Bài 2: Đẩy cái sai cho tập thể 


Việc gì cũng xin ý kiến, chờ chỉ đạo, kể cả những việc thuộc thẩm quyền của cấp mình, bản thân mình, là tình trạng không chỉ tồn tại ở những người có chức, có quyền mà còn ở cả cán bộ, công chức bình thường khác. Xin ý kiến những việc không đáng xin, chờ chỉ đạo những việc chẳng đáng chờ là bởi để có lý do trốn tránh trách nhiệm, đẩy cái sai cho tập thể.


Hội chứng "thà bị kỷ luật, còn hơn bị xét xử”

Nghe quả thực chua xót nhưng hội chứng "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức có tư tưởng co cụm, cầu an. Nghĩa là những người này cho rằng, thà không làm để không sai, dù có bị kỷ luật vì thiếu tinh thần trách nhiệm cũng còn hơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm sai, phạm luật.

Cũng bởi động vào việc gì cũng sợ sai nên không dám làm, muôn sự cứ đẩy lên trên để xin ý kiến chỉ đạo, nếu không may có sơ suất xảy ra thì đã có "tập thể cùng gánh chịu”. Chính vì lẽ đó mà ở một số địa phương, bất cứ việc gì dù to hay nhỏ, khó hay dễ, đều đợi xin ý kiến ban thường vụ, cấp ủy, chẳng phải vì cứ thường vụ quyết là đúng mà bởi ý nghĩ khi tập thể thường vụ đã quyết định, chỉ đạo thì không thể quy trách nhiệm cho cá nhân nào. 

Tập thể quyết là yên tâm, cứ thế làm theo nên mọi việc người dân, doanh nghiệp kiến nghị hoặc có những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cơ sở thì cứ chờ để "hỏi cấp trên” hoặc "đợi chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”, trong khi rất nhiều việc thuộc thẩm quyền của chính cá nhân phụ trách và cấp ủy, chính quyền sở tại.

Câu chuyện trong một năm mà một thành phố có tới gần 600 văn bản hỏi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời hơn 600 văn bản là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng thành phố "né tránh, đùn đẩy, đá bóng” lên trên, bởi hầu hết nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố. Phản hồi vấn đề này, lãnh đạo thành phố đó lại cho rằng nhiều nội dung cơ quan chức năng trả lời không rõ ràng, căn cứ vào văn bản trả lời đó cũng không biết phải làm thế nào. 

Đùn đẩy trách nhiệm qua lại, hệ quả là công việc tắc nghẽn, đứng im; hiệu lực, hiệu quả điều hành thấp và gây hoang mang trong dư luận về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ hiện nay.


Việc gì cũng xin ý kiến, chờ chỉ đạo, kể cả những việc thuộc thẩm quyền của cấp mình, bản thân mình, để có lý do trốn tránh trách nhiệm, đẩy cái sai cho tập thể. Tranh của MẠNH TIẾN 

Điều nguy hại là một số cán bộ hiểu sai lệch, méo mó nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” khi tất cả mọi việc đều ỷ vào tập thể, không có chính kiến, không dám quyết định bất cứ việc gì, thời cơ bị bỏ lỡ thì đã có tập thể là "tấm bình phong lớn” để che chắn, và cũng là chỗ để đẩy quả bóng trách nhiệm. Đáng lo hơn, khi những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa phương thì người đứng đầu ở nơi đó lại thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan, cho cơ chế, hay có chăng khi nhận trách nhiệm cũng là cộng dồn vào tập thể. 

Không ít lần trên nghị trường, các đại biểu thẳng thắn phê phán tiêu cực diễn ra ở các bộ, ngành, địa phương, nhưng người đứng đầu không chịu trách nhiệm. Đơn cử như việc quản lý, giám sát lỏng lẻo nguồn vốn ODA gây thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nhưng người đứng đầu lại không nhận trách nhiệm cá nhân mà quy kết cho tập thể, cho cơ chế... Trong rất nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ xảy ra thời gian qua, sự suy thoái khởi nguồn từ "nghệ thuật” dùng tập thể làm bình phong che chắn, lấp liếm khuyết điểm, sai phạm của cá nhân. 

Việc đẩy trách nhiệm cho tập thể đã phản ánh một thực tế đáng lo ngại là nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” của Đảng chưa được thực hiện đúng và nghiêm. Chính vì vậy, khi sai phạm xảy ra, việc quy trách nhiệm của cá nhân và tập thể vẫn như cái vòng luẩn quẩn không có đầu ra. Chẳng phải chúng ta thiếu những quy định về trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ các cấp, thế nhưng việc thực thi điều đó trong thực tiễn thì còn nhiều điều đáng bàn khi quyền hạn, trách nhiệm của cá nhân chưa được làm rõ và trường hợp nào thì cần sự tham mưu của tập thể, nhất là những chủ trương, quyết định được cấp ủy thông qua, nhưng ai là người tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm cuối cùng. 

Chừng nào chưa thể quy rõ trách nhiệm cá nhân, thì khi đó việc đùn đẩy, đá quả bóng trách nhiệm cho tập thể khó có thể chấm dứt.

Từ né trách nhiệm thành vô trách nhiệm

Nếu chỉ nói đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc thì sẽ khó có thể cân đong đo đếm được sự nguy hại của tệ trạng này. Thế nhưng hậu quả nhãn tiền đã rõ, hiển hiện ở sự tụt lùi, kéo giảm tăng trưởng kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống người dân. Căn bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm cùng thái độ thờ ơ, vô cảm, chậm xử lý công việc đã gây lãng phí nguồn lực, thời gian cũng như cơ hội thụ hưởng và tiếp cận chính sách của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng địa phương thấy khó thì làm văn bản hỏi Trung ương và các bộ, ngành nhưng lại được hồi âm theo kiểu trích quy định và đề nghị làm theo luật. Thậm chí có những văn bản gửi qua, gửi lại nhiều lần vẫn chưa giải quyết được vấn đề, chưa kể đến xảy ra cả việc "tiền hậu bất nhất” trong các văn bản trả lời. 

Tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, khi giải trình trước Quốc hội về kinh tế - xã hội, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu thực tế đau xót rằng nhiều doanh nghiệp lớn phải bán gần hết tài sản cho người nước ngoài, chỉ thu được 50% giá trị thực. Sự chậm trễ, đùn đẩy trong giải quyết công việc khiến các thủ tục đầu tư bị đình trệ làm cho các doanh nghiệp phải "đứng im”, chưa kể đến việc cải cách môi trường đầu tư cũng mờ nhạt, gây cản trở, ách tắc hoạt động phát triển kinh tế. Cũng tại kỳ họp này, đại biểu Trần Văn Khải của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bức xúc nêu vấn đề: Phải chăng hàng nghìn thủ tục phát sinh, đã góp phần không nhỏ đẩy hàng trăm nghìn doanh nghiệp đến cảnh khốn cùng như thế?  

Rõ ràng, câu chuyện ở đây không còn là né tránh, đùn đẩy, mà chính xác là sự vô trách nhiệm, bởi cứ "đá bóng” lên trên rồi lại án binh bất động ngồi chờ. Trong khi đó, chính những người trong cuộc, những công bộc của dân đều hiểu rằng, tiến độ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả công việc. Không phải cơ hội nào cũng xuất hiện nhiều lần và đúng lúc. Bởi vậy, bỏ lỡ thời cơ tốt chỉ vì chờ đợi do "quả bóng trách nhiệm” không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, mà còn gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin trong người dân, doanh nghiệp và cả các đối tác nước ngoài. 

Nhận thấy những bất cập phát sinh từ thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nhằm thể chế hóa các quy định của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ đã đưa ra 5 nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích cán bộ tích cực phát huy trí tuệ, cách làm sáng tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; xử lý nghiêm việc cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc. 

Mỗi chúng ta đều phải biết sợ sai để hiểu thấu đáo và làm cho đúng, nhưng sợ sai đến mức không làm gì thì lại hóa ra tiêu cực và vô trách nhiệm! Cán bộ, đảng viên, nhân dân từng chứng kiến và tự hào về những thành phố năng động, sáng tạo, đầu tàu kinh tế; những địa phương đột phá về cải cách hành chính và nhiều lĩnh vực khác. Đương nhiên rằng, ở những thành phố, địa phương như thế, không thể thiếu đi đội ngũ cán bộ, công bộc dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung. Những câu chuyện thực tiễn đáng tự hào như thế sẽ không thể tiếp nối, phát huy nếu thói thờ ơ, vô cảm đến vô trách nhiệm của đội ngũ cán bộ o bế, cuộn tròn ngồi yên trong chiếc kén sợ trách nhiệm, sợ làm sai. 

Tất cả thể chế, luật lệ, chỉ thị, kết luật, quy định... dù có hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ phát huy hiệu quả thực sự qua bàn tay, lăng kính của người thực hiện. Hệ quả của những thực tế buồn nêu trên, nguyên nhân mấu chốt vẫn là ở chính đội ngũ cán bộ từ sợ, né trách nhiệm đã tự biến mình thành người vô trách nhiệm với công việc, với tập thể, với cộng đồng và với chính bản thân mình. 


Theo Báo Quân đội Nhân dân

Các tin khác


Chú trọng giáo dục văn hoá liêm chính trong cán bộ, đảng viên

Là lĩnh vực vốn rất "nóng” với vấn đề tham nhũng "vặt”, do đó, ngay sau khi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính (VHLC), không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), công chức và nhân dân, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai đến các cơ sở y tế, CB,ĐV, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.

Lạm quyền tự do ngôn luận cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị

Việc hiểu đúng tự do ngôn luận không chỉ là tôn trọng quyền lợi cá nhân mà còn là sự nhận thức về trách nhiệm đạo đức và pháp luật trong việc sử dụng quyền này. Tự do ngôn luận không phải là tự do tùy tiện phát ngôn mà là một trách nhiệm được thực hiện theo các chuẩn mực pháp lý và đạo lý, qua đó góp phần bảo đảm an ninh tư tưởng-văn hóa và giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Cán bộ liêm khiết tạo nên môi trường làm việc tích cực

Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144) là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố, nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng trong thời kỳ mới. Đây là đánh giá chung của nhiều chuyên gia, học giả, đảng viên, trí thức Thủ đô ngay sau khi Quy định 144 được ban hành.

Phát triển nhân tố chính trị tinh thần của lực lượng quân y trong tình hình mới

Sức mạnh Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và bộ đội quân y nói riêng là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố chính trị tinh thần có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, phát triển nhân tố chính trị tinh thần của lực lượng quân y đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo cho lực lượng quân y luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Giữ gìn sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng - Bài 1

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người, đó là nhờ có kỷ luật”[1]. Chính nhờ có kỷ luật của Đảng nghiêm minh, các đảng viên nghiêm túc, tự giác chấp hành mà trong suốt 94 năm qua, Đảng ta đã vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo và lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Phòng, chống xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng

Không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục