(HBĐT) - Đến vùng Mường Vang - Lạc Sơn, những ai đã lâu mới có dịp quay trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay ở quê hương xứ Mường. Đó là diện mạo của những miền quê nông thôn mới (NTM), những dự án đầu tư vào địa phương, nền văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, du lịch phát triển… tất cả tạo nên một Mường Vang đang từng ngày khởi sắc.



Niềm vui trên từng xóm, làng

Hơn 10 năm trước, con đường dẫn đến thôn Nam Hòa 1, xã Xuất Hóa nhỏ hẹp, nhiều chỗ là đường đất, nhà văn hóa, cổng làng "thô sơ”… Trải qua quá trình "lột xác”, từ cổng làng cũng có thể thấy được nét hiện đại, đổi mới với một cổng chào bề thế, gắn hệ thống chạy chữ điện tử trị giá 70 triệu đồng. Tiếp đến là những con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp nối dài đến toàn khu, nhà văn hóa khang trang. "Từ chủ trương về cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng NTM, cùng đồng lòng của Nhân dân, thôn Nam Hòa 1 dần trở thành khu dân cư tiêu biểu của địa phương. Tính ra, đã có hơn 6.000 m2 đất được bà con hiến để xây dựng các công trình. Thôn đã cơ bản đáp ứng đầy đủ về cơ sở hạ tầng với sân chơi thể thao, 100% đường thôn cứng hóa, không còn nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,3%…” - ông Vũ Thăng Long, Bí thư chi bộ thôn Nam Hòa 1 chia sẻ. Cùng những đổi thay của thôn Nam Hòa 1, xã Xuất Hóa đã cán đích NTM năm 2017, đạt NTM nâng cao năm 2020. Cơ sở hạ tầng có nhiều cải thiện, nổi bật như đường trục xóm bê tông hóa gần 70%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 62%; 100% hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 100% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn… 
 

Công trình cổng chào thôn Nam Hòa 1, xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) thể hiện sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tháng 3/2021, xã Thượng Cốc được UBND huyện công bố đạt chuẩn NTM. Theo đó, hạ tầng nông thôn cũng "khoác” lên mình diện mạo mới, với 81% trục đường giao thông nông thôn, gần 80% kênh mương nội đồng được bê tông hóa; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; xã có 3 trường học đạt chuẩn… Nhân dân đã đóng góp hơn 45 tỷ đồng, gồm hiến đất, tiền và ngày công lao động xây dựng NTM.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, hạ tầng KT-XH của huyện không ngừng được đầu tư mạnh mẽ. Toàn huyện cứng hóa được hơn 45% đường giao thông nông thôn; 62% kênh mương được kiên cố hóa; 23/23 xã đạt tiêu chí về điện; 8/23 xã đạt tiêu chí về trường học… Có 7 xã đạt NTM, trong đó, 5 xã đạt NTM nâng cao là Tân Mỹ, Yên Nghiệp, Ân Nghĩa, Xuất Hóa, Thượng Cốc, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu là Tân Mỹ. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao đời sống Nhân dân, giúp huyện thực hiện các mục tiêu tiếp theo.

Bứt phá trong thu hút đầu tư    
     
Thời gian gần đây, huyện Lạc Sơn thực sự là điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư với những dự án được thu hút về địa phương. Áp dụng chính sách tạo quỹ đất sạch để trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, huyện đã hỗ trợ khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ. Đến nay, huyện có 25 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn hơn 596 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án trên 1.258 ha; trong đó, 13 dự án đã đi vào hoạt động. Hiện, một số nhà đầu tư đang nghiên cứu các dự án đầu tư vào huyện như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Hồ Gươm, Tập đoàn TH True milk...

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư của huyện, đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Lạc Sơn là địa bàn có nhiều tiềm năng để các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án. Cụ thể như tài nguyên đất có thể khai thác sử dụng còn nhiều; tài nguyên du lịch, rừng và khoáng sản (như quặng sắt) phong phú. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ dồi dào, chiếm 35% trong tổng số 60% người trong độ tuổi lao động toàn huyện, tương đương trên 48.300 người. Do đó, chính sách mới về công tác quản lý đất đai được huyện chú trọng thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, hướng tới hiện thực hóa các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”.

Để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, công tác GPMB được xác định là khâu quan trọng. Điển hình như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng thực hiện ở xã Yên Phú, thời gian triển khai từ năm 2017 - 2022, tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng, công trình ảnh hưởng đến hơn 1.600 hộ và 11 tổ chức, diện tích GPMB lên tới hơn 1.200 ha, gồm đất công trình và đất tái định cư. Đây được ví như cuộc di dân lịch sử của huyện Lạc Sơn nói riêng, của tỉnh nói chung với số lượng lớn người và tài sản. Cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo và trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền xã Yên Phú tổ chức họp dân lấy ý kiến và nhiều hình thức khác như tổ dân vận cơ sở, già làng, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ. Riêng xã Yên Phú có 200 hộ bị ảnh hưởng, đến nay, bà con đã nhất trí phương án bồi thường và di chuyển đến nơi ở mới là khu tái định cư Đồng Xe. 

Những quyết sách chiến lược để nâng tầm Mường Vang

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lạc Sơn lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định các chỉ tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực đến năm 2025: Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước đạt 170 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 15%; có 57% xã đạt chuẩn NTM… Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đó, tháng 7/2021, Huyện ủy đã ban hành hàng loạt nghị quyết chuyên đề về từng lĩnh vực mang tính chiến lược, lâu dài để nâng tầm Mường Vang trong thời gian tới. Trong đó có nghị quyết về thu hút đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác quản lý đất đai và GPMB; phát triển đô thị, du lịch. 

Đặc biệt, với quyết tâm thu hút đầu tư, huyện xác định mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025 thu hút được khoảng 20 dự án mới. Trong đó, 60% dự án công nghiệp; 20% dự án về dịch vụ, du lịch; 20% dự án về nông nghiệp; xây dựng mới 1 khu công nghiệp; phấn đấu tạo việc làm cho khoảng từ 7.000 - 10.000 lao động địa phương là chủ yếu. Theo đó, tập trung vào các khâu quy hoạch phân vùng; nắm bắt thông tin nhà đầu tư có năng lực để tổ chức quảng bá, kêu gọi; hỗ trợ giải quyết thủ tục, nhất là trong thỏa thuận GPMB với cá nhân, tổ chức đảm bảo cho nhà đầu tư lấy đất nhanh nhất trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, huy động vốn tư nhân để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên giải quyết trước công trình hạ tầng quy mô nhỏ, cấp thiết để đảm bảo an sinh xã hội. Đối với vốn sự nghiệp của địa phương, tập trung bảo trì, nâng cấp công trình hiện có để tăng năng lực, thời gian sử dụng. Với tầm nhìn đó, hứa hẹn Mường Vang sẽ tạo nên bức tranh mới tươi đẹp của xứ Mường trong thời gian không xa. 
(Còn nữa)

 Nhóm P.V Phòng XDĐ - NC

Các tin khác


Tìm lại mùa xuân trên bản Mông

(HBĐT)- Nhìn lại 10 năm thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), nhiều kết quả tích cực trên "mảnh đất dữ” đã mang lại ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân.

Bài 2 - Qua gian khó càng sáng tỏ lòng dân, ý Đảng 

Tìm lại mùa xuân trên bản Mông

(HBĐT) - "10 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ lên xã Pà Cò để làm việc, thời điểm đó, chỉ cần nghe tên hai địa danh Hang Kia, Pà Cò là nhiều người lại lắc đầu với nỗi khiếp sợ, bởi trong tiềm thức nhiều người, đây được coi là "lãnh địa” của thuốc phiện và của những hủ tục lạc hậu, tuy là người địa phương được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về "cắm bản” cùng Nhân dân từng bước thực hiện Đề án số 03, nhưng giờ nhớ lại trong tôi đó thật sự là những ngày tháng không thể quên". Đó là những tâm sự của anh Hàng A Phứ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò trong suốt 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên quê hương của mình.

Bài 1 - Một thập kỷ phục hồi "miền đất dữ” Hang Kia - Pà Cò 

Sâu đậm nghĩa tình Hòa Bình với Thành phố Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, lao động tự do. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, ngày 6/8, UB MTTQ tỉnh ra Lời kêu gọi ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại TPHCM. Thời gian ủng hộ đến ngày 10/8 tại trụ sở cơ quan UB MTTQ tỉnh.

Khu An Thịnh - “miền quê đáng sống”’

(HBĐT) - Khu 7, thị trấn Mường Khến cũ - nay là khu An Thịnh, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thành lập tháng 7/1989. Khi mới thành lập khu có 76 hộ với hơn 300 nhân khẩu, chi bộ có 5 đảng viên.

Ghi ở chốt “nóng” chống dịch Covid-19 trên quốc lộ 6 huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn vào 18h ngày 27/7, trên các tuyến đường ra vào huyện Lương Sơn luôn có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, nhân viên y tế túc trực tại các điểm chốt. Dưới ánh nắng chói chang, nhiều cán bộ, chiến sỹ áo ướt đẫm mồ hôi, nhân viên y tế trùm kín bảo hộ bằng ni lông cả ngày lẫn đêm vì sự an toàn cho Nhân dân, tăng cường phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở mức cao nhất.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở - Động lực phát triển bền vững

(HBĐT) - Thực tế trong quá trình thực hiện các chủ trương, chỉ thị, kết luận của T.Ư, của tỉnh về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nơi nào người đứng đầu nhận thức thấu đáo, quyết liệt vào cuộc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về QCDC ở cơ sở, nơi đó tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tế, tạo được sự đồng thuận của người dân hưởng ứng, tham gia chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà  nước - đồng chí Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.

Bài 2 - Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục