(HBĐT) - Ngay sau Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tân Lạc là huyện đầu tiên của tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút tổng mức đầu tư của các dự án lên tới trên 4.239 tỷ đồng. Đặc biệt, tại hội nghị xúc tiến đầu tư này, huyện đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng tại xã Vân Sơn, xã Suối Hoa... Phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng (DLCĐ), du lịch nghỉ dưỡng tại các xã vùng cao được Tân Lạc xác định là hướng đi mũi nhọn, mục tiêu hàng đầu giúp địa phương tạo nên bứt phá trong nhiệm kỳ mới. 


Đánh thức du lịch vùng cao đất Mường cổ

Con đường mới được nâng cấp rộng rãi đưa chúng tôi từ trung tâm huyện Tân Lạc lên đến xã vùng cao Vân Sơn, nơi có bản DLCĐ xóm Chiến. Lên đến xóm Chiến, mở ra trước mắt là không gian đồng ruộng bao la, núi đồi hoang sơ, không khí trong lành. Người dân xóm Chiến vẫn giữ được đậm nét phong tục, văn hóa người Mường như ở nhà sàn, trang phục dân tộc. Bà con còn giữ được giống quýt cổ, quả nhỏ, vỏ mỏng, có vị ngọt, thơm, chua nhẹ. Từ những tiềm năng, lợi thế, cuối năm 2018, xóm Chiến được Quỹ Australia vì nhân dân châu Á - Thái Bình Dương (AOP) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển DLCĐ”. Từ khi thực hiện mô hình DLCĐ, cảnh quan môi trường trong xóm được cải thiện đáng kể. Xóm quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm. Những người dân vùng cao hiền lành, chất phác đã bắt đầu thành thạo làm DLCĐ. Bức tranh du lịch vùng cao Tân Lạc có những khởi sắc.



Người dân xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) chuẩn bị đặc sản địa phương để đón khách du lịch (ảnh chụp tháng 1/2021).

Trên địa bàn huyện hiện có 19 điểm di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh. Mảnh đất Mường cổ này hội tụ đầy đủ các yếu tố để làm nên sức hấp dẫn du lịch như: Bản sắc văn hóa Mường còn được lưu giữ khá đậm nét; danh lam thắng cảnh đẹp, hùng vĩ; hệ sinh thái khá phong phú, với nhiều hệ động, thực vật đặc hữu, hệ thống sông suối, hồ đập, hang động dày đặc, khí hậu ôn hoà, mát mẻ; người dân đôn hậu… Từ đây, huyện đã hình thành 3 không gian du lịch chính: Không gian phía Bắc gồm các xã: Phú Cường, Suối Hoa, Phú Vinh; không gian phía Nam gồm các xã: Phong Phú, Vân Sơn, Ngổ Luông; không gian trung tâm gồm thị trấn Mãn Đức và các xã lân cận: Tử Nê, Thanh Hối. Huyện cũng xác định rõ các vùng tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch của huyện là vịnh Ngòi Hoa (xã Suối Hoa), khu vực hồ Trọng, xóm Kem (xã Phong Phú), xóm Trăng Tà (xã Nhân Mỹ), xóm Đá (xã Lỗ Sơn) và các xã vùng cao của huyện. 

Để tạo điểm nhấn cho du lịch, từng bước hình thành các không gian du lịch chính, huyện đã triển khai kế hoạch trồng đào ven các tuyến đường vùng cao, nhằm tạo hình ảnh đặc trưng cho sản phẩm du lịch các xã vùng cao. Huyện phối hợp Sở VH-TT&DL hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh công nhận 2 di tích danh lam thắng cảnh là hang Núi Kiến (xã Vân Sơn) và thác Trăng (xã Nhân Mỹ). Đồng thời, xây dựng đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch của địa phương tại các xã vùng cao như: quýt cổ Vân Sơn, rau su su Quyết Chiến... Vấn đề khôi phục các lễ hội, duy trì nghề truyền thống gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc như: Đan lát, dệt thổ cẩm... bước đầu tạo thành những sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng phục vụ du lịch. Tân Lạc là địa phương đi đầu trong tỉnh, tiên phong trong việc phục dựng các lễ hội truyền thống, tiêu biểu là Lễ hội Khai hạ đầu xuân, vừa góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, vừa thu hút đông đảo khách du lịch. 

Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo đà cho du lịch cất cánh

Nhận thức được thế mạnh, xu thế và sự hấp dẫn của du lịch lòng hồ, huyện đặc biệt quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các công trình phục vụ du lịch lòng hồ. Cụ thể như, cuối năm 2018, để thi công công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 đi qua qua địa bàn xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa) gần 9 km, có khoảng 200 hộ phải di dời tài sản, mất hoa màu, cây cối khi thi công tuyến đường. Huyện đã phân công lãnh đạo phụ trách địa bàn tuyên truyền, vận động, tháo gỡ vướng mắc nên mặc dù chưa nhận tiền đền bù, tháng 9/2018, người dân xã Suối Hoa đã cơ bản ứng xong mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu tổ chức thi công đồng loạt, trong khi các địa phương lân cận việc GPMB mới đạt khoảng 20%. 

Tuyến đường 435 từ TP Hòa Bình lên Suối Hoa đã mở ra cơ hội phát triển du lịch cho lòng hồ Hòa Bình nói chung, xã Suối Hoa nói riêng. Hiện tại, trên địa bàn xã có 8 công ty, doanh nghiệp đang khảo sát xin chủ trương đầu tư và các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Trong đó đã có 4 dự án được chấp thuận chủ trương, gồm: khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình (100,37 ha), khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa (146,6 ha), khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa (183,55 ha), khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà (62,98 ha). Tuy nhiên, vấn đề GPMB đang gặp một số khó khăn. Khẩn trương và quyết liệt vào cuộc, lãnh đạo huyện Tân Lạc thường xuyên đi thực tế cơ sở, nắm bắt các vướng mắc.  

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để biến điều kiện thành cơ hội đưa địa phương bứt phá, phát triển cần sự đồng sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, đặc biệt là sự hợp tác của Nhân dân, nhất là ở các khu vực có dự án triển khai. Bằng các chính sách thông thoáng và sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất của tỉnh, hiện đã có một số nhà đầu tư vào địa bàn để triển khai đầu tư, trong đó có 4 nhà đầu tư đã, đang triển khai dự án. Tuy nhiên, quá trình GPMB còn chậm so với kế hoạch. UBND huyện yêu cầu các ngành có liên quan làm sáng tỏ các nội dung kết luận trong các buổi làm việc của tỉnh và huyện tổ chức. Hướng dẫn cụ thể cho các xóm, cùng tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là với các hộ nằm trong vùng dự án đồng thuận cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà đầu tư, thỏa thuận các phương án hỗ trợ, đền bù, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án…

Để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nên bứt phá cho KT-XH địa phương, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ. Tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, DLCĐ chất lượng cao gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch. Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá du lịch đến đông đảo du khách và nhà đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 27 vạn lượt khách, tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt khoảng 85 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Nhóm P.V Phòng Xây dựng Đảng - Nội chính

Các tin khác


Tìm lại mùa xuân trên bản Mông

(HBĐT) - "10 năm trước, tôi nhận nhiệm vụ lên xã Pà Cò để làm việc, thời điểm đó, chỉ cần nghe tên hai địa danh Hang Kia, Pà Cò là nhiều người lại lắc đầu với nỗi khiếp sợ, bởi trong tiềm thức nhiều người, đây được coi là "lãnh địa” của thuốc phiện và của những hủ tục lạc hậu, tuy là người địa phương được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ về "cắm bản” cùng Nhân dân từng bước thực hiện Đề án số 03, nhưng giờ nhớ lại trong tôi đó thật sự là những ngày tháng không thể quên". Đó là những tâm sự của anh Hàng A Phứ, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò trong suốt 10 năm thực hiện nhiệm vụ trên quê hương của mình.

Bài 1 - Một thập kỷ phục hồi "miền đất dữ” Hang Kia - Pà Cò 

Sâu đậm nghĩa tình Hòa Bình với Thành phố Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, lao động tự do. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, ngày 6/8, UB MTTQ tỉnh ra Lời kêu gọi ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 tại TPHCM. Thời gian ủng hộ đến ngày 10/8 tại trụ sở cơ quan UB MTTQ tỉnh.

Khu An Thịnh - “miền quê đáng sống”’

(HBĐT) - Khu 7, thị trấn Mường Khến cũ - nay là khu An Thịnh, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thành lập tháng 7/1989. Khi mới thành lập khu có 76 hộ với hơn 300 nhân khẩu, chi bộ có 5 đảng viên.

Ghi ở chốt “nóng” chống dịch Covid-19 trên quốc lộ 6 huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn vào 18h ngày 27/7, trên các tuyến đường ra vào huyện Lương Sơn luôn có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ công an, nhân viên y tế túc trực tại các điểm chốt. Dưới ánh nắng chói chang, nhiều cán bộ, chiến sỹ áo ướt đẫm mồ hôi, nhân viên y tế trùm kín bảo hộ bằng ni lông cả ngày lẫn đêm vì sự an toàn cho Nhân dân, tăng cường phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 ở mức cao nhất.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở - Động lực phát triển bền vững

(HBĐT) - Thực tế trong quá trình thực hiện các chủ trương, chỉ thị, kết luận của T.Ư, của tỉnh về quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Nơi nào người đứng đầu nhận thức thấu đáo, quyết liệt vào cuộc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về QCDC ở cơ sở, nơi đó tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tế, tạo được sự đồng thuận của người dân hưởng ứng, tham gia chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà  nước - đồng chí Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.

Bài 2 - Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở - Động lực phát triển bền vững

(HBĐT) - Từ việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung quy chế dân chủ (QCDC) theo phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận cao trong tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bài 1: Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục