Giáo dục cũng là nỗi trăn trở của người dân xóm Hà (Ảnh chụp tại lớp 3a3 Chi xóm Hà, trường Tiểu học Đồng Chum A, xã Đồng Chum, Đà Bắc).
(HBĐT) - Xóm Hà có 80 hộ, 98% là bà con người Mường, là xóm nghèo nhất xã Đồng Chum (Đà Bắc) và là 1/36 xóm khó khăn nhất tỉnh. Giao thông cách trở nên bao năm qua bản Mường này vẫn hoay hoay thoát nghèo. Cùng với đó là niềm mong ước cháy bỏng về một ngôi trường khang trang để cô và trò khỏi phải nơm nớp nỗi lo “trôi” chữ trong những ngày mưa gió.
“Nút thắt” giao thông
Cách trụ sở UBND xã Đồng Chum 9 km, sau 5 km đường nhựa, vượt qua 4 km cung đường vòng vèo nơi lưng chừng núi là vào đến xóm Hà. Trong đó, 2 km đã được mở rộng, còn lại là đoạn đường trắc trở thực sự là thử thách với bất kỳ tay lái nào. Bản Mường những ngày này đang bước vào thời kỳ thu hoạch sắn. “Sắn ở trong Chum người ta bán 8.000 đồng/10 kg, nhưng ngoài này bán 6.000 đồng cũng không ai mua”, Bí thư chi bộ Đinh Công Chăn cho biết. “Tôi được đo con đường này từ năm 1995, thời còn bãi cát sông Đà và um tùm lau, sậy nhưng đến bây giờ đường xá vẫn rất trắc trở. Mỗi năm chỉ làm một đoạn, vừa rồi có đoàn khảo sát nhưng không biết sang năm có đường thuận lợi để đi chưa. Đường khó nên đời sống của bà con còn thiếu thốn lắm”, ông Chăn lý giải.
Là xóm nằm tách biệt so với các khu dân cư khác, đằng sau dựa vào núi và phía trước giáp lòng hồ sông Đà nên diện tích trồng lúa rất ít ỏi (khoảng 1 ha). Việc phát triển kinh tế của bà con phụ thuộc vào cây ngô, sắn. Thế nhưng, việc canh tác gặp nhiều khó khăn vì thời tiết khăc nghiệt, đất đai ngày một cằn cỗi và chi phí đầu tư ngày một cao hơn. Theo ông Đinh Công Hiếu, Trưởng xóm Hà cho biết: Vài năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi nhưng giá ngô của bà con vẫn chỉ dao dộng từ 21-29 nghìn đồng/10 kg bắp. Đường giao thông khó khăn nên buồng chuối, quả dứa bà con trồng được cũng chẳng biết bán cho ai. Trồng luồng cũng rất phát triển và “nếu có đường thuận lợi thì nhiều hộ đã khấm khá hơn nhờ cây luồng rồi”.
Giao thông là “nút thắt” trong phát triển kinh tế của xóm Hà, xã Đồng Chum (Đà Bắc)
Hiện, đường giao thông trong xóm hầu hết là đường đất, đá, việc đi lại và tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Chính vì thế, đời sống của bà con chậm chuyển biến, hiện tỷ lệ hộ nghèo là 55% , thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm; mức bình quân của xã Đồng Chum lần lượt là 43,04% và 15 triệu đồng. Theo chia sẻ của BQL xóm, thực chất số hộ nghèo còn cao hơn và mức thu nhập của một xóm không có đất ruộng như trên là còn khá thấp. Cùng với giao thông, giáo dục cũng là nỗi trăn trở của người dân xóm nghèo này.
Trăn trở với sự học
Do nằm cách xa trung tâm xã, xóm Hà có điểm trường đặt tại xóm với 2 cấp học là mầm non và tiểu học, tổng số học sinh là 41 em. Trường mầm non chi xóm Hà đã được xây dựng đảm bảo nhưng trường tiểu học thì vẫn còn là dãy nhà tạm bợ với nền đất mấp mô, mái lợp pro xi măng, vách được chắp vá từ các tấm gỗ phooc thủng lỗ chỗ và những phên nứa.
Cô giáo Ngô Thị Nhung, chủ nhiệm lớp 5 chi Hà, trường TH Đồng Chum A chia sẻ: “Nhà tạm bợ, mưa gió là nước chảy vào lớp lênh láng, cô trò phải tránh mưa. Trang thiết bị dạy học cũng rất thiếu thốn không đảm bảo chất lượng cho công tác giảng dạy”. Do 4 phòng học chỉ được ngăn bằng các phên nứa nên âm thanh bên này nói, bên kia nghe hết, có phòng chỉ rộng khoảng 4-5m2 . Sân chơi cũng rất hạn chế nên sau giờ ra chơi các em học sinh lại túm tụm ngồi lên các tảng đá vui đùa. Còn các thầy, cô để ở lại công tác phải ở nhờ nhà dân, nhà y tế của xóm với không gian chật hẹp.
Thầy giáo Sa Văn Vương, chủ nhiệm lớp 3a3 cũng như các thầy cô khác bình thường thì cuối tuần về thăm nhà nhưng vào mùa mưa, có khi cả tháng trời mới về được vì đường giao thông lúc này nhão nhoẹt bùn đất. Đó là cũng là tình cảnh của các em đang học cấp 2, cấp 3 của xóm Hà ở bán trú lại trường ngoài xã. Trong câu chuyện với chúng tôi, các thầy cô đều bày tỏ mong muốn được các cấp quan tâm xây dựng đường giao thông thuận lợi và trường học khang trang để sự học ở nơi đây không bị đứt đoạn.
Rời xóm Hà khi những tia nắng đã nhạt dần trên những ngọn núi xa xa, những trảng lau khẽ đung đưa trước gió và in bóng dài trên những dốc đá. Đà Bắc mùa này dễ khiến người ta mê mẩn. Phảng phất suy tư giá như, đường vào xóm Hà là con đường bê tông thì vẻ đẹp ấy sẽ trọn vẹn và vui hơn.
Viết Đào
(HBĐT) - Nhịp sống càng hối hả, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền ngày càng gia tăng khiến con người ngày càng trở nên bon chen, ích kỷ hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng thơm thảo và câu chuyện về quán cơm 2.000 đồng/suất ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là một minh chứng.
(HBĐT) - Con đường bê tông được xây dựng và hiện đã hoàn thành 3/4 quãng đường đưa chúng tôi chạy thẳng đến xóm Sổ, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh ta). Cây cầu treo dân sinh mới toanh bắc qua suối Sổ trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Xa xa trên triền đồi, những đồi keo lai vươn sắc xanh mướt. Đó là bức tranh đầy sức sống thể hiện cho những sự chuyển mình của bà con người Tày ở nơi xa xôi này .
(HBĐT) - Vụ tai nạn nổ đầu đạn pháo 105mm xảy ra vào trưa ngày 07/12/2015 vừa qua như thêm một lời cảnh báo về những nguy cơ chết người từ vật liệu nổ (VLN) tồn sót sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Tập tục di canh, di cư từ lâu đã tồn tại trong cách sống của đồng bào dân tộc Dao, thế nên mới có chuyện 10 năm họ chuyển đến dăm vài chỗ. Người Dao ở xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn (Lương Sơn) sau nhiều lận đận, gập gềnh, cuối cùng họ đã tìm được “bến đỗ” để an cư, lạc nghiệp. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hiệu quả thiết thực mà chương trình 135 đem lại.
(HBĐT) - Được công nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về chất lượng và giá cả. Sau mỗi vụ cam, những người ra nhập đội quân tỷ phủ ở Cao Phong ngày một nhiều hơn trở thành niềm mơ ước của không chỉ nông dân tỉnh nhà, mà còn của toàn quốc
(HBĐT) - Sức “nóng”, nỗi tang thương của vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn những ngày qua đã tạm lắng. Nhưng ám ảnh về nỗi đau mất mát vẫn đang còn hiện hữu trong cuộc sống nơi vùng quê nghèo Phú Lương (Lạc Sơn). Còn đó, trong giấc ngủ chập chờn mộng mị tiếng con trẻ gọi cha; còn đó vành khăn trắng và nỗi ám ảnh của những người trở về... Dẫu tang thương, chia lìa, nhưng sức “nóng”của những chuyến đi làm ăn xa vẫn luôn ám ảnh người dân chốn quê nghèo.