(HBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh, những năm qua đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển Ðảng trong các loại hình doanh nghiệp này còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh
ủy Hoàng Minh Tuấn, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU được thành
lập từ tỉnh đến các huyện, thành phố. BCĐ phân công từng thành viên phụ trách
và giao chỉ tiêu cụ thể cho các Đảng bộ trực thuộc trong việc phát triển tổ
chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Công tác tuyên truyền được đẩy
mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác kiểm tra đối với các cấp
ủy trong thực hiện Chỉ thị được tăng cường và duy trì nghiêm túc, chặt chẽ. Bên
cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành hướng dẫn khen thưởng tập
thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng và các đoàn
thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Ðảng bộ huyện Yên Thủy là một trong những đơn vị thực hiện công tác phát triển
Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đạt kết quả khá cao. Trưởng
Ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thủy Bùi Văn Khâm cho biết: Thực hiện nghiêm túc Chỉ
thị số 38-CT/TU, năm 2018, BTV Huyện ủy tổ chức riêng 1 lớp bồi dưỡng đối tượng
kết nạp Đảng cho 43 quần chúng ưu tú là người lao động và chủ doanh nghiệp trên
địa bàn. Trong đó có 5 quần chúng là giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, đã có
4 quần chúng được kết nạp vào Đảng. Đồng thời thành lập mới 2 chi bộ HTX thuộc
Đảng ủy cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 5 chi, đảng bộ trong doanh nghiệp, HTX
với tổng số 88 đảng viên. Để đạt được kết quả đó, Huyện ủy chú trọng việc rà
soát, tổng hợp số lượng, quy mô và thực trạng về tổ chức Đảng, đoàn thể trong
từng doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai và
tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, kiện toàn BCĐ xây dựng
Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa
bàn. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Ủy viên BTV, thành viên BCĐ cùng chỉ
tiêu cụ thể để triển khai thực hiện.
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU, từ tháng 1/2017 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được
23 đảng viên và thành lập mới 2 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu
vực Nhà nước và HTX. Với kết quả đó, tại TP Hòa Bình, các huyện: Lương Sơn, Yên
Thủy, Kim Bôi, Cao Phong, Kỳ Sơn, Lạc Sơn hiện có 51 doanh nghiệp, HTX có tổ
chức Đảng với 623 đảng viên. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 202 Công đoàn cơ sở
trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước với 22.035 đoàn viên; 21 cơ sở Đoàn
Thanh niên với 917 đoàn viên, 1 chi hội phụ nữ với 111 hội viên. Tuy nhiên, so
với số lượng 3.175 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và 276 HTX cùng 625 chi
nhánh, văn phòng đại diện trên toàn tỉnh như hiện nay thì kết quả công tác phát
triển tổ chức Đảng và đảng viên chưa tương xứng.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ tỉnh cho rằng: Quá
trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó
là: Một số thành viên BCĐ chưa thực sự chú trọng, chưa xây dựng được chương
trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Việc
báo cáo kết quả thực hiện của một số đơn vị thành viên chưa kịp thời, chưa sát
nhiệm vụ, thiếu số liệu theo yêu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu
rộng, hiệu quả thấp. Số lượng phát triển đảng viên, đoàn viên và thành lập tổ
chức Đảng, các tổ chức đoàn thể còn thấp so với tổng số doanh nghiệp, HTX. Toàn
tỉnh hiện còn 4 huyện gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Thủy chưa có tổ chức
Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc phát triển Ðảng trong các doanh nghiệp
ngoài khu vực Nhà nước, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất là hầu hết các
doanh nghiệp này đều chưa có tổ chức Đảng, đảng viên. Tại một số doanh nghiệp
có đảng viên, nhưng nhiều người vẫn muốn sinh hoạt tại nơi cư trú, vì nhiều lý
do khác nhau, nhất là sợ ảnh hưởng đến vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Mặt
khác, đa số doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng
Đảng, đoàn thể.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ làm công tác phát triển đảng, để việc vận
động thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu
vực Nhà nước thuận lợi, cần có những cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ
quan QLNN, các ban xây dựng Đảng. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp và phải có
những cam kết, ràng buộc nhất định đối với doanh nghiệp. Ðồng thời, cần hoàn
thiện mô hình tổ chức Đảng, các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực
Nhà nước, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với các đoàn thể trong
doanh nghiệp. Đặc biệt, phải nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, thành viên
BCĐ trong công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực
Nhà nước. Kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các
chủ doanh nghiệp, người lao động trong công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể
trong doanh nghiệp. Các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên nắm bắt tình hình
hoạt động của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, khuyến
khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Cấp ủy cấp trên và các
đoàn thể chính trị - xã hội phải thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, tạo điều
kiện cho các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, HTX hoạt động có
nền nếp, hiệu quả cao.
Đức Phượng