Chúng tôi tới thăm gia đình anh Bùi Văn Tiến ở xóm Liên Hợp, một trong những hộ có nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Được biết, anh Tiến "bén duyên” với nuôi gà thả vườn từ những năm 2008 với tổng đàn khoảng 200 con. Thời điểm đó, anh gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc và kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm, ham học hỏi, tìm tòi kiến thức qua sách báo, internet đã giúp anh trau dồi kinh nghiệm áp dụng vào chăn nuôi. Hiện nay, gia trại gà của anh Tiến mở rộng trên diện tích 3.000 m2 với tổng đàn khoảng 11.000 con.
Đưa chúng tôi thăm quan gia trại, anh Tiến cho biết: "Tính cả dịp Tết Nguyên đán vừa qua, năm 2018, gia đình tôi cung cấp cho thị trường khoảng 16 tấn gà với giá trung bình 70.000 đồng/kg. Tổng doanh thu đạt khoảng 1,1 tỷ đồng (chưa trừ chi phí). Tư thương thu mua sản phẩm chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận và chợ Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội). Theo đánh giá, đây là mô hình phù hợp với điều kiện địa phương, giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong năm 2019, gia đình tôi chú trọng phát triển trại giống để cung cấp cho người dân có nhu cầu phát triển và mở rộng mô hình.
Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình anh Bùi Văn Tiến ở xóm Liên Hợp, xã Lạc Hưng (YênThủy) cho thu nhập cao.
Theo thống kê, hiện nay, có trên 50% tổng số hộ trên địa bàn xã Lạc Hưng phát triển mô hình nuôi gà thả vườn, tập trung chủ yếu tại các xóm: Liên Hợp, Cây Báy, Lý Hưng… Đây là những xóm có địa hình tương đối bằng phẳng, giao thông thuận lợi, tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng giao thương hàng hóa. Hiện nay, hầu hết người dân đều lựa chọn giống gà ri Lạc Thủy để chăn nuôi bởi đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tư thương và người tiêu dùng ưa chuộng. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ gặp khó khăn về kỹ thuật sẽ được chủ các trại giống hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ phát triển hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Trạm KN-KL tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh chuồng trại, hướng dẫn người dân phòng ngừa dịch bệnh. Ngoài ra, xã phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT huyện tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ 24,3 tỷ đồng, trong đó nhiều hộ vay vốn với mục đích mở rộng quy mô chuồng trại và tăng số lượng đàn gà.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các hộ nuôi gà đó là giá thành sản phẩm bấp bênh, không ổn định. Năm 2017, giá gà dao động từ 90.000 - 95.000 đồng/kg thì năm 2018 chỉ đạt từ 70.000- 75.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính do nguồn cung tăng cao nhưng thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, dẫn đến tình trạng người dân bị tư thương ép giá.
Đồng chí Bùi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Lạc Hưng khẳng định: "Nhiều hộ phát triển mô hình nuôi gà thả vườn đã cho lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/năm, tiêu biểu như gia đình anh Phạm Văn Định (xóm Cây Báy), Đỗ Đức Thương (xóm Lý Hưng)... Chính vì vậy, trong trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển hiệu quả mô hình nuôi gà thả vườn. Áp dụng KHKT để lai tạo các giống gà mới nhằm cung cấp cho thị trường nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ giống, kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất. Liên kết với các doanh nghiệp, công ty tạo thị trường tiêu thụ, giá thành ổn định. Qua đó nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.
Đức Anh