(HBĐT) -Đến với xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, du khách không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi dãy những lò rèn truyền thống. Giá gỗ treo đủ các loại nông cụ như dao, búa, lưỡi rìu, cuốc, xẻng… kết hợp với tiếng búa đập lên đe kêu chan chát, inh tai đã tạo nên những nét đặc sắc cho hàng trăm lò rèn truyền thống nơi đây.


Du khách thăm quan, tìm hiểu sản phẩm của làng nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng).

Chúng tôi đến thăm lò rèn truyền thống Long Minh vào một ngày thời tiết khá oi bức. Bỏ quên cái nắng nóng, ngột ngạt của lò nung, người chồng say sưa với những nhát búa đập lên đe, người vợ nhanh chân ra đón khách và giới thiệu các sản phẩm của gia đình. Chị Nhan Thị Yên cho biết: "Hàng ngày, hai vợ chồng bày dao ra giá gỗ trước cửa nhà để bán. Chồng thì rèn, còn tôi ngồi bên cạnh để bán và phụ giúp một số công việc. Đều đặn mỗi ngày, chúng tôi phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị lò nung. Vào mùa đông, công việc dường như có phần nhẹ nhàng hơn nhưng khi hè tới, thời tiết nắng nóng như đổ lửa cộng với môi trường làm việc gần lò củi khiến sức chịu đựng của người thợ càng khó khăn hơn gấp bội. Tuy vất vả và khó khăn là thế, nhưng với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống đã có từ lâu đời mà hàng trăm thợ rèn ở đây quyết bám trụ với nghề để mưu sinh”.

Người dân nơi đây chủ yếu là người dân tộc Nùng An. Khi hỏi thăm làng nghề rèn nông cụ Phúc Sen ra đời từ khi nào, đã tồn tại được bao nhiêu năm, ngay cả chính những người dân bản địa cũng không biết chính xác. Họ chỉ biết rằng, nghề này đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Những người thợ rèn trong làng cũng chỉ biết họ được cha, ông truyền lại nghề. Đàn ông trong xã đa phần đều biết và thành thạo công việc rèn nông cụ.

Điều cần thiết để trở thành người thợ rèn đó là sức khỏe, đôi mắt, sự khéo léo và linh hoạt. Sức khỏe tốt giúp họ có được những nhát búa đầy mạnh mẽ, đôi mắt tinh anh giúp đập chính xác hơn. Người thợ phải đồng thời sử dụng tới sức mạnh của đôi tay, sự nhạy bén của đôi tai và đôi mắt. Các công đoạn để làm ra một sản phẩm khá cầu kì. Để chuẩn bị thật chu đáo cho một ngày làm việc, người thợ rèn phải dậy từ sớm để lên lửa cho lò nung. Từ một thanh thép, người thợ rèn sẽ cắt theo kích thước từng loại dao mà bản thân dự định sẽ làm, sau đó, dùng búa tạ để đập tạo hình. Tiếp đến là công đoạn nung đỏ thép nhằm tăng độ cứng, bền cho dao rồi giữ nhiệt và làm nguội bằng cách nhúng vào chậu nước tôi. Ram thép - quá trình nung nóng thép được coi là công đoạn quan trọng, vận dụng tất cả những kinh nghiệm mà người thợ rèn đã đúc kết được qua thời gian. Nếu không tinh mắt và có cảm nhận chuẩn xác thì sản phẩm làm ra sẽ không đạt yêu cầu do nung chưa đạt tới độ chín, sẽ bị dẻo hoặc bị giòn do nung quá già. Mài dao bằng những viên đá mài là công đoạn cuối cùng để người thợ chau truốt những "đứa con tinh thần” của mình sao cho thật sắc bén và vừa mắt. 

Những lò rèn ở nơi đây thường sản xuất các sản phẩm nông cụ như búa, liềm, rìu, cuốc… nhưng nhiều nhất là dao. Giá của các sản phẩm dao động trong khoảng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy vào chủng loại và kích cỡ. Dao với kích thước nhỏ nhất có giá là 20.000 đồng, loại dao chặt cỡ to nhất là 150.000 - 200.000 đồng. Những sản phẩm có vỏ được trạm khắc tinh xảo có giá 300.000 đồng. Riêng đối với loại dao chuôi gỗ cẩm có giá thành cao hơn. Để du khách thoải mái thử độ sắc bén của dao, chủ cửa hàng thường đặt tờ giấy và những khúc gỗ bên cạnh. Đối với những chiếc dao có kích thước nhỏ, chỉ việc lướt nhẹ lưỡi dao trên tờ giấy là tờ giấy đã bị tách đôi. Còn những chiếc dao chặt loại to thì du khách thỏa sức chặt các khúc gỗ. Sau khi chặt mà lưỡi dao không hề hấn gì có nghĩa là chiếc dao đó đạt chất lượng.

Những sản phẩm nông cụ với chất lượng sắc, bền, kích thước và độ nặng vừa phải phù hợp với mọi người đã trở thành thương hiệu của xã Phúc Sen, được khẳng định chất lượng qua từng năm tháng. Giờ đây, nghề rèn nông cụ ở xã Phúc Sen không còn đơn giản chỉ là một công việc để mưu sinh của những người thợ rèn, mà còn góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống đã được ông cha truyền lại từ bao thế hệ.


                                                                                                   Linh Nhật

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục