(HBĐT) - Nhắc đến tỉnh Cao Bằng là nói đến quê hương cách mạng, nơi một thời là cơ quan đầu não của của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp oai hùng. Và ở vùng phên dậu của Tổ quốc này còn có thắng cảnh thác Bản Giốc, một trong bốn thác nước đẹp nhất nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Với dòng nước quanh năm tung bọt trắng xóa đã tạo nên một "dải lụa trắng” giữa núi non hoang sơ, hùng vỹ.


Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - một trong mười thác nước đẹp nhất thế giới.

Lần đầu tiên, chúng tôi có dịp được tận mắt ngắm nhìn một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng ở nơi địa đầu của Tổ quốc – thác Bản Giốc. Thắng cảnh này nằm ở xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (huyện Trung Khánh), cách TP Cao Bằng khoảng 90 km. Sau khoảng 2 giờ di chuyển trên con đường nhựa ngoằn nghèo đặc trưng của vùng miền núi, đi qua các bản làng yên bình, thác Bản Giốc hiện ra như một dải lụa trắng mềm mại giữa núi non trùng điệp. Từ Trạm Biên phòng Thác Bản Giốc vào đến thác Bản Giốc khoảng 500 mét. Từ xa, những dòng nước đổ xuống trắng xóa, với tiền cảnh là những thửa ruộng bậc thang, còn hậu cảnh là những dãy núi trùng điệp, mờ ảo trong làn hơi nước bay lên. Hai bên đường vào thác Bản Giốc, những sản vật của mảnh đất Cao Bằng được bà con bày bán, một khu bán hàng được xây dựng kiên cố để phục vụ du khách khi đến thưởng lãm 1 trong 10 thác nước đẹp nhất thế giới này.

Đại úy Đỗ Ngọc Hảo, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Thác Bản Giốc chia sẻ: Thác Bản Giốc nằm trên dòng sông Quây Sơn, một con sông bắt nguồn từ Trung Quốc chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Khi chảy đến khu vực Bản Giốc, con sông chia thành 2 nhánh và hạ thấp độ cao, tạo thành thác Bản Giốc. Với cảnh sắc kỳ vỹ, từ lâu, thác Bản Giốc đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, chính vì lẽ đó mà công tác cắm mốc biên giới tại con thác này gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2001, mốc biên giới đầu tiên được cắm trên thực địa nhưng phải đến tận ngày 14/1/2009 mới cắm được cột mốc ở chân thác, phía Việt Nam là cột mốc 836 (2), còn Trung Quốc là cột mốc 836 (1). Đây là cột mốc được cắm cuối cùng ở biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau khi phân giới xong toàn tuyến biên giới đất liền, chính phủ hai nước đã ký 3 Hiệp định để quản lý địa giới. Riêng ở khu vực thác Bản Giốc, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên). 

Với những Hiệp định được ký kết, ngày nay, thác Bản Giốc ngày ngày khoe sắc trắng ngần đầy yên bình, là điều kiện thuận lợi để du khách đến tham quan. Ngay ở khu vực chân thác có một tấm bảng khổ lớn in sơ đồ nhận biết đường biên giới khu vực thác Bản Giốc. Theo Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 1999), phần thác phụ hoàn toàn thuộc về lãnh thổ Việt Nam, còn phần thác chính chia đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thác chính có độ cao khoảng 70m, sâu 60m và rộng 300m, chia thành 3 tầng gồm nhiều thác lớn, nhỏ khác nhau. Còn thác phụ cao khoảng 70m, dù lượng nước chảy ít hơn nhưng trông cũng khá kỳ vỹ. Chị Thanh, một người bán hàng tại thác Bản Giốc cho biết: Tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian lý tưởng nhất để đến tham quan thác, bởi lúc này, lượng nước chảy vào thác lớn nhất, lại vào mùa bà con đang thu hoạch lúa chín. Dù không phải đến tham quan vào thời điểm lý tưởng như chị Thanh nói, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy choáng ngợp trước vè đẹp kỳ vỹ, hoang sơ ở thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á này. 

Ở vùng phên dậu này, ngoài thác nước kỳ vỹ, du khách còn có thể tham quan, vãn cảnh ở chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc. Ngôi chùa được khởi công xây dựng vào năm 2013, trên diện tích 3 ha, tựa vào núi Phia Nhằm, cách thác Bản Giốc khoảng 500m, có hướng chính nhìn ra toàn cảnh thác Bản Giốc. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng ở phía Bắc biên cương của Tổ quốc. 

Lần đầu đến thác Bản Giốc, chúng tôi không chỉ ấn tượng trước một thắng cảnh độc đáo, kỳ vỹ mà còn thấy tự hào về ý chí, quyết tâm của người dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.

                                                                                                Viết Đào

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục