(HBĐT) - Đến Hoà Bình là đến với khám phá văn hoá và ẩm thực, trong đó cá sông Đà, lợn bản địa là món không thể thiếu. Từ một người đang làm doanh nghiệp xây dựng, anh Lường Văn Sương, xã Đồng Chum (Đà Bắc) chuyển sang nuôi bò và lợn bản địa. Anh là người đứng lên gây dựng Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Đồng Chum với mục tiêu bảo tồn giống lợn bản địa, đưa hương vị lợn bản đến những thị trường lớn.

 


Sau khi "vấp" nhiều nghề, anh Xa Văn Đương, xóm Mới, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đầu tư nuôi lợn bản hiệu quả.

Sau một lần "ăn ngon”

Cách đây 2 năm, nhà có việc, anh Sương mua 1 con lợn bản nặng hơn 1 tạ được người dân trong xóm nuôi hơn 3 năm. Trong suy nghĩ của anh và mọi người đây là con lợn già tuổi, thịt dai và mỡ. Nhưng khi mổ ra lợn nạc, mỡ vừa đủ, bì lợn giòn rất ngon. Anh cho hay: Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cao Đà Bắc nên không lạ gì món lợn bản, cũng chẳng bao giờ nghĩ mình đi nuôi lợn, duy trì giống lợn bản đặc sản của quê hương. Nhưng sau lần đó, tôi luôn có suy nghĩ: Giống lợn ngon, có thương hiệu, nguồn thức ăn dồi dào ở địa phương tại sao không thể nuôi quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và tạo việc làm cho bà con vùng cao. Nghĩ là làm, anh đi tham khảo và tìm chọn giống lợn bản để nuôi. Nhiều đời nay, gia đình nào trên vùng cao này cũng nuôi lợn. Tuy nhiên, về giống lợn thì có giống nào nuôi giống đó, giống lợn bản địa chuẩn, khỏe, mắn đẻ, hình dáng lưng thẳng, bụng treo ít mỡ còn rất ít. Để xây dựng được thương hiệu trước hết phải chọn được giống lợn chuẩn. Qua 1 năm tìm kiếm anh mua được 15 con lợn nái. Giống lợn bản địa vốn khoẻ, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương nên việc chăm sóc cũng đơn giản. Sau thời gian nuôi, đàn lợn của anh hiện có hơn 50 con lợn bản địa thuần chủng.

Đưa chúng tôi thăm khu chuồng trại được xây quy mô với lợn nái, lợn thương phẩm, anh Sương chia sẻ: Ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc nói chung, ở Đồng Chum nói riêng rất phù hợp chăn nuôi lợn bản địa. Giống lợn khỏe, chuồng trại đơn giản, chỉ cần mái che mưa, nắng. Bà con có kinh nghiệm nuôi từ nhiều đời nay. Nguồn thức ăn đơn giản và dồi dào. Muốn nuôi được lợn ngon chỉ cần thức ăn sẵn có như cây chuối, rau, cỏ và nhất là sắn. Hiện, diện tích trồng sắn ở huyện lớn, giá rẻ, chỉ 1.000 đồng/kg sắn tươi, do vậy không lo nhiều về thức ăn. Trong những năm gần đây, chăn nuôi lợn lai gặp nhiều rủi ro, giá cả thất thường. Đến thời điểm xuất chuồng giá lợn giảm, giá thức ăn chăn nuôi cao, người nuôi buộc phải bán lỗ. Tuy nhiên, đối với nuôi lợn bản địa không phụ thuộc vào thị trường. Giá luôn ổn định trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Nếu giá lợn xuống thấp vẫn tiếp tục nuôi. Lợn càng nuôi lâu càng ngon, khách hàng càng thích.   
    
Giấc mơ gây dựng thương hiệu 

Sau hơn 1 năm nuôi, anh Sương thấy hiệu quả kinh tế cao nên bàn với một số hộ chăn nuôi trong xã thành lập HTX với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các hộ. Nhiều người đi làm xa trở về địa phương xây chuồng, mua giống nuôi lợn làm thu nhập chính của gia đình. Anh Sương cho biết: Lợn bản địa vốn chậm lớn, thời gian nuôi dài nhưng lại tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm của địa phương như cây chuối, rau, củ, quả, đặc biệt là sắn. Sắn mua tươi về ủ với men dùng làm thức ăn chính cho cả năm. Mỗi con lợn từ khi cai sữa đến lúc xuất chuồng trung bình lớn được 6 - 7 kg/tháng. Sau 1 năm thì bán. Như vậy, trừ chi phí mỗi con lợn cho thu 400 - 500 nghìn đồng/tháng. Mỗi hộ nuôi 30 - 50 con là cũng có thu nhập.

Anh Xa Văn Đương, xóm Mới là thành viên HTX chia sẻ: Trước đây, tôi nuôi lợn lai cho ăn cám công nghiệp nhưng rủi ro quá nhiều. Thứ nhất là dịch bệnh thường xuyên. Có đợt dịch trắng tay vừa khóc vừa mang lợn đi chôn. Thứ hai là giá cả phụ thuộc vào thị trường và nguồn cung cấp cám. Khi giá lợn cao chưa xuất chuồng được. Khi xuất chuồng giá lại rẻ. Để nuôi tiếp thì lợn không lớn nữa, chi phí tăng nên lỗ. Từ ngày thành lập HTX tôi chuyển sang nuôi lợn bản địa. Anh em trong HTX hỗ trợ nhau về giống, vốn, còn tiêu thụ chỉ lo không có nguồn hàng. Hiện, tôi nuôi 16 con lợn nái và gần 70 con lợn thương phẩm. Cách đây vài hôm, khách ở Hà Nội lên đặt Tết này mua 80 con. Tôi nhận bán nhưng số lượng không đủ. 

Đồng chí Lường Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đồng Chum cho biết: Kinh tế của xã chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng rừng, trồng màu và chăn nuôi gia súc. Nhiều năm nay, việc nuôi trồng nhỏ lẻ nên kinh tế chưa bứt phá được. Giá nông sản thấp, chăn nuôi nhiều rủi ro nên việc trồng cây gì, nuôi con gì là lựa chọn khó cho người nông dân. HTX đa ngành nghề Đồng Chum được thành lập với 15 hộ tham gia nuôi hàng trăm con lợn nái và lợn thương phẩm. Hướng chăn nuôi lợn bản địa không chỉ giải quyết được nông sản địa phương giá rẻ mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân; cung cấp thực phẩm sạch, an toàn, chất lượng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, UBND huyện Đà Bắc cũng đã hỗ trợ các mô hình nhằm bảo tồn giống lợn bản. Trong thời gian tới, Đảng uỷ, UBND xã tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển, xây dựng thương hiệu, xây dựng quy trình chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn, mở rộng khách hàng tiêu thụ… Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế bứt phá của xã trong những năm tới.


Việt Lâm

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục