Thực hiện chủ trương của xã Hùng Tiến (Kim Bôi) về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư trồng cam, bưởi cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thức rõ điều đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã Hùng Tiến đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ và đẩy mạnh thực hiện trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Trong đó đáng chú ý là việc mở rộng diện tích trồng sả, gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm.
Đến xóm Ba Bị, chúng tôi cảm nhận rõ sự khấm khá trong đời sống của người dân so với vài năm trước đây. Năm 2005, một vài hộ trong xóm đưa cây sả vào trồng xen trên diện tích trồng keo. Khi cây khép tán, sả phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Bùi Thị Hằng, một trong những hộ tiên phong trồng sả ở Ba Bị cho biết: Sả là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất lại chịu hạn tốt, chi phí đầu tư không cao. Một gốc sả cho thu hoạch 8-10 vụ. Sau 6 tháng trồng có thể cho thu hoạch vụ đầu tiên. Mỗi năm, 1 ha sả cho thu 3 vụ chính, năng suất đạt từ 12- 14 tấn với giá bán trung bình 7.000- 8.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, ưu điểm nổi bật của loại cây trồng này là có thể thu hoạch chậm hơn 2- 3 tháng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nên người dân hoàn toàn có thể tận dụng thời gian nông nhàn để thu hoạch dần.
Từ những lợi thế nói trên, diện tích trồng sả ở Hùng Tiến ngày càng mở rộng. Hiện nay, toàn xã phát triển được 83 ha, tập trung chủ yếu tại xóm Ba Bị, trở thành cây hàng hóa chủ lực của bà con nơi đây. Gắn phát triển sản xuất với tiêu thụ, chế biến sản phẩm, Hùng Tiến đã thành lập hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đồng thời, bà Bùi Thị Dung, xóm Ba Bị đã mạnh dạn đầu tư máy chiết suất tinh dầu từ lá sả, góp phần tạo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người trồng sả trên địa bàn.
Đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết thêm: Nhằm khuyến khích người dân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sả, từ năm 2017, xã phối hợp cùng trạm KN-KL huyện tập huấn cho người dân về kỹ thuật; thực hiện hỗ trợ phân bón, giúp cải thiện chất lượng củ và lá sả. Hiện nay, nhiều hộ trên địa bàn đã mở rộng diện tích trồng sả lên gần 1 ha, như các hộ: Bùi Thị Hằng, Nguyễn Văn Mạnh, Bạch Thị Giúp… đem lại thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/ha sả/năm.
Song song với đó, Đảng ủy xã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi và chăn nuôi trâu, bò. Cũng theo đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã, hiện nay, diện tích trồng cam, bưởi của xã Hùng Tiến đạt 103 ha, chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi đỏ, khoảng 30% diện tích trồng cam, bưởi đã cho thu hoạch năm thứ 2, 3. Qua đánh giá ban đầu cho thấy, Hùng Tiến phù hợp với phát triển cây ăn quả có múi.
Nhằm khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong vài năm gần đây, được sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo và Trạm KN-KL huyện Kim Bôi, Hùng Tiến đã tập huấn cho các hộ về cách chăm sóc, tiêm phòng đều đặn cho đàn vật nuôi, đồng thời, vận động, khuyến khích làm chuồng trại cho đàn gia súc. Năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình 135 và Dự án giảm nghèo của huyện, Hùng Tiến được hỗ trợ 38 con bò và 4 tấn cỏ giống. Xã giao cho các hộ nghèo, cận nghèo chăm sóc.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của Hùng Tiến giảm theo từng năm. Năm 2015 là 34,3% thì đến nay giảm còn 18,5%, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ giảm dưới 12%. Thu nhập bình quân của người dân không ngừng được nâng lên, đạt 17 triệu đồng vào năm 2018. Đồng chí Phó Bí thư TT Đảng ủy xã nhận định: Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Hùng Tiến tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung huy động sức dân và nguồn lực hỗ trợ thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn, nội đồng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thuận lợi cho giao thương, từ đó tăng giá trị nông sản của địa bàn… quyết tâm đưa thu nhập bình quân của xã đạt 20 triệu đồng/ người vào năm 2020.
Hải Yến