỏ là cây bang, màu vàng lấy từ cây nghệ, vàng đậm hơn thì nhuộm “bông khù”, màu đen lấy từ cây chàm…Chỉ được cho vào xa “đánh ống bàn”, mế đã dạy tôi phải quay tay thật đều, mỗi ống chỉ quay xong nhìn rất đẹp giống như một quả trám nhiều màu sắc rực rỡ.
Khi cả nhà nghỉ trưa, các mế lại bắt tay vào mắc cửi “vách bải”. Trẻ con chúng tôi rất thích xem và luôn chạy theo các mế vòng quanh chỉ vào hai cột nhà sàn. Những sợi chỉ trắng ở các ống được cho vào một cái bàn khung gồm 12 ống rồi quấn vào hai cột nhà sàn ở hiên. Công việc này đòi hỏi phải có 2 - 3 người. Một người cầm cán quấn vải, một người “sỏ khổ” và chải vải. Các mế thường dùng bàn chải bằng lông con lợn lòi. Để cho sợi suôn, mềm và không bị rối, đem nướng hạt “hồ lai” rồi trà vào bàn chải.
Sau khi đã hoàn tất các khâu chuẩn bị mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản, một ngày có thể dệt được từ 7- 10 m, nếu dệt các loại hoa văn, thì ngày chỉ được 2- 3 m. Dệt bằng tay nên vải cứng hay mềm, chặt hay lỏng là tùy theo ý của người dệt. Hoa văn trên thổ cẩm của con gái Mường Vang - Mường Vó là những hình cách điệu từ con chim, con rồng, con công, quả trám… gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người xứ Mường. Thổ cẩm rất bền, mặc đến sờn mà sợi chỉ vẫn không bị xô, nhão. Thổ cẩm của người Mường Vang – Mường Vó cũng giống như các bản Mường khác, luôn mang đậm màu sắc hoa văn của núi rừng, thiên nhiên...
Mai Thanh
( Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình)
(HBĐT) - Đồng bào Dao chiếm một bộ phận trong cộng đồng dân tộc của tỉnh ta, phân bố hầu hết ở các huyện, thành phố, nhưng tập trung nhiều ở các vùng núi thuộc huyện Kim Bôi, Đà Bắc.
(HBĐT) - Cuộc sống của người Tày thường gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh.
(HBĐT) - Trong đời sống, sinh hoạt của người Mường Hoà Bình, ngôi nhà sàn là một phần quan trọng nhất. Nếp nhà không chỉ là nơi che chở, nghỉ ngơi của đồng bào mà còn chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hoá riêng, độc đáo.
(HBĐT) - Có một lớp học được dựng nên bởi tâm huyết của nhiều người mong muốn bảo tồn và phát huy nét độc đáo của văn hoá dân tộc. Nghệ nhân truyền dạy hay thế hệ sau khi đến lớp học đều mang trong mình tinh thần tự nguyện và lòng yêu mến, say mê.
(HBĐT) - Trong các loại hình nghệ thật dân gian truyền thống, hoạt động diễn xướng của người Mường trong các nghi lễ, lễ hội và đời thường luôn kèm theo các điệu múa, trong đó có nhiều loại hình múa dân gian sinh động. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, nhiều giá trị múa truyền thống của người Mường đã bị mai một.
(HBĐT) - Ngày 9/4, huyện Tân Lạc đã tổ chức tổng kết 2 lớp học nhạc cụ dân tộc tại xóm Bui, xã Mãn Đức và xóm Mùn, xã Địch Giáo.