Sản phẩm của HTX Mạnh Khoa (Cao Phong) tham gia Hội chợ nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La năm 2018.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh có 143 HTX thành lập mới và đăng ký 1 chi nhánh HTX, vượt 217,77% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Ngoài ra, thành lập mới 126 THT, tăng 57,5% so với tổng số THT thành lập mới giai đoạn 2010 - 2015. Đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh ước có 273 HTX, 1 chi nhánh HTX hoạt động, tăng 48,91% so với thời điểm cuối năm 2015, không còn HTX ngừng hoạt động. Trong đó có 206 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 75,18%, tăng 92,52% so với đầu kỳ; 20 HTX CN-TTCN, chiếm 7,2%; 21 HTX thương mại, dịch vụ, chiếm 7,66%, giảm 25% so với đầu kỳ; 13 HTX điện năng, chiếm 4,74%; 12 HTX vận tải, chiếm 4,38%; 3 HTX tín dụng, chiếm 1,09%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 252 THT, tăng 103,23% so với đầu kỳ, trong đó có 226 THT hoạt động nông nghiệp, thủy lợi, chiếm 89,68%; 15 THT TTCN, chiếm 5,95% và 11 THT thương mại, dịch vụ, chiếm 4,36%.
Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh và các ngành, các cấp đã tăng cường chỉ đạo công tác chuyển đổi, tổ chức lại HTX. Đến cuối tháng 6/2018 đã chuyển tiếp, đăng ký lại cho 100% HTX hoạt động, chuyển đổi 53 HTX kiểu cũ sang loại hình hoạt động THT và doanh nghiệp, giải thể 102 HTX ngừng hoạt động. Theo đó, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng, năm 2015 chiếm 20,5%, năm 2018 chiếm 44,5% tổng số HTX.
Đồng chí Trần Văn Thành, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá: Sau khi chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, các HTX cung ứng nhiều dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên với quy mô lớn hơn, đảm bảo chất lượng dịch vụ và bỏ qua được các khâu trung gian trong giao dịch. Do đó giá cả đầu vào thấp hơn và giá bán sản phẩm cao hơn so với các hộ tư nhân. Trong những năm qua, các huyện, thành phố đã hình thành và phát triển nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị chất lượng hoạt động tốt, áp dụng quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn VSATTP, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn với doanh nghiệp... hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Một số mô hình tiêu biểu như: mô hình trồng và kinh doanh cây có múi của HTX nông nghiệp dịch vụ Mường Động (Kim Bôi); chuỗi giá trị trồng rau hữu cơ của HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn; sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị của HTX nông nghiệp Dân Chủ (TP Hòa Bình); chuỗi giá trị rau su su Tân Lạc của HTX nông nghiệp Quyết Thắng; HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng (Lạc Sơn); trồng và kinh doanh cây có múi của HTX giống cây trồng Tiến Thắng (Lạc Thủy)… Tuy tỷ lệ HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị so với tổng số HTX chưa nhiều nhưng đang có xu hướng gia tăng do được các cấp, ngành quan tâm xây dựng và phát triển.
Tốc độ phát triển HTX mới giai đoạn 2016-2018 khá cao cũng cho thấy nhu cầu thiết thực của các hộ cá thể, nhất là hộ nông dân về chuyển đổi hình thức sản xuất từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn thông qua HTX. Qua đó cũng thấy rõ HTX đang đóng góp tích cực vào thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM. Theo đó đến nay, toàn tỉnh có 151/191 xã có HTX và 51 xã đạt tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng NTM, đạt 26,7% xã trong tỉnh.
Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đến năm 2018, doanh thu 1 HTX ước đạt trên 3 tỷ đồng, tăng 43,75% so với năm 2015; lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt 380 triệu đồng, tăng 20,5% so với năm 2015; doanh thu bình quân 1 THT đạt 1,4 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2015. Đóng góp trực tiếp của các HTX, THT vào thu ngân sách không nhiều (hơn 6 tỷ đồng/năm), do đại đa số HTX hoạt động dịch vụ nông nghiệp được Nhà nước ưu đãi về thuế, nhưng kinh tế tập thể lại có đóng góp lớn vào phát triển KT-XH thông qua tác động hỗ trợ kinh tế hộ với khoảng 19.129 thành viên, chủ yếu là hộ gia đình và cá nhân. Ngoài ra, HTX, THT góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Đến cuối năm 2018, các HTX, THT có khoảng 20.476 lao động làm việc thường xuyên, tăng 54,67% so với năm 2015. Thu nhập bình quân trong HTX đạt 3,55 triệu đồng/người/ tháng, tăng 42% so với năm 2015; thu nhập bình quân trong THT đạt 2,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 116% so với năm 2015. Đặc biệt, có 19 HTX được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; 2 HTX được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể là nhãn Sơn Thủy và cam Mường Động (Kim Bôi). Các sản phẩm như cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, mía tím Hòa Bình, su su Tân Lạc, rau hữu cơ Lương Sơn, hạt dổi Lạc Sơn, cá - tôm Sông Đà, gạo Đà Bắc… đã được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận vùng sản xuất, chỉ dẫn địa địa lý góp phần phát triển thương hiệu và đem lại lợi ích thiết thực cho người SX-KD, trong đó có các HTX, THT.
Kết quả qua nửa nhiệm kỳ đã khẳng định, các cấp, ngành, các địa phương và Liên minh HTX đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra về phát triển kinh tế tập thể, phục vụ đắc lực nhiệm vụ KT-XH trên địa bàn tỉnh.