Mô hình trồng lan của thanh niên Bùi Văn Trình, xóm Nam Thái, xã Đoàn Kết (Yên Thủy) cho thu nhập cao, là điển hình trong phong trào thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp ở địa phương.
Theo giới thiệu của Đoàn xã, chúng tôi tìm về thăm mô hình trang trại chăn nuôi của Bùi Văn Tư ở xóm 11, xã Đoàn Kết. Với 400 con thỏ thịt, 200 con thỏ giống và hàng trăm thỏ mẹ, năm 2017, sau khi trừ chi phí, gia đình Tư thu về 200 triệu đồng. Từ năm 2018 với quy mô chường trại 2.000 m2, Tư tiếp tục đầu tư nuôi hơn 1.000 thỏ các loại. Ngoài ra để tăng nguồn thu, Tư nuôi thêm 300 gà thịt, 30 gà đẻ trứng. Mô hình chăn nuôi của Tư trở thành điển hình trong phát triển kinh tế trên địa bàn, được đông đảo thanh niên và nhân dân học tập theo.
Năm 2012, tốt nghiệp trường Trung cấp y Hòa Bình, không xin được việc làm, Tư trở về quê hương. Tham gia sinh hoạt Đoàn tại xã, Tư được tiếp cận nhiều kiến thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, thăm quan học hỏi nhiều mô hình làm ăn tại các địa bàn lân cận. Từ đó, Tư ấp ủ mong muốn làm giàu trên quê hương. Để có vốn, Tư đi làm thuê tại Hà Nội. Với 30 triệu đồng tiết kiệm được từ quá trình làm thuê, Tư quyết định đầu tư nuôi thỏ. Sau khi đầu tư làm chuồng trại, số vốn còn lại chỉ đủ để Tư mua 20 con thỏ giống. Không có kinh nghiệm lại thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, số thỏ giống chết dần. Tuy nhiên, Tư không nản lòng, sau 3 tháng, 10 con thỏ mẹ còn lại đã đẻ lứa đầu tiên cho 60 thỏ con. Cùng với việc tiếp tục học tập qua mạng, sách, báo, Tư chủ động học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh cho vật nuôi tại các trang trại thỏ lớn trong và ngoài tỉnh. Tư cho biết: Hiện nay, mô hình bước đầu thành công. Nhiều thanh niên trên địa bàn đã tìm đến học hỏi mô hình và được tôi cung cấp thỏ giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để cùng thoát nghèo. Nhiều nhà hàng và các cơ sở chăn nuôi đã ký hợp đồng cung cấp thỏ với gia đình tôi và một số thanh niên khác trên địa bàn, tạo đầu ra ổn định cho mặt hàng này.
Thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế, gia đình Tư đã trở thành phong trào mạnh và rộng khắp trong thanh niên xã Đoàn Kết. Triển khai phong trào, tổ chức Đoàn, Hội của xã đã tập trung vào các nhiệm vụ: Đồng hành cùng thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp; định hướng nghề nghiệp; khuyến khích thanh niên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Những năm qua, Đoàn xã đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ vốn, kỹ thuật và giải quyết việc làm cho ĐV-TN. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp tổ chức hoặc khuyến khích ĐV-TN tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KH-KT về sản xuất nông nghiệp, ngành nghề kinh doanh mới… Qua đó thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đóng góp vào phát triển KT-XH ở xã. Hiện nay, Đoàn xã đứng ra nhận ủy thác ngân hàng trên 3 tỷ đồng thông qua 3 tổ vay vốn cho 67 thanh niên vay phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này đã góp phần chia sẻ khó khăn với nhiều thanh niên trên địa bàn trong quá trình khởi nghiệp.
Anh Bùi Văn Trọng, Bí thư Đoàn xã cho biết: Cùng với Bùi Văn Tư, hiện nay trên địa bàn xã Đoàn Kết còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tiêu biểu như mô hình: trồng măng tây của Bùi Thị Thiện (xóm Phủ Vệ); nuôi lợn bản địa của Bùi Văn Trường (xóm Nam Bình); trồng thanh long ruột đỏ của Bùi Văn Thành (xóm Yên Bình); trồng lan của Bùi Văn Trình (xóm Nam Thái)…
Có thể nói phong trào "Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã tạo cơ hội, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi, những chủ trang trại trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm góp phần tích cực trong phát triển KT-XH của địa phương.
H.Y