BBL chiến sĩ Điện Biên Phủ TPHB trong lần về thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.  Ảnh: P.V

BBL chiến sĩ Điện Biên Phủ TPHB trong lần về thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: P.V

(HBĐT) - “Tôi là lính Sư đoàn 312, ông Lê Trọng Tấn là Sư trưởng, ông Trần Độ là Chính ủy, ông Đàm Quang Trung Đại đoàn phó... Đơn vị tôi tham gia đánh trận Him Lam từ ngày đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ”... Dòng chảy từ những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức của người chiến sỹ Điện Biên Giang Lê Bộ (ở tổ 22, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình) cứ thế tuôn chảy, đưa chúng tôi trở lại những trận đánh diễn ra cách đây đúng 60 năm trên sa trường Mường Thanh...

 

Chiến đấu bên những người bạn Nhật Bản và Ba Lan

 

Thời gian đã trôi qua 60 năm, trong ký ức về cuộc chiến tại sa trường Mường Thanh năm xưa của những người như ông Bộ đã ít nhiều phai nhạt. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, một miền ký ức, ông kể cho chúng tôi câu chuyện chiến đấu về những trận đánh đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm Him Lam vào lúc 17h ngày 13/3/1954. Câu chuyện của ông làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có lẽ, đó là những câu chuyện mà không có nhiều người biết đến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. ông kể: Sư đoàn tôi là sư đoàn lên Điện Biên đầu tiên. Khi lên Điện Biên sư đoàn 316 đang truy kích địch ở Lai Châu, Sư đoàn 308 còn ở Lào chưa về. Hai trung đoàn 9 và trung đoàn 57 của 304 còn ở Thanh Hóa chưa lên, khi đó ở Điện Biên mới có Sư đoàn 312 chúng tôi và đại đội pháo ở Trung Quốc vừa mới về. Trận Him Lam là trận đánh đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Chỉ thị cho Trung đoàn 209 của Sư đoàn 312 chúng tôi đánh. Đây là một cứ điểm phòng ngự chắc chắn của địch nên Trung đoàn 209 đánh từ 5h cho đến 8h tối vẫn chưa mở được đột phá khẩu. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Trung đoàn 141 của Sư đoàn 312 cử tiểu đoàn chủ công giỏi nhất vào để hỗ trợ cho Trung đoàn 209 đánh cứ điểm Him Lam...

 

Có một điều đặc biệt mà CCB Giang Lê Bộ kể là trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn của ông có 3 chỉ huy mang 3 quốc tịch khác nhau. Ngoài Chính trị viên là người Việt thì còn có một người mang quốc tịch Nhật Bản là anh Nguyễn Văn Thành (ông không còn nhớ tên Nhật Bản của vị chỉ huy này) làm tiểu đoàn trưởng. Đây là một vị chỉ huy rất đặc biệt. bởi từ năm 1944, khi cách mạng tháng 8 của nhân dân ta đang bước vào cao trào, nhận thấy việc chiếm đóng của quân Nhật ở Việt Nam là cuộc chiến phi nghĩa, anh Thành đã ra hàng quân đội Việt Minh, khi ra hàng đã đưa theo một đại đội lính Nhật do mình chỉ huy. Về với Việt Minh, anh đã đổi thành tên người Việt Nam, coi như mình là một người Việt Nam. Chiến đấu vì lý tưởng của nhân dân Việt Nam. ông Giang Lê Bộ kể: Khi đó, tiểu đoàn tôi chỉ có duy nhất anh Thành là người Nhật, số binh sĩ còn lại tôi không rõ được biên chế vào đơn vị nào. Mai đến sau khi kết thúc chiến dịch tôi mới được biết là hầu hết số anh em người Nhật theo anh Thành về với Việt Minh đã được bổ sung cho Trung đoàn 66 (Trung đoàn Ký con), Sư đoàn 306. Ngoài Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành là người Nhật, ông Giang Lê Bộ còn kể cho chúng tôi thêm một chi tiết khá bất ngờ nữa là người được giao trọng trách giữ chức vụ Tiểu đoàn phó của ông cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản mang quốc tịch Ba Lan. Đây cũng là một vị chỉ huy khá đặc biệt. Anh này, trước khi được đưa sang chiến trường Đông Dương là phi công lái máy bay được đào tạo tại Pháp, đã từng tham gia chiến đấu trong nhiều cuộc chiến trong chiến tranh thế giới thứ II. Khi sang Việt Nam, anh vẫn tiếp tục làm phi công lái máy bay cho đến khi bị bộ đội Việt Minh bắn rơi ở Thái Bình. Khi rơi xuống đã bị du kích bắt được, sau khi chứng minh được mình là một đảng viên Đảng cộng sản, anh đã được chấp thuận cho gia nhập lực lượng QĐND Việt Nam và đi chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Khi trở thành một chiến sỹ QĐND Việt Nam, anh này đã lấy họ của Bác làm họ của mình và lấy tên là Toán. Tên Việt Nam đầy đủ là Hồ Văn Toán. Trong chiến đấu, những chiến sỹ cộng sản mang quốc tịch Nhật Bản và Ba Lan đã luôn ở tuyến đầu, đồng cam cộng khổ cùng những chiến sỹ như ông Bộ đào hầm hào, kiên cường chiến đấu, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong đó, đáng kể nhất là những trận đánh đầu tiên ở cứ điểm Him Lam, trận đánh cứ điểm đồi E và trận đánh sân bay Mường Thanh. Trong những trận đánh đó, cùng với bộ đội Việt Minh, những vị chỉ huy người Nhật và người Ba Lan này luôn xung phong ở tuyến đầu lập được nhiều thành tích xuất sắc góp phần quan trọng vào việc tạo bước đột phá trong đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự của địch ở lòng chảo Điện Biên. Sau khi chiến dịch Điện Biên thì anh Thành đi Trung Quốc tập huấn, anh Toán còn ở lại Việt Nam sau cũng về Ba Lan. Từ đấy chúng tôi cũng bặt tin nhau, chưa một lần được gặp lại. Giờ chẳng biết họ còn hay mất, giọng người lính Điện Biên năm xưa cứ ngùi ngùi, đôi mắt già nua cứ nhìn về phía xa xăm. Không nói nhưng chúng tôi biết rằng, những năm tháng chiến đấu bên nhau, với họ vẫn mãi là đồng chí, đồng đội và có cả sự gắn bó của tình anh em.

 

Câu chuyện của người lính pháo binh và niềm tin tất thắng  

 

Qua câu chuyện của đại tá Đỗ Sâm, nguyên là sỹ quan Trung đoàn trọng pháo 105mm Tất Thắng 45 Đại đoàn pháo binh 351 - chúng tôi, những người thuộc thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh đã phần nào hiểu được những vất vả, gian khó mà ông và những đồng đội - những chiến sỹ pháo binh Điện Biên năm xưa trải qua. Đã 60 năm trôi qua nhưng với ông Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là một dấu mốc không phai trong cuộc đời ông và đó cũng là dấu ấn không phai của lực lượng pháo binh Việt Nam trong một trận đánh lớn. Theo đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng 45, đại đoàn 351 của ông đã tham gia ngay từ giai đoạn ta chuẩn bị theo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh rồi chuyển sang phương châm đánh chắc, thắng chắc. Kéo pháo vào trận địa rồi lại kéo pháo ra. Nhưng với tinh thần tất cả để chiến thắng, ông cùng CBCS Trung đoàn Tất Thắng đều thể hiện quyết tâm cao, vượt mọi khó khăn, gian khổ, nhanh chóng đưa pháo vèo trận địa, trút bão lửa xuống đầu quân thù ở tập đoàn cứ điểm trong lòng chảo Điện Biên Phủ.

 

Trong câu chuyện của ông đã sống lại những ký ức hào hùng. Đó không chỉ là những khó khăn gian khổ mà đó là những sáng tạo, những chiến công anh hùng trong chiến đấu của bộ đội pháo binh chiến công của Đại đội 106 thuộc đại đoàn pháo binh 351 là đại đội đã từng làm quân Pháp kinh hồn bạt vía trong chiến dịch giải phóng Hòa Bình (1951 - 1952). ông kể: Sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Hòa Bình, Đại đội 106 đã tham gia chiến đấu ở một số nơi thuộc địa bàn Tây Bắc rồi được cấp trên điều động sáp nhập với Trung đoàn pháo binh Tất Thắng khi vừa từ Trung Quốc trở về. Với những thành tích nổi bật trong chiến đấu tại chiến dịch Hòa Bình, đại đội 106 đã vinh dự được trên ra lệnh bắn phát đầu tiên mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ đánh vào cứ điểm Him Lam vào chiều ngày 13/3/1954. Trước đó, vào lúc 3h chiều ngày 13/3/1954,  đại đoàn 312 bị quân Pháp dùng xe tăng tấn công vào tuyến xuất phát, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho Đại đội 106 bắn 2 phát vào đội hình quân địch. Cả 2 phát đều trúng và tiêu diệt xe tăng địch. Sau đó, khi mở màn chiến dịch Đại đội cũng đã vinh dự nổ phát súng đầu tiên. Trong 18 quả đạn pháo đều trúng vào cứ điểm phòng ngự Him Lam làm quân địch vô cùng hoang mang, khiếp sợ đã tạo điều kiện cho bộ binh của sư 312 và các đại đoàn khác đánh thắng ở cứ điểm Him Lam ngay trong ngày mở màn chiến dịch. Có một điều đặc biệt, Đại đội 106 cũng chính là đơn vị tham gia bắn thử pháo tại xóm Cửa Lũy xã Đoàn Kết (Yên Thủy) trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào thời điểm cuối năm 1953...

 

Trong suốt cuộc trò chuyện với thế hệ trẻ thanh niên Hòa Bình trong cuộc tọa đàm Ký ức Điện Biên, khi được hỏi đâu là sức mạnh để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tá Đỗ Sâm chia sẻ: Sở dĩ lúc đó chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn gian khổ là vì chúng tôi có niềm tin vào chiến thắng. Nếu các bạn thanh niên bây giờ ở vào cương vị của chúng tôi lúc đó cũng sẽ làm như chúng tôi là ra chiến trường để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Chiến thắng của lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước kiên cường bất khuất thì kẻ thù nào cũng phải chịu khuất phục. Đó là sức mạnh Việt Nam.

                                                                               

 

 

                                                                         Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Đông đảo người dân xã Xuân Phong (Cao Phong) đến xem buổi chiếu phim lưu động.
Chiến trường Điện Biên Phủ với những công sự, hàng rào dây thép gai chằng chịt năm xưa giờ chỉ còn trong ký ức của những người lính Điện Biên.
Ông Đinh Văn Thâm một trong 4 chiến sĩ dân quân du kích xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) được kết nạp Đảng ngay tại trận địa ngày 27/6/1965 kể về trận đánh máy bay Mỹ.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.

Nhiều cầu treo nguy hiểm khi giao thông

(HBĐT) - Theo rà sát của Sở GT-VT mới đây về hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh có 72 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 777,89 km, 2.709,7 km đường xã, 286 km đường đô thị, đường trục thôn, xóm 2.954 km, đường trục chính nội đồng 2.081,4 km đường, 2.957,6 km đường ngõ. Các huyện, thành phố quản lý 395 cầu trong đó có 57 cầu treo và 8 cầu phao.

Tìm lại ký ức khu “thánh địa” Mường Thàng

(HBĐT) - Cũng giống như khu mộ cổ Đống Thếch, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi), khu mộ cổ Đống Cúi, xã Dũng Phong (Cao Phong) cũng đã từng là khu mộ đá thâm u, kỳ bí tồn tại qua hàng trăm năm. Nhưng rồi cả khu mộ đá rộng hàng chục ha cũng biến mất sau những cuộc đào bới, săn tìm cổ vật. Dấu tích còn lại của khu rừng mộ khi xưa, giờ chỉ còn trong hoài niệm và những hòn mộ đá vương vãi lẫn trong những vườn mía bạt ngàn đầy tiếc nuối...

Phía sau người đi lao động xuất khẩu

(HBĐT) - Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà lao động xuất khẩu đã mang lại. Nhiều gia đình đã đổi đời từ khi có người thân đi lao động ở nước ngoài. Thị trường lao động mà tỉnh ta đang hướng tới như Malaixia, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... Nhưng từ câu chuyện xuất khẩu lao động, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh.

Xóm Sổ mong mỏi một cây cầu

(HBĐT) - Lội nước hoặc đu cáp qua suối Sổ là cách duy nhất để vào được xóm Sổ, xã Trung Thành (Đà Bắc). Con đường đất lầy lội dài 4 km từ trung tâm xã vào xóm khó khăn là vậy nhưng chưa thấm vào đâu so với sự nguy hiểm khi qua suối.

Mất mạng vì đào vàng - nỗi đau từ xóm Suối Con

(HBĐT) - Chiều ngày 25/3, chiếc xe chở 21 người từ huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cũng đã về đến xóm Suối Con (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi). Đây là nhóm thứ hai vào đào bới, kiếm tìm thi thể của 3 thanh niên, nạn nhân của vụ sập hầm vàng thảm khốc trong tối 10/1/2014 tại khu vực Bãi Cao, thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam).

Thực, ảo mạng xã hội Facebook

(HBĐT) - Mạng xã hội Facebook (FB) đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Mạng xã hội này thực sự đem lại nhiều hữu ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của mạng xã hội này cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục