(HBĐT) - Từng được coi là hình mẫu về kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan, tiện ích và đáng sống, nhưng thời gian và sự tác động của con người, cũng như sự bất lực trong quản lý đang đẩy khu Chuyên gia vào thảm cảnh hoang tàn như hiện nay. Thực tế đó để lại sự luyến tiếc, xót xa cho những ai nặng lòng với quá khứ.


Chúng tôi trở lại thăm khu Chuyên gia vào những ngày cuối tháng 6. Dù như không thể xuống cấp hơn nhưng từng cung đường, khu nhà, hàng cây, cầu thang vẫn phảng phất bóng dáng thời huy hoàng. Vẫn còn đâu đó hương hoa hoàng lan nồng nàn, hàng phượng vĩ vấn vương, thắp lửa cuối hè. Những gốc cây phượng, dã quỹ, hoàng lan, cây xoan, bạch đàn… giờ đã thành cây cổ thụ, đan xen những lùm cây dại um tùm chằng chịt lối đi. Hạ tầng, các khu nhà đang ngày càng trở nên nhếch nhác.

Ông Tùng, người gắn bó lâu đời với khu Chuyên gia tiếc nuối: Khu Chuyên gia cũng ví như đời người vậy. Gần 50 tuổi, khi con người đang bước về phía bên kia của cuộc đời, thường xuyên đau lưng, mỏi gối, chùn chân, cố níu kéo thời vàng son, tráng kiện cũng chẳng được. Tất cả đang rệu rã, mọi thứ đang xập xệ. Thế nhưng, mỗi khi đến thăm lại khu Chuyên gia, đâu đó còn chút phảng phất, bóng dáng còn sót lại để người ta hồi tưởng, xót xa trong luyến tiếc mà thôi. Chính vì khu Chuyên gia đã xuống cấp trầm trọng, ọp ẹp và bong chóc, thế nên nghề sửa chữa đường nước, chát chít, gò hàn cũng được dịp "lên ngôi”. Mình vừa bán nước chè kiếm thêm, vừa làm thêm nghề sửa chữa đường nước, cũng chẳng mấy khi rảnh rỗi, vì nhà nào cũng phải cải tạo, sửa chữa mới có thể ở được.


Một góc Khu Chuyên gia Liên Xô hiện tại.

Nhớ lại cách đây khoảng 30 năm về trước - thời điểm những năm đầu tái lập tỉnh, khi Nhà nước tiếp quản khu Chuyên gia, mọi thứ gần như nguyên bản, đẹp như mơ. Hình ảnh khu chuyên gia ngày đó còn in đậm trọng tâm trí những cán bộ, công nhân sông Đà, hiện đang sinh sống ở khu chuyên gia. Khu chuyên gia là làm cho "Tây” ở, là hình mẫu của đầu tư xây dựng và cảnh quan kiến trúc nước Nga kết hợp với văn hóa phương Đông hài hòa về phong thủy. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điện, nước, hạ tầng xã hội, văn hóa, các dịch vụ phụ trợ được quy hoạch khoa học và xây dựng đồng bộ. Hệ thống cây xanh được trồng tạo cảnh quang xanh mát và không khí trong lành cho người dân sinh sống và làm việc. Khu Chuyên gia tiện ích chẳng thiếu thứ gì cho một cuộc sống văn minh, có hệ thống trường học, khách sạn, trạm y tế, nhà văn hóa và các điểm vui chơi như sân bóng rổ, cầu lông, sân bóng bàn, chỗ đi bộ, khu vui chơi, các bức phù điêu nghệ thuật, hệ thống cây xanh dọc từng khu nhà mang đậm phong cánh Nga, như một quần thể công viên thơ mộng, đáng sống. Trong mỗi ngôi nhà có hệ thống cửa sổ đón gió, thoáng mát, nội thất không thể chê được có phòng tắm, phòng ngủ, tủ đựng đồ, bếp ăn, điều hòa, hệ thống điện ngầm, tạo không gian sống đầm ấm. Đến nay, những người làm trong ngành xây dựng vẫn phải thừa nhận: Khu Chuyên gia xưa vẫn là hình mẫu của kiến trúc, cảnh quan hài hòa với thiên thiên mà các khu dân cư mới hiện nay đang phải hướng đến.

Thời kỳ đầu, khu Chuyên gia chủ yếu dành cho những người xây dựng thủy điện Hòa Bình. Một phần dành cho các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội; vừa là chỗ làm việc, vừa làm chỗ ở cho cán bộ và người lao động. Một phần được tổ chức công đoàn tiếp quản, vận hành. Cho đến lúc này, khu Chuyên gia dành lại khu vực cho một công ty nước ngoài sản xuất, khu vực gần suối Đúng, vẫn được quy hoạch xây dựng nhà văn hóa công nhân, một phần được một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Tất cả phần còn lại là nhà ở dân cư với gần ngàn hộ dân. Đến nay, khu Chuyên gia được quy hoạch thành tổ dân phố 18, 19, 20, phường Hữu Nghị. Khu Chuyên gia đã có nhà văn hóa sinh hoạt chung, có cửa hàng dịch vụ, mát xa, karaoke, điểm chỉnh sửa chăm sóc, làm đẹp cho chị em, cơ sở dạy trẻ, học ngoại ngữ... như một khu dân cư bình thường. Chỉ có điều, người dân đang phải thích nghi sống trong hạ tầng, cơ sở vật chất ngày càng tồi tệ, sống trong cảnh nhếch nhác, hoang tàn, xưa cũ.

Đã có nhiều thế hệ sinh ra và sống tại khu chuyên gia. Biết bao gia đình không có ý tưởng chuyển đi vì không còn cơ hội, bao người ở lại vì đang trong thời kỳ quá độ chưa thể dời đi nơi khác. Ông Khánh mua lại hợp đồng thuê nhà tại cầu thang 49 - 50 đã được 6 năm nay. Gia đình hiện có 5 người, sống trên tầng 3, căn hộ loại 68 m2 cũng đã trở nên chật chội. Khi ông mua lại hợp đồng thì hạ tầng ngôi nhà đã xuống cấp và hiện ngày càng trầm trọng hơn. Người ta đào bới cả những gốc sưa đem bán kiếm lời. Khoảng không gian trước mỗi lô nhà cũng bị lấn chiếm, cơi nới làm nhà ở, bãi xe. Sức tàn phá của thời gian đã làm khu Chuyên gia xuống cấp nghiêm trọng. Hạ tầng công cộng gần như bị phá hỏng hoàn toàn. Tường bị đập, nắp sắt hố ga cũng bị bửa lấy cắp, công trình thể thao, sân chơi cũng chẳng còn... Hệ thống thoát nước gần như không còn tác dụng, cống bị lấp đầy, nước thải thường xuyên chảy lênh láng. Những ngày nắng nóng, mùi phân, khí của hố ga nồng nặc. Các ống nước thải chung bị hư hỏng, vỡ, dò rỉ hoặc tắc. Nước thải từ tầng trên thấm chảy thành dòng xuống tầng dưới. Hầu như gia đình nào cũng phải cải tạo, lắp thêm đường nước thải. Nhiều gia đình cơi nới, làm chuồng cọp, lấn chiếm để mở rộng diện tích, rào vườn, xây tường, trồng rau, xây chỗ ở, nhà để xe... Ông Khánh cho biết thêm: Nếu không cải tạo thì không thể ở. Tất cả các gia đình sinh sống đều phải cải tạo mới ở được. Hầu như năm nào cũng phải sửa chữa, đục tường, cơi nới để không gian rộng hơn, che chắn nước thải từ trên dội xuống… Nhiều lần bà con lo "sốt vó” vì nghe Nhà nước thu hồi làm trường Đại học, song lại thôi. Có dạo, chính quyền ra quân dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm xây dựng rồi cũng thấy yên. Đến nay, hầu như người dân chẳng nộp tiền nhà cho công ty quản lý. Thấy bảo, có chủ trương hóa giá nhà cho người đang thuê, nhưng cũng chưa thấy khởi động gì, cư dân ở đây mong muốn được cấp giấy tờ sở hữu nhà hợp pháp với giá cả hợp lý.


Chung Lê


Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục