(HBĐT) - Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập đến những sai phạm trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, bảo vệ rừng, vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đô thị… ở một vài địa phương gây ít nhiều sự quan tâm của Nhân dân. Điều khá lạ lùng như báo chí nêu là các sai phạm cứ lặp đi lặp lại với những thủ đoạn không có gì mới, cũng là lấn chiếm, cũng là không phép, sai phép, cũng là kiểm tra, thanh tra xử phạt yêu cầu chấm dứt, đình chỉ… Tuy nhiên, nhiều sai phạm của tổ chức, cá nhân cứ thế ngang nhiên tồn tại kéo dài từ năm này qua tháng khác, thách thức dư luận và Nhân dân.

Nhiều chiến dịch ra quân xử lý lập lại trật tự của các cơ quan quản lý nhưng xong mọi chuyện lại đâu vào đấy, phải chăng tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa” đã phản ánh sự bất lực của bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước mà người đại diện trong bộ máy ấy chính là các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý. Đi tìm câu trả lời, Sổ tay người giám sát nhận thấy thực trạng thông tin mà báo chí nêu tuy không phổ biến, song cũng không phải hiện tượng cá biệt ở một ngành hay một địa phương mà như là một "lỗi hệ thống”.

Công bằng mà nói, ở tầm vĩ mô, hệ thống các quy định của pháp luật nước ta mặc dù được liên tục hoàn thiện nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, nên đâu đó còn có những điểm bất hợp lý, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, làm cho tính khả thi và áp dụng pháp luật trong thực tiễn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó là nhận thức, sự hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận cá nhân trong xã hội còn hạn chế, trong đó đáng phê phán là thái độ coi thường, thách thức pháp luật.

          Tuy nhiên, về chủ quan có thể thấy tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa” trong xử lý các vi phạm lại chủ yếu từ việc xác định trách nhiệm không rõ ràng của các cơ quan và người lãnh đạo, quản lý, nên dễ dàng nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại hoặc đùn đẩy trách nhiệm, cho rằng trách nhiệm đó là của "bên chính quyền”, "bên Đảng”, của cấp trên hoặc cấp dưới chứ không phải của mình. Chính vì vậy, sai phạm ở một số nơi chậm được phát hiện và xử lý triệt để. 

 Cần bịt lỗ hổng trong cơ chế trách nhiệm tập thể bằng cá thể hoá trách nhiệm người đứng đầu, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân, xây dựng vị trí việc làm gắn với trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền đi đôi với tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cấp, các ngành. Trong xử lý vi phạm phải đi đôi xem xét trách nhiệm cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu để xử lý triệt để, tận gốc các vi phạm được ví như "bắt cóc bỏ đĩa” nêu trên.  

Nghiên cứu các quy định của Đảng, để xử lý trách nhiệm cá nhân cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017, trong đó quy định cấu thành các hành vi thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, cụ thể:

"Thiếu trách nhiệm: Là việc đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao không đầy đủ; không thực hiện đúng nguyên tắc, chế độ, thủ tục, quy trình, quy phạm; không đúng tiêu chuẩn, điều kiện hoặc thời gian theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công việc cụ thể đó.

 Buông lỏng quản lý: Là việc đảng viên có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không chấp hành quy định của cấp trên; không ban hành các quyết định, quy chế, quy định, quy trình; không có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý”.

Từ quy định này có thể thấy địa phương, đơn vị để xảy ra các vi phạm là hệ quả của việc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của mình, không hoặc thiếu chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát… Lỗi này trước hết thuộc trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý, song đó cũng có thể là lỗi của cá nhân người đứng đầu, của cá nhân cán bộ, công chức, đảng viên được giao trực tiếp làm tham mưu và quản lý công vụ.

Để có chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo và quản lý thì mỗi cấp, mỗi ngành phải không ngừng tự đổi mới phương pháp, cách thức làm việc tạo nên sự đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống. Nhưng trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp phải nắm vững các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần và hiệu quả công tác cao nhất. Tự soi, tự sửa, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, chấm dứt tình trạng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, quyết liệt xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại, nảy sinh tại đơn vị, địa phương do mình phụ trách, hoặc chủ động rời khỏi "hệ thống”, chấp nhận sự đào thải, đó là việc mỗi cán bộ, công chức, đảng viên cần cân nhắc trước khi quá muộn.


Nguyễn Tiến Sinh
(Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ)

Các tin khác


Kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), ở một số trang báo, trang mạng phản động, các thế lực thù địch lại ra sức chống phá, xuyên tạc, bóp méo Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.

Ổn định chính trị - Vốn quý để phát triển đất nước

Đối với đất nước ta, ổn định chính trị là tài sản vô giá. Điều này đã được minh chứng qua kết quả của gần 40 năm đổi mới, ổn định chính trị là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Trị bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Cán bộ, đảng viên là hạt nhân xây dựng tổ chức cơ sở đảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân; thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Sáng ngời tâm thế, bản lĩnh, bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024).

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia và đại đoàn kết dân tộc

Căn cứ pháp luật Việt Nam và quốc tế, ngày 6/3 vừa qua, Bộ Công an đã ra thông báo về hai tổ chức đang tiến hành hoạt động khủng bố tại Việt Nam, đó là "Nhóm Hỗ trợ người Thượng" và "Người Thượng vì công lý". Qua đây cũng đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, nhất là ở các địa bàn phức tạp, nhạy cảm tiếp tục bám sát địa bàn; các tầng lớp nhân dân thường xuyên nêu cao cảnh giác, không để bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục