Trải qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, mối quan hệ giữa Việt Nam với 3 quốc gia láng giềng là Lào, Campuchia và Trung Quốc đã chứng minh sự bền chặt và trở thành tài sản quý giá, niềm tự hào của người dân mỗi nước.

Nhưng thử thách chưa hẳn đã hết khi các thế lực thù địch, phản động vẫn đang âm thầm thực hiện ý đồ xuyên tạc, nhằm tạo ra bầu không khí nghi kỵ, hòng chia rẽ các mối quan hệ này.

Thực tiễn đã chứng minh các mối quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi của các mối quan hệ thông thường và được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mỗi nước. Thực tế đó trước hết bắt nguồn và được nuôi dưỡng từ truyền thống ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau của Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc của mỗi nước trước đây. Cùng với đó, trong thế giới đầy biến động hiện nay, việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị càng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của các quốc gia có chung đường biên giới. Nói cách khác, việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng không chỉ xuất phát từ ý muốn chủ quan mà còn từ thực tế khách quan của cả Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc.


Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Cũng có thể khẳng định, cùng với đà thay đổi hết sức nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, việc củng cố và phát triển môi trường hợp tác hữu nghị xuyên biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phù hợp với truyền thống giữ nước của ông cha ta. Khi nhiều nơi trên thế giới đang khốn khổ vì chiến tranh và xung đột, có lẽ người dân các nước thấm thía rằng, việc duy trì hiện trạng hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển trên mỗi tuyến biên giới là điều hết sức đáng quý.

Dĩ nhiên, quan hệ láng giềng cũng giống như bất kỳ mối quan hệ quốc tế nào khác, bên cạnh những điểm tương đồng thì vẫn tồn tại những vấn đề vướng mắc, tồn đọng, mà đối với Việt Nam, Lào, Campuchia và Trung Quốc điển hình là vấn đề biên giới, lãnh thổ. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, với tinh thần cầu thị, Việt Nam cùng 3 quốc gia láng giềng đã kiên trì, bền bỉ giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ và đạt được những kết quả quan trọng trong hoạch định biên giới trên đất liền. Bằng chứng là sau khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp ước hoạch định biên giới vào tháng 12-1999 và được Quốc hội hai nước phê chuẩn vào năm 2000, hai bên đã tiến hành phân giới, cắm mốc và đến cuối năm 2008, công tác phân giới, cắm mốc cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, với biên giới Việt Nam-Campuchia, tháng 10-2019, hai nước đã ký chính thức hai văn kiện nhằm ghi nhận thành quả 84% chiều dài đường biên giới trên đất liền được phân giới, cắm mốc. Với biên giới Việt Nam-Lào, tháng 6-1981, hai bên đã phân giới trên thực địa và cắm mốc xong 95% đường biên giới; đến tháng 10-1987, hai bên ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận toàn bộ kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung, kết thúc quá trình phân giới, cắm mốc toàn bộ đường biên giới Việt Nam-Lào.

Thế nhưng, biên giới, lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên thường xuyên bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá đường lối, chính sách đối ngoại, phá hoại sự ổn định về chính trị-xã hội của Việt Nam cũng như chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng. Không chỉ phủ nhận hoặc cố tình xuyên tạc những thành quả của quá trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền nói trên, đến nay, một số đối tượng vẫn tiếp tục sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ cùng với các vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nhân quyền để kích động, cổ vũ cho các hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn ở biên giới, từ đó thực hiện mưu đồ chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Cùng với đó, không thể không nhắc đến âm mưu thực hiện chiến lược "mưa dầm thấm lâu” nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế quốc tế và các quốc gia láng giềng cũng có nhiều hoạt động mở rộng, tăng cường quan hệ đối ngoại. Ví dụ có nhiều, song có lẽ điển hình nhất là trước, trong và sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 9-2023. Lợi dụng việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, một số đối tượng liên tục "phân tích bừa" rằng Việt Nam đã quay lưng lại với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ để "đi với nước này chống nước kia”, hoặc Việt Nam đang triển khai chính sách "đi dây” trong quan hệ với các cường quốc... Không khó để thấy rằng, mưu đồ cốt lõi phía sau những luận điệu xuyên tạc này là gây nghi kỵ trong dư luận nhân dân và tiếp tục "tập hợp lực lượng” để chống phá, chia rẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Phải thừa nhận, mặc dù những luận điệu xuyên tạc kết hợp với hành động phá bĩnh nói trên không thể làm suy chuyển đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam nhưng cũng tạo dư luận xấu trong một bộ phận quần chúng ít tiếp cận với nguồn thông tin chính xác, gây khó khăn cho hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó có quan hệ với Lào, Campuchia,Trung Quốc. 

Song song với công cuộc đổi mới toàn diện và mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chăm lo gìn giữ, phát triển mối quan hệ với Lào, Campuchia, Trung Quốc. Trong đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Thực sự đáng mừng là các mối quan hệ ấy đã và đang phát triển tốt đẹp, góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở các khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân mỗi nước. Trên cơ sở xác định quan hệ chính trị là nền tảng, quan hệ giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc đang được mở rộng và hướng tới các hoạt động hợp tác thực chất trên mọi lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân, hợp tác ứng phó với thiên tai, môi trường...

Những kết quả hợp tác, nhất là ở khu vực biên giới, chính là lời phản bác đầy sức nặng đối với mưu đồ chia rẽ quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia và Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời là hồi chuông cảnh tỉnh với một bộ phận xã hội-những người xuất phát từ mong muốn đất nước tốt hơn song lại dễ bị mê hoặc bởi những luận điệu gây chia rẽ, kích động dư luận trên mạng xã hội.

Đâu cần gì cao xa, chỉ cần hiểu đúng về nỗ lực củng cố, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng là đã góp phần không nhỏ cho hòa bình, ổn định và quá trình đi lên của đất nước.

Theo Báo Quân đội Nhân dân

Các tin khác


Không lạm dụng hình ảnh cờ Tổ quốc

Đang lồng lá cờ Tổ quốc vào chiếc cán mới để treo lên cổng chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 thì ông Hinh giật mình bởi tiếng gọi từ phía sau của ông Bảo cùng xóm:

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc cho thanh niên, sinh viên Việt Nam

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là tiếp tục phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, tình yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ, những thanh niên, sinh viên - lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

Tạo điều kiện để đồng bào tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 3 tôn giáo, gồm: Phật giáo, Công giáo và một số người theo các hệ pháp Tin lành. Tổng số trên 48 nghìn tín đồ, chiếm khoảng 5,9% dân số toàn tỉnh. Các tôn giáo có mặt trên địa bàn 10/10 huyện, thành phố, 99/151 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động tôn giáo diễn ra đúng pháp luật, đồng bào tôn giáo sống "tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết cùng Nhân dân toàn tỉnh chung sức phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN.

Phê phán nhận thức lệch lạc về bảo đảm chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nghị quyết, chính sách liên quan đến cải cách tiền lương, trong đó có tiền lương của LLVT.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và đấu tranh với những tư tưởng phi mác-xít

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, vận dụng sáng tạo học thuyết này vào thực tiễn cách mạng nước ta, mà còn tích cực đấu tranh chống những tư tưởng phi mác-xít để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Tinh thần đó của Người đã tiếp tục cổ vũ, khích lệ chúng ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Cảnh giác với chiêu trò bôi nhọ lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ

Với mục đích đê hèn là làm suy giảm niềm tin của Nhân dân ta với Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, thời gian gần đây, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng mạng xã hội tìm cách nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục