Gia đình ông Đỗ Tùng Lâm (phải) xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc) chuyển đổi vườn tạp trồng bưởi đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vậy mà theo đồng chí Quách Văn Hạt, Chủ tịch UBND xã Tử Nê, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 22/10/2016 của Huyện uỷ Tân Lạc về cải tạo vườn tạp trồng cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hoá, anh Trịnh Văn Thiện và nhiều CB, ĐV, nhân dân đã mạnh dạn xoá bỏ vườn tạp, chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hoá...
Nhờ vậy, ở xã Tử Nê đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ có nguồn thu lên đến hàng trăm triệu đồng /năm. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Tùng Lâm ở xóm 3 có hơn 100 gốc bưởi đỏ, cam Canh và các loại cây ăn quả khác trong vườn nhà, tuy chưa phải là mô hình nổi bật của xã nhưng hàng năm vẫn mang về cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Tùng Lâm kể: Trước đây, vốn là gia đình nghèo khó lại đông con nên để chăm lo cho cuộc sống và chuyện ăn học của các con, gia đình tôi gặp khó khăn đủ bề dù đã tận dụng đồng đất, tích cực chuyển đổi, đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào sản xuất. Ban đầu là các loại rau màu, đỗ, lạc, tiếp đó là trồng mía tím xen canh với ngô, lạc. Dẫu vậy cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Sau này khi nắm bắt Nghị quyết về cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của Huyện uỷ Tân Lạc, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn sang trồng cây ăn quả. Trong đó, cây bưởi đỏ là chủ lực. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình từng bước được cải thiện và vươn lên làm giàu.
Từ thành công, ông Đỗ Tùng Lâm đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều hộ dân trong xóm cùng nhân rộng, phát triển mô hình trồng bưởi đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, tính đến tháng 1/2018, trong tổng số 104 ha vườn tạp, xã Tử Nê đã chuyển đổi, cải tạo được trên 95 ha, đạt 91% tổng diện tích. Trong đó, diện tích trở thành vườn có giá trị kinh tế chiếm 70 ha, đạt 73% tổng số diện tích đã cải tạo.
Không chỉ thành công đưa Nghị quyết số 06-NQ/HU nhanh chóng đi vào cuộc sống, thời gian qua Tử Nê cũng đã trở thành một trong những xã dẫn đầu huyện Tân Lạc về việc đưa cây trồng hàng năm vào diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả theo Nghị quyết số 12 ngày 18/4/2014 của Huyện uỷ Tân Lạc. Đồng chí Quách Văn Hạt cho biết thêm: Xã có 7 xóm, 4 xóm làm nông nghiệp, 3 xóm chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ và trồng cây có múi. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển KT -XH hiệu quả. Đáng kể nhất là việc cụ thể hoá, đưa Nghị quyết số 12 của Huyện uỷ Tân Lạc vào đời sống, phù hợp với tình hình thực tế xã. Trong đó, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía và rau màu các loại.
Đồng chí Bùi Văn Xiểm, Trưởng xóm Bục cho biết: Ban đầu, việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhất là phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ CB, ĐV với tinh thần "làm trước để dân tin”. CB, ĐV trong xóm đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm các loại rau, đậu, bí xanh, dưa hấu, mía trên ruộng 1 vụ kém hiệu quả cũng như tận dụng diện tích đất 2 vụ lúa để trồng cây màu vụ 3. Từ những kết quả đạt được đã tạo niềm tin, động viên nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, màu, cây hàng năm theo hình thức luân canh, gối vụ. Nhờ vậy, giá trị trên cùng một diện tích đất đã tăng từ 3 - 4 lần. Nhiều hộ có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng /vụ.
Có thể nói, từ việc thực hiện tốt công tác lãnh đạo, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống người dân ở xã Tử Nê thời gian qua. Theo đó, mức thu nhập bình quân của xã năm 2017 đạt gần 30 triệu đồng /người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10%, góp phần nâng cao các tiêu chí, giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới của huyện.
Mạnh Hùng