Đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong sự khang trang, hiện đại có lẽ chính là điểm đặc sắc khiến thành phố Hòa Bình thêm mến yêu. Đi giữa mùa xuân thành phố, thấy phấn khởi khi ngắm nhìn biểu tượng 6 bông lúa vươn lên từ mặt nước bên bờ trái, hình tượng hoa văn trên thổ cẩm bên bờ phải sông Đà và Quảng trường tấp nập, đông vui. Mỗi mùa xuân đến, thành phố lại như được thay chiếc áo mới. Cây cầu Hòa Bình 3 đang dần hiện hữu tiếp tục nối những bờ vui. Phường Thịnh Lang và xã Trung Minh - hai đầu cầu đang dần xích lại. Cầu phao dập dềnh mùa lũ đã từ lâu thành miền ký ức. Những bậc cao niên ở làng Thịnh Lang xưa chẳng nghĩ rằng quê mình lại có đường đôi. Còn xã Trung Minh nay mai cũng tiến bước lên phường khi Đề án thành lập phường Trung Minh, xã Sủ Ngòi hoàn thành. Những bụi lau sậy um tùm hai bên bờ sông dọc từ phường Thịnh Lang, Tân Thịnh, sang đến Phương Lâm, Đồng Tiến giờ nhường chỗ cho tuyến đường nhựa, bê tông to đẹp. Nhân dân thỏa sức đi bộ, đạp xe tập thể dục, ngắm cảnh và từ đây cũng mở ra nhiều loại hình dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đêm về, ánh đèn cao áp in bóng lung linh dưới dòng sông. Siêu thị nhộn nhịp người mua… Diện mạo thành phố ngày càng khởi sắc, khẳng định được vị thế trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Một góc Công viên Tuổi Trẻ tại phường Phương Lâm, TP Hoà Bình.
Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10 gây thiệt hại về tài sản ước tính 46,4 tỷ đồng, nhưng với sự đồng lòng, cố gắng, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng. Bí thư Thành ủy Quách Tùng Dương phác họa: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (55,5%), công nghiệp - xây dựng (39%), giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản (5,5%). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 51 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%. Toàn thành phố có 395 doanh nghiệp (tăng 26 doanh nghiệp so với năm 2016), thu hút 5.025 lao động và 6.543 hộ kinh doanh cá thể, thu hút 10.038 lao động. Bốn xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận. Thành phố phấn đấu trong năm 2018 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới...
Thành phố bên sông Đà đang nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu trên hành trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị loại II trong 3 năm tới. Trong năm 2017, thành phố đã công bố các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ, cảnh quan bờ phải sông Đà, khu trung tâm hành chính - chính trị xã Thái Thịnh, khu đô thị mới sông Đà Hòa Bình. Cấp giấy phép quy hoạch cho 5 dự án: Khu dịch vụ khách sạn và thương mại dịch vụ tổng hợp Định Nhuận; Trung tâm văn hóa - thể thao, vui chơi giải trí và giáo dục mầm non Sao Mai; cải tạo, nâng cấp nhà hàng Sen Vàng, Khách sạn Phú Gia - Trung tâm thương mại Phú Thành Phát... Thành phố cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng đến năm 2035 và xây dựng quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục đôn đốc các nhà thầu thi công các công trình chuyển tiếp, khởi công xây dựng 14 công trình.
Thành phố tiếp tục có 1 năm sôi động với việc triển khai Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, Chương trình đô thị miền núi phía Bắc. Đường Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông được mở rộng thênh thang; đường Lý Thường Kiệt, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình đang thi công. Dự án Công viên Tuổi Trẻ giai đoạn II đang được đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tạo không gian công cộng, mỹ quan đô thị. Trường lớp học xã Trung Minh, THCS Sông Đà, tiểu học Lê Văn Tám, THCS Lý Tự Trọng, mầm non xã Hòa Bình được cải tạo. Cầu xóm 5, xã Sủ Ngòi; ngầm xóm Máy 3, Cang 1, Đao, xã Hòa Bình; bến neo đậu phương tiện nổi, nhà nổi khu vực hạ lưu đập thủy điện; hệ thống thoát nước tại xã Thống Nhất… được triển khai thi công. Giai đoạn 2014 - 2017, tổng nguồn vốn cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn 1.382.770 triệu đồng. Đây là những cơ sở để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố.
Cẩm Lệ