Công an xã Tú Sơn (Kim Bôi) nắm bắt tình hình người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tại cơ sở.

Công an xã Tú Sơn (Kim Bôi) nắm bắt tình hình người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tại cơ sở.

(HBĐT) - Chưa bao giờ việc lén lút đi lao động ở Trung Quốc lại rộ lên trở thành “phong trào” và cuốn nhiều người vào vòng xoáy tìm giấc mơ đổi đời như năm nay. Toàn huyện Kim Bôi có trên 200 người theo đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới. Bước chân ra đi đem theo niềm hy vọng nhưng nhiều người đã gặp phải địa ngục và vội vã tìm đường trở về với hai bàn tay trắng cùng món nợ hoặc bị giam cầm trước khi bị trục xuất.

 

Đày thân nơi xứ người

 

Tháng 7, mùa thu hoạch ngô ở bản Dao Hạ Sơn, xã Tú Sơn. Vài chục tải ngô chất đầy ngoài hiên nhà ông Lý Kim Thành. Chưa kịp khen gia đình thu hoạch nhiều ngô, người đảng viên 30 tuổi Đảng đã ngậm ngùi nói: Năm nay, không có người làm nên chỉ được có vậy, chứ vụ trước ngô chất đầy cả trong nhà. Chẳng là hai con trai và con dâu theo người làng đi sang Trung Quốc lao động hết. Khổ quá, hai đứa lần mò tìm đường về hôm 3/7, còn một đứa con trai chưa về được. Chúng tôi lo lắng gầy rộc cả người. Thấy bố, mẹ chồng trải lòng, con dâu Hoàng Thị Lan nghẹn ngào: Chúng em vừa cưới nhau, muốn có ít vốn làm ăn, lại thấy người làng rỉ tai nhau đi sang Trung Quốc làm lương cao, không cần giấy tờ gì nên hai vợ chồng bị “hút” luôn. Vay mượn được 6,4 triệu đồng nộp cho người môi giới, 7 giờ tối ngày 17/2, chúng em cùng một số người làng bắt xe lên Lạng Sơn. Một phụ nữ trung tuổi đợi sẵn dẫn đường đi bộ đến một cái nhà hoang. Đến 9 giờ, người phụ nữ này cho chúng em lên xe ô tô cùng 30 người khác đi một mạch cả ngày đêm đến Phúc Kiến. Sau đó, chúng em vào làm tại một xưởng giày da, mỗi ngày làm 12 giờ. Vừa làm được một tháng thì bị người ta đưa đến xưởng khác ở Quảng Đông. Bao nhiêu công sức hai vợ chồng bỏ ra cả tháng bị ông chủ quỵt mất. Chỗ mới cũng chẳng tử tế gì, người ta hứa trả 2.000 tệ/tháng nhưng tháng đầu tiếp tục bị giữ lương. Ba tháng sau người ta cũng chỉ trả cho 2 vợ chồng vẻn vẹn 700 tệ, nói là trừ vào tiền xô, chậu, đồ dùng. Ức quá, em nhờ một người biết tiếng Trung bày tỏ hộ bức xúc, lúc đó ông chủ mới trả cho 1.200 tệ. Lao động vất vả nhưng bữa cơm chỉ có rau, đậu, 1 – 2 tuần mới có miếng thịt. Nhớ về bữa cơm ở nhà nhiều lần em bật khóc, chồng phải dành nốt số tiền còn lại mua 1 hộp mỳ tôm để ăn. Vỡ mộng, chúng em theo một số người cùng xưởng tìm đường về. Khi bắt xe đến gần cửa khẩu Lạng Sơn, chúng em phải nộp mỗi người 5 đồng và đi bộ hơn 20 phút đường đất. Mặc dù trong túi chỉ còn vẻn vẹn đúng 300.000 đồng và phía trước là món nợ nhưng chúng em vẫn sung sướng vì được trở về quê. Bây giờ có “các vàng” em cũng không dám đi nữa, ở nhà trồng ngô, mía vẫn hơn.

 

Khổ nhục hơn Lan, người cùng làng Triệu Văn Hùng bỏ qua lời can ngăn của gia đình vượt biên sang Trung Quốc đêm 16/2. Nghe lời quảng cáo của đối tượng Lý Văn Thuận ở xã Tây Phong (Cao Phong), Hùng vay mượn họ hàng mấy ngày mới được 4 triệu đồng nộp cho Thuận. Không ngờ, vay tiền sang đó để được… đi tù! Hùng kể: Bây giờ nhớ lại vẫn còn ớn lạnh. Đêm đó, ông Thuận đón xe cho em và 30 người khác đến Lạng Sơn. Đến nơi, mọi người dừng lại đổi tiền và đi bộ khoảng 1 giờ lội qua ruộng. Sau đó, chúng em tách nhóm lên 2 xe. Chiếc xe 6 chỗ nhưng tháo hết ghế và nhét 15 người cùng đồ đạc, mọi người phải lúc nhúc nằm lên nhau. Đi được một chặng, có người dẫn đến trú đêm tại một cái nhà hoang, không chăn màn. Có người tên Bắc mang ít gạo, rau đến mọi người tự nấu ăn rồi sởi lửa  qua đêm. Buổi sáng sau vài lần đổi xe, đoàn đến Phúc Kiến và vào làm tại xưởng giày, 12 giờ/ngày. Miệt mài làm đến ngày thứ 26 thì công an Trung Quốc bất ngờ ập vào xưởng. Thấy vậy, 2 người cùng ở Hòa Bình bỏ trốn. Em và 20 người khác bị dẫn giải về đồn công an lúc 22 giờ. Thông qua phiên dịch, người ta hỏi cung và bắt điểm chỉ vào nhiều tờ giấy mà không biết nghĩa là gì. Đến 2 giờ sáng hôm sau, em bị đưa vào phòng giam, nơi chỉ có một cái lỗ hình vuông vừa lọt một cái gáo múc nước. Đến giờ ăn thò gáo ra có người đổ lẫn lộn cả cơm canh vào đó. Được 57 ngày, em bị chuyển sang giam ở một nơi khác. Đây đúng là “địa ngục trần gian”, phòng giam kín mít, không lỗ thông gió, chỉ có một cửa chính đến giờ ăn mới mở ra. Mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa cơm, rau hoặc đậu, không thịt vào lúc 12 giờ trưa và 6 giờ tối. Cơ cực thêm 21 ngày nữa, người ta trục xuất em về nước ngày 14/6.

 

Nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân

 

Theo thống kê của Công an huyện Kim Bôi, toàn huyện có trên 200 người xuất cảnh lao động trái phép sang Trung Quốc, đa số đều ở lứa tuổi lao động. Phần lớn họ lén lút ra đi vì hoàn cảnh khó khăn, mong có thu nhập cao. Mỗi người đi phải nộp cho đối tượng môi giới gần 4 triệu đồng. Nhiều người biết đi lao động “chui” là vi phạm pháp luật nhưng do rủ rê, hứa hẹn của đối tượng môi giới và hoàn cảnh khó khăn nên đành làm liều. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, mọi chuyện không như quảng cáo. Những người trở về kể lại, công việc của họ là công nhân giày da, đúc gang… Họ phải lao động vất vả 12 giờ/ngày, bị quỵt lương, di chuyển nhiều nơi, sống khổ cực và nơm nớp lo bị công an bắt giam. Mất công, giảm sức khỏe và bị mắc nợ nhưng tất cả đều ngậm ngùi, không dám kêu. Trong đó, tập trung ở các xã Tú Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Đồng… Trưởng công an xã Tú Sơn Bạch Công Luyện cho biết: Toàn xã có 53 người xuất cảnh sang Trung Quốc. Trong đó, chỉ có 4 người có hộ chiếu. Đến nay đã có 29 người trở về, 1 phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc. Người dân đi lao động “chui” theo vài đối tượng môi giới khác nhau. Đường vượt biên trái phép cũng khác nhau, có người đi qua sông, qua ruộng, núi… Chưa bao giờ xã Tú Sơn lại xảy ra hiện tượng nhiều người cùng rủ nhau ồ ạt đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc như năm nay. Công an xã đã xuống các xóm nắm tình hình và tổ chức các buổi tuyên truyền tại các cuộc họp thôn.

 

Đồng chí Đào Văn Minh, Trưởng Công an huyện Kim Bôi cho biết: Xuất cảnh trái phép là vi phạm pháp luật. Song, những người này chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn, nhận thức hạn chế. Do đó, biện pháp chủ yếu tập trung vào nắm bắt di biến động nhân khẩu, hộ khẩu; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không nghe lời kẻ xấu hứa hẹn và kêu gọi, vận động người thân về nước. Chưa có thông tin từ người trở về là bị đánh đập nhưng đây cũng có thể là mầm mống cho những loại tội phạm khác như mại dâm, vận chuyển hàng cấm và nhiều mục đích khác. Vấn đề này cần được các cấp, ngành cùng vào cuộc giải quyết, trong đó có giải pháp bền vững là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

 

                                                       

                                                              Cẩm Lệ

 

 

 

Các tin khác

Ngoài sự giúp đỡ về vật chất, cháu Hà Thị Mai Thơm còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên về tinh thần, giúp đỡ học tập của CB -CS Ban CHQS xã Hiền Lương (Đà Bắc).
Các trung tâm mua sắm điện máy tưng bừng các chương trình khuyến mãi cùng World Cup 2014.
Người dân xem bóng đá tại quán cà phê Bức Tường, phường Tân Thịnh (TPHB).
Ảnh minh họa.

Đừng để “sợi dây” Thalassemia trói buộc cuộc đời

(HBĐT) - Sau hơn 1 năm gặp lại, bé Dương Yến Quỳnh ở xã Trường Sơn (Lương Sơn) vẫn xanh xao, bụng to, khuôn mặt đặc trưng thalassemia (tan máu bẩm sinh). Em nhỏ hơn tuổi lên 6. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán cho cháu, bà ngoại Quỳnh chia sẻ: “Gia đình phát hiện cháu bị bệnh thalassemia từ 14 tháng tuổi. Tháng nào cháu cũng phải đến bệnh viện truyền máu. Bố mẹ làm nông nghiệp, phải lo chạy ăn nên phải chia nhau đưa con đi viện và nhờ hai bên nội, ngoại giúp”.

Vì sao xã Định Cư chỉ có 15% hộ dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa?

(HBĐT) - Năm 2013, toàn xã Định Cư (Lạc Sơn) chỉ có 152/993 hộ (tương đương 15,3% tổng số hộ dân toàn xã) đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (GĐVH) và chỉ có 1/15 KDC (chiếm 6% xóm toàn xã) đạt KDC văn hóa. Xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa cao nhất xã là xóm Mương Hạ Trong cũng chỉ có 19/63 hộ và xóm có tỷ lệ hộ gia đình văn hóa thấp nhất là xóm Bán Dưới với 2/70 hộ. Điều gì đang diễn ra phía sau những con số bất thường này?

Nỗi đau phía sau những vụ tai nạn giao thông

(HBĐT) - Phía sau những vụ tai nạn giao thông (TNGT), mất mát về con người không gì có thể bù đắp được: con mất cha, mẹ mất con, gia đình, bạn bè mất đi người thân... song tận cùng của nỗi đau còn là sự hối hận, day dứt chưa khi nào nguôi của người trong cuộc; là những ám ảnh kinh hoàng đối với người thân của những nạn nhân tử nạn vì TNGT.

Về đâu, hỡi những “sơn nữ” vùng cao?

(HBĐT) - Xóm Nà Chiếu (Cao Sơn - Đà Bắc) mùa này đang rợp một màu xanh ngắt của ngô đang sắp chắc hạt. Con đường bê tông hoá (từ năm 2009) khiến việc đi lại, làm ăn của bà con thuận lợi hơn. Ô tô đến tận nhà mua ngô, trao đổi hàng hoá. 100% số hộ được dùng điện lưới, có ti - vi xem; 98% số hộ có xe máy. Những ngôi nhà trải dài, bình yên trong nắng sớm, không mấy ai mảy may rằng: bên trong những ngôi nhà đó vẫn đang ngổn ngang những nỗi niềm, day dứt và vật vã những hy vọng. Nơi đây, vừa qua có nhiều sơn nữ là nạn nhân của một vụ đưa người ra nước ngoài trái phép...

Sống lại ký ức Điện Biên

(HBĐT) - “Tôi là lính Sư đoàn 312, ông Lê Trọng Tấn là Sư trưởng, ông Trần Độ là Chính ủy, ông Đàm Quang Trung Đại đoàn phó... Đơn vị tôi tham gia đánh trận Him Lam từ ngày đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ”... Dòng chảy từ những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức của người chiến sỹ Điện Biên Giang Lê Bộ (ở tổ 22, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình) cứ thế tuôn chảy, đưa chúng tôi trở lại những trận đánh diễn ra cách đây đúng 60 năm trên sa trường Mường Thanh...

Ở đâu có nhân dân thì ở đó có dấu chân những người chiếu bóng

(HBĐT) - Đó là câu nói truyền miệng của những người làm nghề chiếu bóng phục vụ nhân dân vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo chân của đội chiếu bóng lưu động Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, về các xóm, bản, được nghe tâm sự của các anh, chứng kiến cảnh háo hức, mong chờ của bà con, chúng tôi mới hiểu, cảm thông với nghề chiếu bóng đầy khó khăn, vất vả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục