Bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi Dương Yến Quỳnh, xã Trường Sơn (Lương Sơn).

Bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi Dương Yến Quỳnh, xã Trường Sơn (Lương Sơn).

(HBĐT) - Sau hơn 1 năm gặp lại, bé Dương Yến Quỳnh ở xã Trường Sơn (Lương Sơn) vẫn xanh xao, bụng to, khuôn mặt đặc trưng thalassemia (tan máu bẩm sinh). Em nhỏ hơn tuổi lên 6. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán cho cháu, bà ngoại Quỳnh chia sẻ: “Gia đình phát hiện cháu bị bệnh thalassemia từ 14 tháng tuổi. Tháng nào cháu cũng phải đến bệnh viện truyền máu. Bố mẹ làm nông nghiệp, phải lo chạy ăn nên phải chia nhau đưa con đi viện và nhờ hai bên nội, ngoại giúp”.

 

Buồng máu, khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khoảng 20 m2 nhưng chật kín bệnh nhi chờ được truyền máu. Cuộc sống của các em gắn liền và phụ thuộc vào những bịch máu, dây truyền treo lơ lửng trên giường bệnh. Cùng chiến đấu với căn bệnh quái ác của các em là những người làm cha, mẹ với khuôn mặt hốc hác, lo âu. Ở nơi buồng bệnh là niềm xót xa khi chứng kiến con òa khóc vì sợ tiêm, là những cái mím môi của mẹ khi con cố níu lấy tay kéo ra khỏi cửa, là những câu dỗ ngọt nhưng trào nước mắt của cha. Gần 300 cảnh đời cơ cực thường xuyên có mặt ở khoa Nhi truyền máu không chỉ làm chúng tôi mà ngay cả những bác sĩ vốn quen với nghề cũng phải đắng nghẹn cổ họng. Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu cũng thường xuyên truyền máu cho 10 cháu từ 1-14 tuổi mắc bệnh thalassemia ở khắp các xã, thị trấn. Mỗi cháu truyền từ 1-3 đơn vị máu /lần, mỗi lần phải nằm viện vài ngày. Qua khám bệnh, các bác sĩ cũng phát hiện khoảng 10 bệnh nhân ngoài 20 tuổi có các biểu hiện rõ của bệnh thalassemia. Trong năm 2013, có 2 bệnh nhân thalassemia 1 tuổi và 30 tuổi tử vong.     

        

Bác sĩ Đinh Thị Diệu, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trăn trở: Thalassemia và sợi dây truyền máu quấn lấy cuộc đời con trẻ. Các cháu chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa từ các huyện lên. Trung bình 1 bệnh nhi phải truyền 2 - 3 đơn vị máu /lần, 4 - 6 lần /năm, bệnh nặng phải truyền 1 lần/tháng. ước tính lượng máu cần truyền riêng cho các bệnh nhi thalassemia chiếm khoảng 50% tổng lượng máu khoa cần. Khánh kiệt kinh tế, suy sụp tinh thần là hoàn cảnh của những gia đình có con mắc bệnh thalassemia. Vì vậy, mỗi khi có đoàn từ thiện, các bác sĩ đều ưu tiên cho các bé. Nhưng điều thôi thúc nhất là phải tìm giải pháp để không còn những đứa bé bất hạnh như vậy ra đời. Do đó, từ năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tích cực phối hợp với Tổng cục DS /KHHGĐ, Bệnh viện Nhi T.Ư triển khai mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh thalassemia tại 3 xã: Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Nam Thượng (Kim Bôi). Đến năm 2013, mô hình đã được triển khai đến 100% xã trong tỉnh. Bệnh viện hiện đang nỗ lực để thành lập Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán bệnh thalassemia nhằm đẩy mạnh các hoạt động giảm tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng, bệnh nhân không phải lên tuyến trên. Bệnh viện đã làm được các kỹ thuật: tổng phân tích tế màu máu, huyết đồ, tủy đồ, sức bền hồng cầu, sinh hóa máu. Kỹ thuật điện di huyết sắc tố đã có máy, cán bộ đảm nhiệm được và chỉ còn chờ phê duyệt giá BHYT.

 

Bệnh thalassemia đang tiềm ẩn khá lớn trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Đây là một trong những bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số với tỷ lệ người mang gen bệnh khoảng 22 - 23% dân số, cá biệt có nơi cao như huyện Mai Châu 28,2%. Để tăng cường các biện pháp giảm thiểu mắc bệnh thalassemia, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 15, ngày 11/10/2012. Theo đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền; nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp chủ động phòng tránh bệnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài. Đến năm 2015, tổ chức lấy máu, xét nghiệm phát hiện gen bệnh, tư vấn cho các đối tượng có nhu cầu và 80% phụ nữ có thai và duy trì trong những năm tiếp theo. Từ năm 2016 triển khai xét nghiệm, tư vấn, sàng lọc trước sinh bệnh tại địa phương.

 

Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: Thalassemia là bệnh chưa chữa được nhưng có thể phòng được bằng cách phát hiện người mang gen ẩn và tư vấn trước hôn nhân để nam - nữ mang gen không kết hôn với nhau. Nếu vẫn cứ kết hôn phải sàng lọc trước sinh (tỷ lệ sinh ra trẻ bình thường chiếm xác suất 1/4). Thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu mắc bệnh thalassemia, Chi cục tập trung vào công tác truyền thông với nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, tập huấn, sinh hoạt CLB tiền hôn nhân, phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp tài liệu cho cộng đồng, tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm... Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân  cần chủ động tìm hiểu, biết cách phòng tránh để bệnh thalassemia và những sợi dây truyền máu không còn trói cuộc cuộc đời những em bé ngây thơ, vô tội.

 

 

 

                                                                              Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục